Biến khó khăn thành cơ hội, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng (18/03/2022-16:19)
Trong những năm qua, hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, việc đổi mới ở mỗi bài giảng, khóa học tạo động lực cho sự thích ứng, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp.
Việc đào tạo trực tuyến sẽ khắc phục được những khó khăn của dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên ở xa.
Lựa chọn nội dung, chương trình bồi dưỡng hướng về cơ sở
Hoạt động đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền báo nói chung và hoạt động tác nghiệp của phóng viên tại các cơ quan báo chí nói riêng. Trong nhiều năm qua, công tác này đã được Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ khi dịch bệnh xảy ra cho đến nay, việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ không bị ảnh hưởng mà thậm chí đã có những đổi mới, thay đổi đáp ứng nhu cầu tiếp thu kiến thức, nâng cao kỹ năng tác nghiệp của hội viên nhà báo. Việc lồng ghép cả hình thức đào tạo trực tiếp hay trực tuyến được tổ chức linh hoạt.
Đặc biệt, chất lượng đào tạo mỗi khóa học, mỗi buổi học đã được nâng lên. Trên cơ sở nắm bắt được nhu cầu ở cơ sở, sở thích của phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Đó là những thông tin gì, kỹ năng sát thực tế, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai.
Theo đó, Trung tâm đã có những lớp chuyên sâu về kỹ năng viết tin bài cho báo điện tử; phóng sự ảnh báo chí; công tác biên tập và quản lý tòa soạn; nâng cao trách nhiệm của người làm báo đối với công chúng trong thời đại công nghệ số… Đặc biệt có nhiều lớp học cập nhật và mở rộng kiến thức chuyên sâu về ứng dụng công nghệ, như: Kỹ năng số hóa và khai thác dữ liệu dành cho nhà báo; Làm báo đa phương tiện; Sử dụng phần mềm Adobe Premier sản xuất video clip; Kỹ năng làm truyền hình bằng điện thoại di động…
Đó là các chủ đề được học viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đánh giá là rất đúng và trúng, nhờ vậy mỗi lớp học luôn sôi nổi, hăng say, có sự cởi mở tương tác giữa giảng viên và học viên. Mỗi phóng viên cảm thấy đó là kiến thức bổ ích cần lĩnh hội và là dịp giải đáp những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình tác nghiệp ở thực tiễn.
Phối hợp thường xuyên các lớp đào tạo, bồi dưỡng với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí, nhà báo Nguyễn Thị Thương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các lớp học. Về lựa chọn các chủ đề, chúng tôi nắm bắt thông qua những lần gặp gỡ các cơ quan báo chí trong tỉnh, trao đổi với hội viên các Chi hội để hiểu nhu cầu hội viên nhà báo muốn bổ sung thêm kiến thức kỹ năng gì để triển khai lớp học được hiệu quả.
“Thời gian phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí, chúng tôi thấy đã cho kết quả tích cực, anh em hội viên hứng khởi hơn sau mỗi lớp học được tổ chức. Họ được trao đổi kỹ năng kinh nghiệm thực tế. Tôi là người trực tiếp dự các lớp tập huấn này, đó là những buổi học có sức hấp dẫn. Kể cả khi buổi học kết thúc, nhưng nhiều hội viên duy trì việc trao đổi kiến thức, kỹ năng với nhau để mong muốn áp dụng hiệu quả vào chính công việc mình đang làm” - nhà báo Nguyễn Thị Thương chia sẻ.
Bắt kịp sự phát triển không ngừng của công nghệ
Bước sang năm 2022, dịch bệnh COVID-19 vẫn có chiều hướng căng thẳng, nhưng chính trong bối cảnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tạo ra cơ hội để Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí tiếp tục khẳng định sự chủ động, linh hoạt. Nhiều hoạt động bồi dưỡng mang tính sáng tạo góp phần duy trì việc tiếp thu, nâng cao kỹ năng cho mỗi hội viên ở các cấp Hội.
Xưa nay chúng ta vẫn thường nghĩ học trực tiếp sẽ hiệu quả, nhưng học trực tuyến cũng có những ưu điểm riêng. Giảm khoảng cách về địa lý giữa hội viên Hội Nhà báo ở các tỉnh xa Thủ đô vì nay không phải di chuyển về hay tập trung ở một địa điểm nào đó để tham gia khóa học. Không phát sinh nhiều chi phí đi lại, mỗi hội viên chỉ cần một thiết bị máy tính kết nối internet là có thể tham gia lớp học ở bất kỳ đâu...
Thường xuyên tham gia giảng dạy ở các lớp do Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí tổ chức, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo điện tử Dân Việt) cho biết: Việc tổ chức các lớp học trực tuyến, giúp hội viên tiếp cận ở mọi lúc mọi nơi này có thể nói là “rã đông” các kiến thức làm báo cho mọi người, mở ra cơ hội học tập, tiếp thu nội dung mới, thay lối cũ, tư duy cũ trong tác nghiệp. Thực tế, đã có những lớp học nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí thu hút hàng trăm học viên học trực tuyến. Việc này gần như không tổ chức được ở một lớp học trực tiếp. Với chủ đề được số đông học viên lựa chọn, còn nhiều phóng viên ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, hay ở các nước trên thế giới cùng tham gia học...
“Tất nhiên để có những lớp học đó, việc chuẩn bị tài liệu, bài giảng sao cho sinh động là rất quan trọng. Như bản thân tôi phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí xây dựng các video bài giảng, làm sao mỗi một video mang đến nhiều hình ảnh trực quan, lượng kiến thức để học viên dễ hiểu, dễ thu hút. Cách giảng dạy này mất thời gian hơn so với trình chiếu bằng phần mềm powerpoint truyền thống. Tôi nghĩ rằng, sau này khi dịch được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường thì phong trào học online vẫn phát huy tính hiệu quả của nó” - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.
Có thể nói, trong mỗi hoàn cảnh, mỗi giai đoạn phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam luôn kiên định và duy trì công tác đào tạo bồi dưỡng cho hội viên. Từ đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm báo lồng ghép về đạo đức người làm báo trong các bài giảng. Với mong muốn sau mỗi khóa bồi dưỡng, học viên sẽ mang kiến thức đó vào hoạt động sáng tác, tạo ra tác phẩm báo chí hấp dẫn đến độc giả một cách nhanh chóng, chính xác, khách quan, trung thực.
Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: Trong thời gian này, Trung tâm bắt đầu mở một số lớp ở các tỉnh thành, trong đó có nhiều chủ đề về chuyển đổi số vào kế hoạch đào tạo nhằm giúp cho các cơ quan báo chí cũng như các hội viên nắm bắt và đi tắt đón đầu sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin thời 4.0, dự báo sẽ tác động và thay đổi công nghệ báo chí.
“Trong thời gian tới, việc đào tạo trực tuyến sẽ khắc phục được những khó khăn của dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên ở xa có cơ hội được tham gia vào các khóa học. Trung tâm sẽ linh hoạt kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp, đồng thời cũng cung cấp các bài giảng online trên các trang truyền thông của Trung tâm, tạo cơ hội để có thêm nhiều nhà báo, hội viên tiếp cận được với các bài giảng, khóa đào tạo của Trung tâm” - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí chia sẻ.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com