Kích hoạt thị trường du lịch quốc tế: Việt Nam sẽ là thỏi nam châm thu hút đầu tư (18/03/2022-16:24)
Nhờ các nền tảng thuận lợi như dân số trẻ và chi phí lao động cạnh tranh cùng các chính sách phục hồi hậu COVID-19, cũng như mở cửa trở lại du lịch, Việt Nam càng là thỏi nam châm thu hút đầu tư.
Du khách quốc tế có thể đến Việt Nam du lịch từ ngày 15/3.
Chiều ngày 15/3, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công bố chính thức mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới, tuy nhiên đến tối 15/3 mới có quy định hướng dẫn về điều kiện y tế đối với du khách nước ngoài đến Việt Nam... Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, ngành du lịch Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai cùng các địa phương, bộ ngành và đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong toàn ngành để nhanh chóng kết nối lại thị trường, chuẩn bị các điều kiện bước vào giai đoạn phục hồi mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có du lịch.
Tín hiệu của du lịch Việt đang rất lạc quan
Kết thúc năm 2021, ngành du lịch đã phục vụ được 40 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong những tháng đầu năm 2022, toàn ngành du lịch chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về lượng khách du lịch nội địa.
Thống kê cho thấy, hết tháng 2/2022, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 9,6 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 380%, trong đó có khoảng 6 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu đạt 25.000 tỷ đồng trong dịp Tết vừa qua. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 2 tháng đầu năm đã đạt 17,6 triệu lượt khách.
“Đây là con số đáng mừng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh lưu trú, các loại hình vui chơi du lịch tái khởi động và để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho việc mở cửa lại du lịch”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Bên cạnh lượng khách quốc tế đi theo hộ chiếu vaccine từ khi triển khai thí điểm đón khách quốc tế, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đến thời điểm này Việt Nam đón hơn 10.000 khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine. Thời gian qua, lượng khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón khoảng 49.200 lượt khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy ngành du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu có những giải pháp, biện pháp phương thức phù hợp để nắm bắt cơ hội trước bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Cũng trong suốt thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã rất nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ nhiều lần và có những văn bản đề xuất, kiến nghị để nhanh chóng đến thời điểm 15/3 có phương án cuối cùng công bố cho bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp triển khai kết nối lại thị trường du lịch.
Kể từ ngày 15/3/2022 du lịch Việt Nam mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, mở lại toàn bộ hoạt động du lịch cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không và tại tất cả các cửa khẩu.
Đồng thời, khôi phục lại toàn bộ chính sách visa theo tinh thần Nghị quyết 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3, gồm công dân các nước: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đây là một trong những chính sách thích ứng kịp thời của Chính phủ nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ ngành du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới. Song song với đó là thống nhất về nội dung liên quan đến các quy định đối với khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa.
Nên mạnh dạn mở cửa du lịch
Việt Nam là “con cưng” của ASEAN trong những năm gần đây. Nhờ các nền tảng thuận lợi như dân số trẻ và chi phí lao động cạnh tranh cùng các chính sách phục hồi hậu COVID-19, cũng như mở cửa trở lại du lịch, Việt Nam càng là thỏi nam châm thu hút đầu tư.
Ngày 25/2, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị bàn tròn với khoảng 100 quan chức Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp Singapore và Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore. Trong cuộc đối thoại, các đại biểu đã thảo luận về những cơ hội hợp tác mới và đang phát triển giữa các công ty Singapore và Việt Nam, bao gồm số hóa, cơ sở hạ tầng và tính bền vững.
Nhiều doanh nghiệp Singapore như SBF và UOB đều được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam ghi nhận về nỗ lực thúc đẩy FDI vào Việt Nam. Kể từ tháng 11/2019, SBF đã hỗ trợ 20 dự án tại Việt Nam; gần 200 công ty Singapore được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này.
Trong khi đó, UOB, kể từ khi ký Bản ghi nhớ mở rộng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vào tháng 11/2020, đã giúp hơn 60 công ty đầu tư vào Việt Nam với cam kết trị giá 1,18 tỷ USD. UOB cũng có kế hoạch tạo điều kiện cho các khoản đầu tư tiềm năng trị giá 2,2 tỷ USD vào các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ và hàng tiêu dùng trong 2 đến 3 năm tới.
Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực tìm cách phục hồi ngành du lịch với kế hoạch mở cửa hoàn toàn trở lại đất nước cho du khách nước ngoài. Harry Loh cho biết, việc dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế đi lại từ ngày 15/3 sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực.
Theo dữ liệu từ Statista, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2019. Theo tờ The Diplomat, trong hai thập kỷ qua, ngành du lịch của Việt Nam đã phát triển nhảy vọt, phù hợp với nền kinh tế năng động. Trước đại dịch, ngành du lịch đạt doanh thu khoảng 32 tỷ USD mỗi năm, chiếm hơn 10% GDP. Do vậy, việc khôi phục lĩnh vực du lịch trở thành một vấn đề quan trọng trong kế hoạch rộng lớn hơn của Chính phủ để phục hồi nền kinh tế.
Thực tế, vấn đề mở cửa du lịch thế nào để không lỡ nhịp hồi phục đang trở thành tâm điểm được ngành du lịch quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, du lịch là một ngành đặc thù nên các chính sách liên quan cũng cần linh hoạt để phù hợp hơn. Việc mở cửa là cần thiết nhưng vẫn phải giữ ở mức an toàn.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan đến nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín,…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị, địa phương. Vì vậy du lịch khép kín, nhóm nhỏ nên được khuyến khích.
Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, 5K vẫn là yếu tố tối quan trọng trong việc điều hành du lịch. Tuy nhiên, không phải tất cả “K” đều phải áp dụng mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, khẩu trang sẽ là thứ cần áp dụng tối đa. Khử khuẩn rất quan trọng. Vấn đề khoảng cách cần tùy theo nhóm, tùy đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn. Ngoài ra, các nhóm du lịch phải chấp hành khai báo y tế để xác định nguy cơ lây nhiễm, giúp xử lý gọn.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đồng bộ các hoạt động và phương án dự phòng cũng là điều quan trọng khi mở cửa du lịch.
“Phải có phương án nhập cảnh an toàn, khách sạn an toàn, dịch vụ ăn uống của khách an toàn, các dịch vụ vui chơi giải trí khác cũng phải an toàn. Nếu đứt gãy một khâu, sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của khách. Nói ví dụ, khách du lịch vào Việt Nam an toàn, đến khách sạn an toàn nhưng ăn uống không an toàn, một người trở thành F0 thì cả đoàn khách sẽ bị ảnh hưởng” - PGS Phu nêu dẫn chứng.
Về cách xử lý, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng nhấn mạnh, cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế và chính quyền địa phương. Cùng với đó, cần có hướng dẫn chung toàn ngành, toàn quốc, tránh mỗi nơi làm một kiểu, đặc biệt phải ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch bệnh trong du lịch.
“Tùy theo tình hình xử lý linh hoạt và nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng hơn” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Du khách nhập cảnh không phải cách ly, trẻ dưới 2 tuổi không cần xét nghiệm
Tối 15/3, Bộ Y tế đã hoàn thiện và ban hành quy định Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, cũng như tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đạt ở mức cao; số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 đang được kiểm soát tốt.
Theo đó, đối với người nhập cảnh theo đường hàng không: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Ðối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt): Phải có xét nghiệm như đối với nhập cảnh bằng đường hàng không.
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định nêu trên, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Ðối với trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com