Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Đủ chiêu “thổi phồng” công dụng TPCN
Khi đời sống ngày càng được nâng cao thì người dân sẽ có điều kiện đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe, trong đó các loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe được quan tâm, do vậy, thị trường TPCN ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm an toàn, có chất lượng, vẫn còn nhiều loại TPCN kém chất lượng, nhưng lại được quảng cáo có công dụng như thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội... khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” về các sản phẩm TPCN.
Trường hợp của chị Ng.Th.Ph., thường trú tại xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa), với mong muốn để người cha đang bị tai biến được hồi phục cơ thể, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, chị Ng.Th.Ph. đã quyết định mua TPCN cho cha mình uống. Trao đổi với chúng tôi, chị Ng.Th.Ph. bức xúc cho biết: “Trên tờ rơi quảng cáo và người bán hàng đều nói đây là loại TPCN rất hiệu quả cho người già bị tai biến mạch máu não, chỉ cần sử dụng đều đặn trong khoảng nửa tháng là tình trạng sức khỏe của người bệnh có tiến triển rất tốt, bệnh tật giảm dần. Tuy nhiên, thực tế lại không như những gì mà người ta đã quảng cáo. Sau gần một tháng, cha tôi uống hết 7 - 8 hộp TPCN mà bệnh tình chẳng thay đổi, ông cụ vẫn liệt nửa người và phải nằm một chỗ...”.
Hay mới đây, sau khi lây nhiễm COVID-19, chị Mai (TP Thanh Hóa) nhận thấy cơ thể bị tăng cân, hay mệt, thở dốc khi làm việc gắng sức... Xem quảng cáo trên một trang mạng xã hội về loại TPCN giảm cân nhanh, không ngần ngại chị Mai đã bỏ ra gần 5 triệu đồng mua 10 hộp TPCN để lấy lại vóc dáng “hậu COVID”. Kết quả, cân nặng không thấy giảm, mà còn khiến chị phải nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim.
Thực tế, trường hợp của chị Ng.Th.Ph. và chị Mai chỉ là hai trong số những nạn nhân bị đánh lừa bởi những thông tin quảng cáo sai sự thật của nhiều loại TPCN. Bởi chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên google và gõ cụm từ “mua bán TPCN”, trong vòng chưa đầy 0,5 giây có thể tìm thấy hàng chục triệu kết quả từ rất nhiều các trang web, diễn đàn khác nhau, quảng cáo các loại sản phẩm như: viên nang, nước uống, bột, súp, siro, trà... dành cho đủ mọi đối tượng, độ tuổi và đủ loại tác dụng khác nhau. Mặc dù chỉ là TPCN, nhưng các sản phẩm này được không ít nhà sản xuất, phân phối đua nhau quảng cáo trên mạng, trên báo chí, truyền hình và thổi phồng tác dụng lên quá mức, như là một loại “thần dược” có khả năng khắc chế đối với các bệnh nan y. Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã gây sự hiểu nhầm rất lớn cho người tiêu dùng. Không ít người vì tin lời quảng cáo đã bỏ nhiều tiền mua TPCN để trị bệnh, bỏ lỡ quá trình điều trị theo phác đồ của bác sĩ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện có dấu hiệu bị biến chứng do sử dụng TPCN không đúng cách hoặc TPCN không rõ nguồn gốc, xuất xứ với những biến chứng thường gặp là suy gan, suy thận, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy.
Bác sĩ Phạm Văn Tâm, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo: TPCN không phải là thuốc, không có tác dụng điều trị bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Khi sử dụng TPCN cần có chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, không nên lạm dụng TPCN sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, bởi TPCN có thể phù hợp với đối tượng này nhưng không phù hợp với đối tượng kia, có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn.
Cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh, xử lý vi phạm
Hệ lụy của vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN là rất nghiêm trọng, gây tổn hại sức khỏe của người dân khi mua phải hàng giả, kém chất lượng, có bệnh mà không chữa trị kịp thời do lầm tưởng sử dụng TPCN như thuốc chữa bệnh, thiệt hại về tài chính,... Việc đấu tranh ngăn chặn vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN là hết sức cấp thiết và cần sự phối hợp đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hiện nay vướng mắc do nhiều trường hợp biết là vi phạm song do chưa có quy định nên không xử lý được. Trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong quý I-2022, ngành y tế đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra theo kế hoạch đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, TPCN trên địa bàn. Kết quả, trong số 36 cơ sở được kiểm tra, có 16 cơ sở vi phạm bị xử lý, trong đó có 1 cơ sở kinh doanh TPCN.
Dược sĩ CKII Bùi Hồng Thủy, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay Thanh Hóa có hơn 3.000 cơ sở nhà thuốc đủ điều kiện kinh doanh TPCN. Trước thực trạng TPCN bán tràn lan và vi phạm quảng cáo, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm (nếu có)”.
Mới đây, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với các ngành có liên quan và y tế các địa phương về những vấn đề liên quan đến thực trạng quảng cáo TPCN trong thời gian qua. Theo đó, hội nghị nhìn nhận, hiện nay các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là báo mạng, website còn rất phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát; một số website, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài, ngành chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. Việc sử dụng các nền tảng của môi trường mạng để thực hiện quảng cáo, buôn bán có xu hướng gia tăng. Vấn đề này rất cần được nhìn nhận đúng mức, cần có sự phối hợp liên ngành trong xử lý vi phạm ở lĩnh vực này nhằm tạo sự răn đe, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Để kiểm soát hiệu quả việc quảng cáo TPCN, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát lại quy trình cấp phép quảng cáo các sản phẩm loại này. Cùng với đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cần phải công khai các cơ sở vi phạm, thậm chí là trang điện tử vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Đặc biệt, trong công cuộc chống vi phạm hoạt động quảng cáo TPCN rất cần sự phối hợp của người dân, không mua TPCN khi không thật sự cần thiết (có sự tham khảo, khuyến cáo của người thực sự có chuyên môn) và không mua sản phẩm quảng cáo qua tuyên truyền miệng. Chủ động tìm hiểu về sản phẩm trên các trang thông tin của ngành chuyên môn y tế để bảo đảm sản phẩm đã được cấp phép hoặc sản phẩm không thuộc diện bị thu hồi do phát hiện các lỗi về chất lượng sau khi đưa ra thị trường, tránh “tiền mất tật mang”.
Theo Bài và ảnh: Hà Phương/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhieu-sai-pham-trong-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang/159610.htm