Một ứng dụng like video Tiktok hiện đã ngừng hoạt động. Ảnh: Internet
Mới đây, chị Nguyễn Thu L., phường Đông Hải, TP Thanh Hóa nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ mời tham gia kiếm tiền bằng việc like các video trên Tiktok. Theo “chia sẻ” của người lạ này, nếu đồng ý tham gia, chị L. sẽ được hướng dẫn truy cập vào 1 website và nhiệm vụ hàng ngày của chị là “tranh thủ lúc rảnh rỗi để like các video và tiền sẽ tự chảy vào tài khoản”. Tuy nhiên, để được tham gia công việc này, chị L. sẽ phải mua các gói đầu tư có giá từ 960.000 đồng đến 27 triệu đồng để nhận số lượng nhiệm vụ công việc tương ứng. Gói đầu tư càng cao thì sẽ nhận được càng nhiều nhiệm vụ và sẽ có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng. Chị L. cũng được “bật mí” sẽ còn có cơ hội tăng thêm thu nhập nếu mời gọi thêm được người tham gia và sẽ được trả từ 10 - 15% số tiền các gói đầu tư của người giới thiệu. Do thấy có dấu hiệu bất thường nên chị L. đã không tham gia công việc này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chiêu trò lập website để mời gọi công việc like video trên Tiktok đã xuất hiện từ vài năm nay, với một số website tại địa chỉ https://app.goldfingeronline.com, https://likevi789.com. Hàng nghìn người dân đã từng “sập bẫy” khi nạp tiền vào các hệ thống này và không rút được tiền khi các website này ngừng hoạt động. Hiện nay, các đối tượng lại lập các website mới để dụ dỗ người mới tham gia.
Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi tham gia làm công việc cộng tác bán hàng thông qua các lời mời chào trên mạng xã hội. Thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng nhắn tin hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng tin tuyển cộng tác viên mua bán hàng, tăng tương tác giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Người tham gia sẽ được yêu cầu thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng” từ 10% đến 20% giá trị đơn hàng. Để tạo lòng tin cho những người mới tham gia, các đối tượng thực hiện “quy trình” thanh toán rất uy tín với những đơn hàng nhỏ ban đầu. Khi đã được tin tưởng và đánh vào lòng tham của các cộng tác viên, số lượng đơn đặt hàng tăng lên với số tiền lớn, các đối tượng này sẽ giở chiêu trò chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC) cho biết, qua theo dõi trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Trung tâm VNCERT/CC đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn giả mạo nền tảng thương mại điện tử của Amazon.
Theo ghi nhận trên hệ thống, người dân nhận được nhiều tin nhắn qua điện thoại di động với nội dung: “Amazon cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà! Số lượng 100 người. Mô tả công việc, xử lý đơn đặt hàng từ nền tảng thương mại điện tử của Amazon. Yêu cầu độ tuổi lao động: 23 - 60 tuổi. Thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Các bạn có nhu cầu tham gia xin việc liên hệ zalo: zalo.me/84926367553 zalo:84926367553”.
Tuy nhiên, theo Amazon, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon. Amazon cho biết, các nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên.
Để phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo, Trung tâm VNCERT/CC lưu ý người dân, thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về các hình thức lừa đảo, mạo danh trên cổng Thông tin điện tử chongthurac.vn. Khi nhận được các thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp.
Theo khuyến cáo của các lực lượng chức năng, hiện nay, trong bối cảnh nhu cầu tìm việc của người dân tăng cao, xuất hiện rất nhiều các hình thức mời gọi tuyển dụng việc làm, cộng tác viên... Trong đó, tiềm ẩn nhiều biểu hiện tuyển dụng kết hợp đầu tư trá hình theo hình thức đa cấp, có yếu tố nước ngoài, với hàng trăm website không phép đang hoạt động. Để tự bảo vệ mình, người tham gia cần phải tìm hiểu kỹ về các hình thức tham gia, cảnh giác với các yêu cầu đặt cọc, chuyển khoản. Không cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân như căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng... Không truy cập đường link, tải ứng dụng lạ khi chưa rõ thông tin để đề phòng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Tùng Lâm/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/canh-giac-voi-cac-chieu-thuc-tuyen-dung-viec-lam-theo-hinh-thuc-da-cap-bien-tuong/159699.htm