Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch để tránh “sập bẫy” lừa đảo trên mạng.
Thời gian gần đây, chị P. (quê ở huyện Hoằng Hóa) thường xuyên nhận được tin nhắn từ người lạ với các nội dung như: “Tiki cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà! Số lượng có hạn chỉ 100 người. Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Yêu cầu độ tuổi: 23 - 60. Thu nhập 350k - 1.200k/ngày, nhận tiền trong ngày. Liên hệ số điện thoại 84586xxxxxx”; “Tiki Shopee tuyển nhân viên làm việc tại nhà. Mô tả công việc: Xử lý đơn đặt hàng trên nền tảng thương mại điện tử; lương hàng tháng từ 10 - 50 triệu đồng, thao tác đơn giản và hướng dẫn đi kèm bạn có thể nhận tiền sau 15 - 20 phút khi hoàn thành. Liên hệ số điện thoại 841637xxxxxx để tiếp nhận hướng dẫn tiếp theo”... Đọc nội dung tin nhắn, chị P. nhớ ngay những lời khuyến cáo từng được nghe về các chiêu trò lừa đảo trên mạng, đồng thời chợt nghĩ rằng không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao dễ dàng đến vậy.
Sự tỉnh táo và hiểu biết đã giúp chị P. bỏ qua những tin nhắn rác na ná nhau như vậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng như chị P. Nhiều người vì “nhẹ dạ cả tin”, vì bị thu hút bởi những lời mời chào hấp dẫn mà “sập bẫy" các đối tượng xấu.
Giữa tháng 3-2022, chị V.T.N.H. (có địa chỉ tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) làm đơn trình báo cơ quan công an về việc mình bị lừa đảo, chiếm đoạt 765 triệu đồng khi làm CTV bán hàng online. Cụ thể, cuối tháng 2-2022, chị H. đọc tin tức trên mạng xã hội thấy tin đăng tuyển CTV cho một sàn thương mại điện tử nên nhắn tin cho nhà tuyển dụng để tìm hiểu về công việc và được biết nhiệm vụ là đặt các đơn hàng ảo trên một số sàn thương mại điện tử để thu hút người mua hàng. Theo đó, dù không có nhu cầu mua hàng, chị H. phải đặt hàng và thanh toán tiền. Số tiền này được cam kết hoàn trả kèm theo hoa hồng 8 - 20%, tùy từng món hàng. Các đối tượng sẽ gửi cho H. một đường link sản phẩm có giá tiền ở trong đó. Chị H. sẽ giả vờ đặt hàng và chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một số tài khoản khác. Ví dụ món hàng có giá trị hơn 500.000 đồng thì chị sẽ chuyển tiền vào số tài khoản đó. Sau khi chuyển tiền xong từ 3 - 5 phút, các đối tượng hoàn tiền lại cho chị H. bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng. Ban đầu để tạo lòng tin, khi hoàn thành đơn hàng, chị H. nhận được tiền gốc và tiền hoa hồng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi chị nộp số tiền lớn để đặt thêm số lượng hàng nhiều, thì các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị mua thêm hàng. Vì “nhẹ dạ cả tin” nên H. phải vay mượn để chuyển tiền với hy vọng lấy lại được cả vốn lẫn hoa hồng.
Tuy nhiên, sau quá nhiều lần liên hệ không thể rút được tiền mà bị yêu cầu nạp thêm, chị mới nhận ra mình bị lừa và quyết định báo công an.
Tháng 4-2022, chị T. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) có đơn trình báo gửi đến Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên về vụ việc lừa đảo trên mạng. Theo đơn trình báo, ngày 22-3, chị T. thấy quảng cáo tuyển CTV thanh toán đơn hàng online trên facebook với 10% hoa hồng cho mỗi đơn hàng thanh toán. Chị T. đã thanh toán 3 đơn hàng thì được trả lại tiền cùng 10% hoa hồng như thỏa thuận. Khi chị T. tiếp tục thanh toán đơn hàng là gần 100 triệu đồng thì không được nhận lại tiền. Lúc này, chị T. mới biết mình bị lừa.
Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây, đơn vị nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi tham gia cộng tác bán hàng trên mạng. Chiêu trò mà các đối tượng lừa đảo sử dụng đó là giả mạo nhân viên của các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... thông qua mạng xã hội, tin nhắn đăng tin tuyển CTV bán hàng online. Khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng hướng dẫn CTV thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. “Mồi nhử” đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng thành công được hoàn lại tiền gốc và hưởng % hoa hồng theo giá trị đơn hàng. Những đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ, CTV sẽ được hoàn trả tiền mua hàng kèm “hoa hồng” như đã hứa nhằm tạo lòng tin. Khi số tiền đặt hàng ngày càng lớn, các đối tượng không chuyển tiền lại và dùng nhiều chiêu trò để yêu cầu tiếp tục chuyển tiền đặt hàng lại. Nhiều nạn nhân lo không lấy lại được số tiền nên tiếp tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo tẩu tán tiền trong tài khoản và cắt liên lạc với nạn nhân. Các đối tượng thường sử dụng thông tin giả khi liên hệ với nạn nhân nên rất khó khăn trong việc truy tìm thủ phạm.
Trung úy Khương Huy Hoàng, Đội Hướng dẫn, phòng ngừa đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Ban đầu, các đối tượng sẽ gửi đường link (đường liên kết) các sản phẩm có ở trên trang thương mại điện tử đến người dân để tạo sự tin tưởng, từ đó lôi kéo người dân làm theo hướng dẫn chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng đã chuẩn bị sẵn. Đến khi số tiền người tham gia chuyển đến nhiều, các đối tượng sẽ viện các lý do như: vượt quá số lần quy định của trang thương mại điện tử, hoặc tài khoản người tham gia chưa được xác minh... để từ chối hoàn tiền. Người tham gia với tâm lý muốn lấy lại tiền nên sẽ tiếp tục chuyển tiền để xác minh lại tài khoản, nhưng thực chất đó chỉ là cách thức, chiêu trò các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người tham gia.
Các cơ quan chức năng cũng cho biết, thực tế, các thủ đoạn lừa đảo như trên không mới, nhưng phương thức thực hiện của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa tội phạm, mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác và liên hệ ngay với cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn những chiêu trò này.
Theo Bài và ảnh: Minh Hiền/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/phap-luat/dung-nhe-da-ma-sap-bay-lua-dao-tren-mang/159867.htm