Vấn nạn bạo lực học đường: Nỗi lo ngại không chỉ của người trong cuộc (30/05/2022-10:32)
Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, tuy nhiên tình trạng này vẫn là một vấn nạn nhức nhối chưa được chấm dứt. Đây không chỉ là nỗi ám ảnh của riêng những người đã và đang bị bạo lực mà còn gây ra sự hoang mang cho các bậc phụ huynh.
Những vết thương sau vụ việc bạo lực học đường diễn ra tại trường Quốc tế ISHCMC-AA, TP.Hồ Chí Minh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Vấn nạn bạo lực học đường trong trường học đã và đang diễn ra nhức nhối ở tất cả các cấp học, lớp khác nhau, không chỉ ở học sinh nam mà thậm chí ngay cả ở học sinh nữ. Đây cũng là mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội khi thực tế này diễn ra ngày càng nhiều trong các trường học trên toàn quốc.
Mới đây, vụ việc bạo lực học đường diễn ra tại trường Quốc tế ISHCMC-AA, TP.Hồ Chí Minh đã gây xôn xao mạng xã hội.
Cụ thể, chị Trần Hà Thủy là phụ huynh có con em đang theo học tại ngôi trường này đã bức xúc tố cáo hành vi bạo lực của một học sinh nữ cùng trường. Đáng nói, thái độ thách thức của học sinh nữ đánh 4 bạn học sinh cấp dưới cùng trường đã làm cho cộng đồng mạng hết sức phẫn nộ.
Nỗi ám ảnh cả đời…
Anh Phạm Văn Hạnh (22 tuổi, Ninh Bình vẫn chưa hết bàng hoàng và ám ảnh khi nhắc lại câu chuyện bị bạo lực học đường trong những năm học trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Anh Hạnh kể lại: “Tôi rất thấu hiểu các bạn bị bao lực học đường. Bản thân thôi cũng là nạn nhân của chúng, chúng nó hay gây sự, lấy cớ đánh vào mặt, lưng và bóp siết cổ tôi khiến tôi bị trầm cảm trong lúc đi học…”.
“Tôi không bao giờ chơi với chúng, cái trường học đó cứ ám ảnh tôi tới tận bây giờ, và tôi không dám nói với ai vì sợ xấu hổ. Mỗi lần cứ giờ ra chơi là tôi phải chạy khỏi cái lớp có những người đánh tôi, không là chúng nó sẽ giở quẻ đánh tôi”, anh Hạnh nói.
Thực tế, có rất nhiều nạn nhân của bạo lực học đường đã và đang âm thầm chịu đựng những nỗi đau thể xác và tinh thần bởi nhiều nỗi sợ như: sợ xấu hổ, sợ bố mẹ biết, sợ bị trả thù… Điều này càng khiến cho những đối tượng sử dụng bạo lực học đường gia tăng thêm hành vi của mình.
Cũng đã từng phải chịu đựng các hành vi bạo lực học đường, chị Hoàng Thị Thúy (19 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi đã từng bị chửi rủa, bị sỉ vả, thậm chí vẽ bậy lên bàn học bằng những ngôn ngữ tục tĩu, đăng cả hình ảnh lên mạng xã hội… Tôi đã cố gắng thay đổi từng ngày, sống lạc quan hơn những vẫn không thể nào quên đi những hình ảnh ấy”.
Lo ngại của những người ngoài cuộc
Hiện tượng bạo lực học đường không phải là mới. Tuy nhiên thời gian gần đây lại xảy ra rất nhiều trong trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Không chỉ những người trong cuộc bất bình, ám ảnh mà những bậc phụ huynh cũng rất lo ngại.
Chị Hoàng Thị Nhi (Nghệ An) bày tỏ: “Mong rằng sẽ có những biện pháp để có thể ngăn chặn, trừng trị dứt điểm những hành vi bao lực học đường một cách thích đáng, để các em học sinh có thể đến trường được đúng với sự vô tư tuổi học trò, được học hành nghiêm túc và những phụ huynh như chúng tôi cũng yên tâm cho các em đi học”.
Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành một nỗi lo ngại không chỉ của chị Nhi mà còn của rất nhiều các bậc phụ huynh. “Hằng ngày, tôi không chỉ lo lắng vấn đề học hành của con mà cũng trăn trở lo rằng liệu con mình có đang trở thành nạn nhân của bạo lực học đường hay không?”, chị Nhi bày tỏ lo ngại.
Những sự việc học sinh đánh nhau ngay trong lớp, trường học, đánh hội đồng… được tung lên mạng đang là hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của học sinh và vấn nạn bạo lực học đường. Đây cũng là những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong trường học cần được lên án và kiên quyết xử lý để ngăn chặn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com