Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Bạo lực gia đình và những hệ lụy (31/05/2022-9:05)
    Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa về tinh thần cho mỗi thành viên, là nơi để các thành viên được thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, sự chia sẻ, đùm bọc... Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn trong các gia đình, để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

 Nhân viên công tác xã hội tư vấn cho người bị bạo lực tại Ngôi nhà Ánh Dương.

Theo số liệu thống kê từ năm 2019 đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.275 vụ BLGĐ (năm 2019 là 790 vụ, năm 2020 là 892 vụ, năm 2021 là 593 vụ). Trong tổng số 593 vụ BLGĐ năm 2021 có 297 vụ bạo lực tinh thần, 170 vụ bạo lực thân thể, 93 vụ bạo lực kinh tế và 33 vụ bạo lực tình dục. Có 561/593 vụ BLGĐ năm 2021 được xử lý, trong đó xử lý bằng hình thức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 413 vụ. Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 117 vụ. Áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 20 vụ. Xử phạt hành chính 10 vụ và xử lý hình sự (phạt tù) 1 vụ. Đối tượng gây BLGĐ chủ yếu là nam giới. Độ tuổi của nạn nhân trong các vụ BLGĐ chủ yếu từ 16 đến 60 tuổi.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình trạng mất việc làm, nguy cơ đói nghèo... ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của người dân trong tỉnh nói chung, đời sống từng gia đình nói riêng. Theo đó, nạn BLGĐ cũng có chiều hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, tại Ngôi nhà Ánh Dương, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tiếp nhận trên 500 cuộc gọi của người dân qua tổng đài tư vấn miễn phí 18001744. Chỉ tính trong tháng 4 đã tiếp nhận 195 cuộc gọi, trong đó có 137 cuộc gọi liên quan đến vấn đề BLGĐ trên cơ sở giới cần sự giúp đỡ được kết nối, hỗ trợ kịp thời. Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ can thiệp 21 vụ và 2 vụ can thiệp hỗ trợ trực tiếp tại ngôi nhà. Điển hình như trường hợp chị H.T.L., phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) bị chồng thường xuyên đánh đập và đe dọa thuê người giết chị... Sau khi liên hệ với tổng đài Ngôi nhà Ánh Dương, chị L. được nhân viên công tác xã hội tư vấn hỗ trợ tìm nhà người quen tạm lánh. Sau đó chuyển về Ngôi nhà Ánh Dương và được tư vấn tâm lý, trang bị kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ, quyền của người bị bạo hành... Hiện chị L. đã ổn định tâm lý.

Với chị L.T.T., ở huyện Lang Chánh, từ năm 2017 đến nay thường xuyên bị chồng bạo hành. Lúc thì chửi bới, đánh đập, lúc dùng hung khí đe dọa nhưng chị vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng. Đến khi bị dọa sẽ giết chết, quá lo sợ nên chị đã điện thoại đến tổng đài của Ngôi nhà Ánh Dương và tạm lánh tại đây... Cũng trong tháng 4, Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ tư vấn tại cộng đồng cho 5 trường hợp khác. Ông Trương Hải Dương, Giám đốc Ngôi nhà Ánh Dương và Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa, cho biết: Hầu hết người bị bạo hành được đáp ứng các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý và trang bị kỹ năng ứng phó trong tình huống bị bạo hành và cung cấp các địa chỉ hỗ trợ trong trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp.

Tuy nhiên, những con số trên chưa phản ánh được hết thực trạng BLGĐ, nhất là bạo lực đối với phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Theo ông Dương, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực đối với phụ nữ là bất bình đẳng giới, dẫn đến bất bình đẳng về quyền lực và quyền kiểm soát đối với các nguồn lực giữa nam và nữ. Bên cạnh những yếu tố về văn hóa truyền thống và định kiến giới là do thiếu kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Giáo dục và Chăm sóc trẻ em. Rồi các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình... đã trực tiếp dẫn đến BLGĐ. Một nguyên nhân quan trọng khác là do sự cam chịu, không tố giác hành vi sai trái của chồng bởi tâm lý “vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai”. Trong khi các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị BLGĐ còn hạn chế, chưa có cơ chế và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống BLGĐ, từng bước giảm dần BLGĐ, kịp thời hỗ trợ người bị BLGĐ... đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình và cả cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng, chống BLGĐ. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống BLGĐ. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa BLGĐ. Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ tại cộng đồng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống BLGĐ các cấp, các ngành. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống BLGĐ. Phối hợp, thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về phòng, chống BLGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ... góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Theo Bài và ảnh: Mai Phương/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bao-luc-gia-dinh-va-nhung-he-luy/160119.htm

 

Các tin khác:
  • Vấn nạn bạo lực học đường: Nỗi lo ngại không chỉ của người trong cuộc (30/05/2022-10:32)
  • Đừng “nhẹ dạ” mà “sập bẫy” lừa đảo trên mạng (27/05/2022-9:01)
  • Cảnh giác với các chiêu thức tuyển dụng việc làm theo hình thức đa cấp biến tướng (25/05/2022-10:40)
  • Nhiều sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng (24/05/2022-9:58)
  • Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chụp hình căn cước công dân không rõ mục đích (23/05/2022-11:06)
  • Công điện về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất (23/05/2022-10:45)
  • Sức khỏe học đường – vấn đề cần quan tâm (20/05/2022-5:13)
  • Khi nào có thể dùng căn cước công dân có gắn chíp thay thế thẻ BHYT khám chữa bệnh? (18/05/2022-8:06)
  • Nguy cơ tai nạn giao thông từ việc lấn chiếm vỉa hè (07/05/2022-19:27)
  • Phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 (06/05/2022-7:57)