Chủ tịch Quốc hội: Phải "gia cố" nhiều hơn nữa các biện pháp "phòng" bạo lực gia đình (01/06/2022-7:32)
Góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải "gia cố" nhiều hơn nữa cho các biện pháp "phòng" và mối quan hệ giữa "phòng" với "chống" để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn phải làm rõ hơn nữa các biện pháp "phòng" bạo lực gia đình.
Làm rõ hơn nữa các biện pháp "phòng" bạo lực gia đình
Theo đó, chiều nay (31/5), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Góp ý về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn phải làm rõ hơn nữa các biện pháp "phòng" bạo lực gia đình.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Phòng" bao giờ cũng phải là cơ bản, đi trước. Nhưng đến nay chưa thoả mãn lắm với các quy định về biện pháp phòng bạo lực gia đình trong dự thảo Luật. Phần "chống" đã tương đối nhưng "phòng" còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào thông tin tuyên truyền.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, phải "gia cố" nhiều hơn nữa cho các biện pháp "phòng" và mối quan hệ giữa "phòng" với "chống" để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình. "Không thể tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. Không dám là chế tài phải nghiêm. Nếu không thì ban hành Luật ra cũng khó tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, gia đình là tế bào của xã hội, nhưng dự luật chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia đình–nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, phải phát huy vai trò của nhà trường và xã hội nói chung đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình chứ không phải chỉ là vấn đề xã hội hoá nguồn lực để phòng, chống bạo lực gia đình (xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình…).
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục phân tích, rà soát, nhận diện đầy đủ hơn nữa các hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật. Hay quy định tại khoản 2 Điều 4, tuy đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa rõ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” có nội hàm rộng, có thể phát sinh giữa những người không có quan hệ gia đình (ví dụ quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội).
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chỉ nên áp dụng đối với đối tượng từng có quan hệ gia đình, sau khi không còn quan hệ gia đình nữa thì do một số lý do, hoàn cảnh nhất định vẫn phải sống chung với nhau để bảo đảm tính khả thi. Nếu người từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhưng không còn quan hệ gia đình nữa thì khi đó các hành vi bạo lực nếu có sẽ bị xử lý theo pháp luật về dân sự, hình sự tuỳ mức độ.
“Chúng ta phải khuôn lại trong phạm vi cụ thể, viết từng trường hợp thì rất khó nhưng cách thức thể hiện cần nghiên cứu thêm để bảo đảm quy định vừa đúng về pháp lý vừa khả thi, nếu tất cả người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng đều xếp vào “gia đình” thì không đúng. Nếu mở quá như dự thảo Luật thì rất khó thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn An (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) bày tỏ tán thành với những phân tích về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như trong Tờ trình của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Văn An đã góp ý về trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của người bị bạo lực gia đình quy định tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật.
Đại biểu đoàn Thái Bình cho biết, dự thảo Luật đang quy định việc cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, có nghĩa là khi cho rằng mình bị bạo lực gia đình thì phải báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; nếu không báo thì có lỗi, là vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Do đó, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị cân nhắc, chỉnh sửa lại quy định này cho phù hợp theo hướng: Thể hiện lại quy định này vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình; bổ sung thêm cụm từ khi có yêu cầu, như sau “người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu”.
Còn đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) nêu quan điểm, mô hình xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ trong từng gia đình đã có sự thay đổi rất lớn, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng, khó xử lý. Có những vụ việc rất nghiêm trọng, thời gian xử lý lâu, mức phạt chưa bảo đảm đính răn đe. Có nhiều vụ bạo hành nghiêm trọng nhưng chỉ hòa giải, không bảo vệ được bản thân người bị bạo hành.
Đại biểu Trình Lam Sinh nêu rõ: “Báo cáo của Chính phủ có đề cập số liệu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ, cứ 30 phụ nữ thì có một người bị bạo lực thể xác, tình dục. Trong số đó 90% là không dám, không muốn nhờ pháp luật xử lý. Số liệu như vậy rất đáng báo động, chúng ta cần nghiên cứu để có chế tài xử lý nghiêm minh hơn”.
Đại biểu đoàn An Giang đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã về việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Cần xem xét bổ sung thêm hành vi bạo lực gia đình như hành vi bạo lực tinh thần. Đồng thời cần bổ sung thêm biện pháp lao động công ích đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com