Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái (01/06/2022-7:40)
    Tối 31/5, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và Khai mạc hè năm 2022 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 1.200 đại biểu, trong đó có gần 700 trẻ em đại diện cho trên 25 triệu trẻ em trong cả nước.

Với chủ đề: “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, “chúng ta không chỉ có tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em”.

Chú thích ảnhThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương; trân trọng ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nói chung. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn; mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng nêu rõ, dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn nhất là đuối nước, tự tử vì trầm cảm do tác động của di chứng hậu COVID-19 vẫn còn xảy ra trong xã hội; vẫn còn một số trẻ em phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống…

Theo Thủ tướng, để giải quyết những tồn tại và mang lại môi trường tốt đẹp cho trẻ em, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Vì vấn đề chỉ được giải quyết khi tìm được nguyên nhân, giải pháp và hành động bằng tấm lòng, trách nhiệm, trái tim yêu thương với trẻ em.

Nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ là gia đình - nhà trường - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, mỗi gia đình hãy là “ngôi nhà xanh” hạnh phúc cho trẻ em; quan tâm đến bữa ăn, tâm lý của trẻ sau dịch COVID-19, tránh gây áp lực cho các em. Các nhà trường hãy là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui” với trẻ. Ở đó, các em coi thầy, cô là cha mẹ thứ hai, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống; không bị áp lực học hành, thi cử; có môi trường lành mạnh, không bị làm tổn thương, được an ủi khi có những chuyện buồn. Nhà trường cần cải thiện hệ thống nhà vệ sinh để học sinh được hưởng môi trường sạch sẽ; đồng thời chú ý đến tâm lý, hỏi han và quan tâm đặc biệt đến tâm lý của trẻ sau dịch COVID -19…

Nói đến cụm từ “trách nhiệm và yêu thương trẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh đó là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em.

Chú thích ảnhCác cháu thiếu nhi Thủ đô tham dự Lễ phát động. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Thủ tướng chỉ rõ, đối với quốc gia, cần có chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam, trong đó có giải pháp nâng cao thể trạng của trẻ; giáo dục những hệ giá trị của con người Việt Nam như lòng yêu nước, ham học hỏi, trách nhiệm, kỷ cương, nhân ái… Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Trẻ em; Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội và các nội dung, nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu xây dựng chương trình học phù hợp, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ… Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương chú ý đến trường học, sân chơi, bể bơi cho trẻ… Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chú ý các chính sách hỗ trợ nhà trường, trẻ em bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Bộ Y tế nghiên cứu và có hướng dẫn về dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ; sớm hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, nhất là nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các hiệp hội, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ để có những chính sách bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn… Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ liên quan đến trẻ em cần đặt sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ lên hàng đầu. 

Để tạo “môi trường xanh” phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ, Thủ tướng kêu gọi mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội hãy lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em. 

“Chúng ta phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Gia đình, nhà trường, xã hội luôn thực hiện trách nhiệm với các cháu. Mỗi cháu sẽ là mầm non lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã trao bảo trợ cho 20 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 được nhận bảo trợ của chương trình “Nối vòng tay thương”; trao quà cho 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và tặng thiết bị học tập trực tuyến cho 20 thiếu nhi.

Chú thích ảnhBộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về trẻ em phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, Tháng hành động vì trẻ em năm nay ý nghĩa hơn vì sau rất nhiều khó khăn, thử thách của đại dịch COVID-19, trẻ em lại tiếp tục được trở lại trường học, gặp mặt thầy cô giáo, bạn bè thân thương; lại có mùa Hè hứa hẹn nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.

Việc phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” là bước khởi động cho những hành động khắc phục những tác động lâu dài của đại dịch đến hàng triệu trẻ em; đồng thời tập trung những nỗ lực để bảo đảm về đích các mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đến năm 2030 như Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển trẻ em của Chính phủ.

Thông qua Tháng hành động này, mỗi bậc cha, mẹ, ông, bà, mỗi gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chung tay xây dựng môi trường gia đình an toàn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giám sát, bảo đảm an toàn cho con em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em.

Chú thích ảnhPhó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan triển lãm tại Lễ phát động. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tháng hành động vì trẻ em năm nay được triển khai với mong muốn sẽ thực hiện tốt hơn các quy định của Luật Trẻ em, đưa Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào cuộc sống, chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần, triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới trẻ em, chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tỷ suất tử vong và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em, giảm thiểu sang chấn tâm lý trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình, vận động nguồn lực cho trẻ em. Đây cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường; tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.

Theo Minh Huệ (TTXVN)/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Chủ tịch Quốc hội: Phải "gia cố" nhiều hơn nữa các biện pháp "phòng" bạo lực gia đình (01/06/2022-7:32)
  • Chính phủ yêu cầu hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành (31/05/2022-9:16)
  • Thanh Hoá lần đầu tiên tổ chức phiên giải trình tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (30/05/2022-10:26)
  • Thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (27/05/2022-16:51)
  • Rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên (24/05/2022-10:02)
  • Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022): Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình bạn đặc biệt với các nguyên thủ (19/05/2022-14:29)
  • Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác Hồ trong con mắt nhà sử học Anh (18/05/2022-8:01)
  • Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 (18/05/2022-7:57)
  • Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài cuối): Đối diện để hòa nhập nhưng không hòa tan (12/05/2022-16:51)
  • Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài 2): Ranh giới... để không lệch chuẩn (12/05/2022-16:46)