Hội thảo thu hút được đông đảo các lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương.
Đó là thông điệp từ Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo địa phương” do Hội Nhà báo Quảng Ngãi và Tạp chí Người làm báo vừa tổ chức. Từ những đóng góp tâm huyết, mỗi địa phương sẽ có những hướng đi phù hợp, linh hoạt hơn trong mọi hoạt động, góp phần thu hút sự quan tâm của các cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí, các Chi hội và hội viên từ đó không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nhà báo tại địa phương trong xã hội.
Đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân
Trong những năm qua, hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo địa phương có nhiều chuyển biến tích cực về củng cố, kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ hội viên nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng. Hội viên được rèn luyện về trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề báo, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế ở nhiều Hội Nhà báo các địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi Trần Cao Tánh đánh giá: "Mặc dù có nhiều cố gắng đổi mới nội dung và hình thức nhưng kết quả hoạt động của tổ chức Hội vẫn còn thấp so với đòi hỏi và yêu cầu của thực tiễn. Mô hình tổ chức của Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố chưa thống nhất, kinh phí Nhà nước hỗ trợ hằng năm mỗi nơi một kiểu làm ảnh hưởng đến hoạt động của Hội.
Một số Hội Nhà báo tỉnh còn lúng túng trong cách thức tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo hội viên, tập hợp vào “mái nhà chung” của Hội.
Ở một số Hội, công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên chưa thật sự được chú trọng đúng mức, dẫn đến có tình trạng hội viên nhà báo vi phạm pháp luật, một số nhà báo thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí.
Nguyên nhân chính là do đa số cán bộ Hội từ Ban Chấp hành Hội đến Ban Thư ký các Chi hội đều hoạt động kiêm nhiệm, trong khi áp lực công việc ở cơ quan công tác khá lớn nên chưa bố trí thời gian hợp lý để tham gia công tác Hội. Một số cán bộ, hội viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của Hội Nhà báo".
Để tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động, nhà báo Lưu Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Bình Định cho rằng: Cần chú trọng hơn việc giáo dục, rèn luyện chính trị và đạo đức người làm báo, vận động hội viên, nhà báo thực hiện tốt những qui định đạo đức nghề nghiệp. Phấn đấu không có hội viên nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
“Phát huy tốt vai trò của Ban Kiểm tra Hội; tăng cường công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội, kiểm tra việc thực hiện những Quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo. Củng cố, đổi mới hình thức sinh hoạt ở chi hội để thu hút, tập hợp hội viên. Phát huy Giải thưởng báo chí của tỉnh và việc hỗ trợ báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua rèn luyện nâng cao tay nghề” - nhà báo Lưu Ngọc Minh chia sẻ.
Có thể nói công tác tập hợp, thu hút hội viên là nhiệm vụ then chốt nhằm thúc đẩy các phong trào của các cấp Hội. Vì thế Hội Nhà báo các địa phương cần có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa thu hút ngày càng đông hội viên tham gia, gắn bó với tổ chức Hội. Tuy nhiên, để làm được và duy trì được việc này phải có nhiều hội viên, nhà báo giỏi, có bản lĩnh nghề nghiệp, coi trọng đạo đức nghề nghiệp, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, dám hy sinh, dấn thân vì sự phát triển của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên, tạo sự đồng thuận
Thành phố Đà Nẵng là địa phương có số hội viên đông, với khoảng 280 hội viên, nơi có nhiều cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khác đặt văn phòng đại diện, có lực lượng phóng viên thường trú hoạt động tương đối đông đảo. Cùng với sự phát triển số lượng hội viên, trong thời gian qua để nâng cao chất lượng hoạt động, Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố từ đó phát huy vai trò của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố. Đặc biệt từ năm 2018, Hội đã phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 10111-QĐ/TU Quy định về việc phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn thành phố, qua đó vai trò của Hội Nhà báo Thành phố càng được khẳng định hơn.
Hội Nhà báo cùng với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy về công tác chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí. Hội cũng tham mưu xây dựng các đề án, kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng các chuyên trang chuyên mục, các tin, bài viết về các sự kiện lớn, các chủ đề, chủ điểm lớn của thành phố, đất nước.
Nhà báo Nguyễn Đức Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng chia sẻ: Hội Nhà báo tham gia các cuộc họp, trao đổi, làm việc với các sở, ban, ngành đơn vị liên quan cung cấp thông tin, giải quyết nhiều vấn đề báo chí nêu, nhất là đối với những vấn đề, vụ việc, sự kiện có tính chất nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn tới sự ổn định và phát triển của thành phố; tổ chức họp báo để cung cấp thông tin và huy động sự vào cuộc của báo chí. Việc tích cực năng động tham gia các hoạt động truyền thông ở địa phương đã giúp nhiều Hội Nhà báo khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình. Công tác phối hợp không chỉ giúp làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về báo chí mà từ đó mỗi hội viên nhà báo thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, để có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Nhấn mạnh về công tác tổ chức và hoạt động của Hội nhà báo địa phương, nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đến Thường trực Hội cần đoàn kết, duy trì nghiêm túc quy chế làm việc. Mọi chủ trương, kế hoạch công tác đều được bàn bạc dân chủ, công khai. Hội gắn bó với cơ sở, các Chi hội nhà báo và các cơ quan báo chí, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên từ tạo sự đồng thuận nhất trí cao. Đây là bài học quyết định thành công trong hoạt động của công tác Hội Nhà báo.
Có thể khẳng định, trong sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, sự bùng nổ thông tin của mạng xã hội thì sự chủ động, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là cán bộ chuyên trách công tác Hội sẽ góp phần quyết định thành công trong tổ chức và hoạt động Hội. Ở vai trò này, cán bộ chuyên trách công tác Hội luôn năng động, chịu khó tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động thì vai trò của Hội được đề cao. Họ chính là cầu nối quan trọng và tiên phong để mỗi hội viên gần với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội Nhà báo Việt Nam và với nhiệm vụ trọng trách của mỗi một nhà báo trong đời sống xã hội.
Theo Lê Tâm/Báo NB&CL
https://congluan.vn/hoi-nha-bao-cac-dia-phuong-phai-la-co-quan-tien-phong-ve-doi-moi-post197500.html