Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa: Người dân nên tìm đến các ngân hàng uy tín để được tư vấn, hỗ trợ vay vốn
Để bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân, hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều đang tập trung phát triển các dịch vụ đăng ký vay vốn online ngay trên giao diện hệ thống chính. Các khoản vay tập trung phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiêu dùng, mua bất động sản, mua ô tô, vay kinh doanh... dành cho các khách hàng có hoặc không có tài sản bảo đảm. Đây sẽ là một tiện ích mới giúp khách hàng tiết kiệm tối đa về thủ tục, thời gian đi lại và giao dịch thuận tiện 24/7, giải ngân nhanh chỉ trong 1 - 3 giờ hoặc chậm nhất là 1 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hoàn thiện của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay hình thức cho vay tiền qua các ứng dụng online đã xuất hiện nhiều website, app vay tiền không rõ cơ quan quản lý, thậm chí mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính uy tín, sử dụng công nghệ cao để dụ dỗ người vay và cho vay, biến tướng thành việc cho vay nặng lãi theo hình thức tín dụng "đen”. Với ưu điểm nhanh, đơn giản, được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội đã đánh vào tâm lý những người cần tiền gấp với số tiền không quá lớn, các ứng dụng này dễ dàng đánh lừa người vay bằng những quảng cáo khác xa với thực tế sau khi vay. Do vậy, trước khi quyết định vay tiền qua hình thức vay trực tuyến, người dân cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website.
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cũng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân gặp khó khăn về tài chính, nên tìm đến các ngân hàng uy tín tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ vay vốn. Đồng thời, cần cảnh giác cao với việc vay tiền qua các ứng dụng app, web, tránh rơi vào bẫy tín dụng "đen” núp bóng sử dụng công nghệ để hoạt động tín dụng. Nếu không rất dễ vướng vào “vòng xoáy nợ nần”.
Luật sư Lê Phượng, (Công ty Luật TNHH Lê Phượng Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa): Dù vay trực tiếp hay vay online qua app, bên vay đều phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn thỏa thuận
Vay tiền trực tuyến hay vay tại ngân hàng, công ty tài chính đều là hình thức vay tài sản được quy định tại Điều 463, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Bởi đây là giao dịch dân sự, được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận của các bên và chỉ khác về hình thức. Ví dụ, vay tiền trực tiếp tại ngân hàng, công ty tài chính thì hai bên sẽ thực hiện giao dịch vay tiền thông qua hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tiêu dùng... Còn vay tiền online, các bên xác lập hợp đồng thông qua dữ liệu số trên internet hoặc thông qua app, giữa hai bên tồn tại quan hệ vay tài sản. Do đó, dù thực hiện vay trực tiếp hay vay online qua app, bên vay đều phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn đã thỏa thuận, nợ bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi (nếu có). Vì thế, hành vi “bùng nợ” khi vay tiền online qua các app bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào diễn biến, đặc điểm của từng vụ việc mà người vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 15, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Về phía người cho vay, hiện nay nhiều ngân hàng và công ty tài chính đã triển khai việc vay tiền online nhằm tạo điều kiện cho người vay thực hiện thủ tục nhanh chóng, giải ngân tiền nhanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thiếu các app hoặc công ty tài chính “núp bóng” vay tiền online để trá hình cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ”. Với những trường hợp này, tùy tính chất, mức độ, hành vi, người cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 4, Điều 12, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tiền lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 3 năm. Ngoài ra, những hành vi đe dọa đòi nợ trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Thị Huệ, (Xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa): Trang bị kỹ năng để nhận biết về ứng dụng vay tiền trực tuyến
Nhu cầu vay tiêu dùng của những người trẻ tuổi hiện nay khá cao. Đánh vào tâm lý và thị trường nhóm khách hàng này, những lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn như: “Vay tiền mặt không cần thế chấp”, “miễn phí làm hồ sơ vay”, “thủ tục đơn giản”, “duyệt hồ sơ nhanh”... thường được tiếp cận đến nhiều người trẻ thông qua mạng xã hội. Những người có khó khăn về tài chính, đang có nhu cầu vay tiền dễ dàng tiếp cận thông tin và tải ứng dụng để đăng ký vay những khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu trong thời gian ngắn mà không tốn nhiều thủ tục chờ đợi. Một người bạn của tôi tên H. làm lao động tự do, thu nhập bấp bênh do công việc không ổn định. Năm 2021, thời điểm dịch bệnh COVID-19, có lúc anh ấy không có tiền để trang trải chi tiêu cá nhân. Trong lúc túng quẫn, lướt facebook, anh thấy nhiều quảng cáo liên quan đến các ứng dụng cho vay tiêu dùng. Anh đã tải 1 ứng dụng, đăng ký thông tin và làm hồ sơ vay 6.000.000 đồng trong vòng 7 ngày và nhanh chóng được duyệt hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế số tiền giải ngân chỉ là 4.020.000 đồng. Bên cho vay giải thích rằng, số tiền gần 2 triệu giữ lại là khoản thu lãi, bảo hiểm và các loại phí liên quan... Sau lần đó, anh H. nhắn tin cho bạn bè và dặn dò mọi người cẩn thận với ứng dụng vay tiền trực tuyến mà anh từng sử dụng để tránh “dính bẫy”.
Với những người làm công nhân, lao động phổ thông, thu nhập ở mức bình thường thì điều quan trọng nhất là cần hiểu rõ tình trạng tài chính cá nhân để quản lý chi tiêu hợp lý. Song cũng có những thời điểm trong cuộc sống, phải cần đến các khoản vay tiêu dùng. Thế nhưng, để tìm được một kênh vay vốn an toàn, thủ tục đơn giản lại là điều không dễ dàng với nhiều người. Trong khi đó, các ứng dụng cho vay trực tuyến hiện nay mọc ra “nhan nhản” với nội dung, biểu tượng na ná nhau, lập lờ thông tin, khiến nhiều người rất khó phân biệt đâu là ứng dụng cho vay an toàn với ứng dụng tín dụng “đen” núp bóng trá hình. Các quảng cáo về ứng dụng cho vay trực tuyến ngày ngày vẫn cứ tràn lan trên internet và mạng xã hội. Điều đáng nói là lãi suất quảng cáo cũng như các khoản dịch vụ trên những website hay các ứng dụng vay tiền trực tuyến hiện nay còn khá mập mờ, dễ gây hiểu nhầm cho người đi vay. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có nhiều cách thức tuyên truyền, phổ biến để người dân nhận biết, phân biệt được thông tin cơ bản về các ứng dụng cho vay chính thống và “tín dụng đen” núp bóng. Đồng thời, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận qua kênh tín dụng của ngân hàng uy tín để được đáp ứng nhu cầu vay vốn an toàn, kể cả các khoản vay nhỏ phục vụ đời sống và sản xuất, kinh doanh.
|