Học sinh khối Gấu Misa Trường Mầm non Ngôi nhà hạnh phúc (TP Thanh Hóa) đến dâng hương tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỳ nghỉ hè năm nay, nhiều gia đình đã lựa chọn cho con tham gia trại hè phát triển kỹ năng sống. Trại hè không chỉ mang đến cho các con niềm vui, kỹ năng tự lập, làm việc nhóm... mà ở đó các con còn được dạy những bài học về lòng biết ơn, sự sẻ chia. Mặc dù trại hè chỉ kéo dài từ 5 - 7 ngày, song đã có rất nhiều bức thư các bạn nhỏ viết xúc động được các bậc phụ huynh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đã chia sẻ bức thư của con trai Trương Mạnh Dũng (14 tuổi), trong đó có đoạn: “... Nhiều lần mẹ quát mắng con, con đã rất buồn. Nhưng sau khi tham gia khóa trại hè con đã biết những điều đó là mẹ đang dạy dỗ con nên người, để con không mắc sai lầm trong cuộc sống. Tình cảm của mẹ dành cho con là bao la không thể nào đo đếm được. Con cảm ơn mẹ vì đã luôn yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ con...”.
Chị Kim Liên chia sẻ thêm, chồng chị mất từ khi con trai chị còn rất nhỏ, hơn 10 năm nay chị một mình nuôi con khôn lớn. Trong suốt những năm tháng đồng hành cùng con, chị luôn cố gắng làm tốt vai trò vừa là cha, vừa là mẹ. Với chị Liên, bài học về lòng biết ơn là một trong những bài học quan trọng giúp con trưởng thành và được “thực hành” mỗi ngày. Mặc dù không còn bố bên cạnh, nhưng cậu bé Trương Mạnh Dũng luôn được mọi người trong gia đình, thầy cô đánh giá là một cậu bé sống tình cảm, lễ phép và có trách nhiệm.
Lòng biết ơn là một phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam và được răn dạy, thể hiện qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác nhau. Lòng biết ơn là sự cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình. Lòng biết ơn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, như: người sau nhớ ơn công lao của thế hệ đi trước, con cái biết ơn cha mẹ, người được giúp đỡ mang ơn những mạnh thường quân... lòng biết ơn luôn tồn tại trong cuộc sống này và lan tỏa vô cùng tốt đẹp.
Cùng với gia đình, vai trò giáo dục của nhà trường cũng đặc biệt quan trọng. Bên cạnh giảng dạy về kiến thức, ngay từ bậc học mầm non, trẻ nhỏ đã được dạy những bài học về lòng biết ơn. Theo đó, các nhà trường đã tổ chức đa dạng các hoạt động chủ đề, ngoại khóa, tham quan di tích lịch sử, bảo tàng... để học sinh có thêm kiến thức thực tế.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi nhà Hạnh Phúc (TP Thanh Hóa) cho biết: Một trong những nội dung giáo dục quan trọng đối với các khối lớp trẻ mầm non đó là thể hiện lòng biết ơn. Trong hoạt động hàng ngày, các con được dạy nói câu “cảm ơn” khi nhận sự giúp đỡ của cô, các bạn, cán bộ, nhân viên nhà trường; được nghe kể, xem phóng sự ngắn về những câu chuyện lịch sử, giới thiệu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, câu chuyện về những anh hùng dân tộc... Cùng với đó, các con sẽ tham quan thực tế khuôn viên nhà trường, tham quan vườn rau xanh, vườn cây ăn trái... Từ đó mang đến cho các con những bài học nhỏ về sự biết ơn dành cho những người đã góp phần làm cho khuôn viên sạch đẹp, có vườn rau tươi tốt phục vụ bữa ăn mỗi ngày. Hàng tháng các con được tham gia vào các hoạt động chủ đề liên quan đến các ngày lễ, như: Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3; Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4; Ngày Quốc tế lao động 1-5; Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6; Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7... Đối với hoạt động ngoại khóa, học sinh khối mẫu giáo lớn còn được tham quan bảo tàng, dâng hương và làm lễ báo công tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa)...
Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, dù vô cùng yêu thương con, các bậc phụ huynh cũng không nên để cho trẻ có thói quen đòi gì được nấy. Bố mẹ cũng nên biết cách tâm sự, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, công việc và gia đình với con mình. Tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết của con, bố mẹ cần giúp con hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng mà luôn có thách thức và áp lực, để trẻ thấy mình được tôn trọng, con sẽ sống có trách nhiệm, biết chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và cả những khó khăn. Những đứa trẻ được dạy về lòng biết ơn thường có suy nghĩ chín chắn, sống tích cực, có trách nhiệm và biết phấn đấu.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Kim Hiền (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) từng chia sẻ: “Không cần quá cao siêu, cầu kỳ, các bậc phụ huynh hãy nói năng lễ phép, cử chỉ đúng mực, dành món ăn ngon nhất cho người cao tuổi trong gia đình ăn trước; dịp lễ tết tặng quà cho ông bà, bố mẹ; thường xuyên gọi điện thăm hỏi bố mẹ, ông bà nếu ở xa... là những hành vi đẹp và cụ thể, dễ lay động đến tâm hồn con trẻ. Các con sẽ cảm nhận và học theo từ những hành động nhỏ nhất. Với con trẻ, sẽ vô tác dụng khi ta chỉ truyền dạy lòng biết ơn các đấng sinh thành bằng rao giảng lý thuyết suông. Trẻ chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ chính bố mẹ, những người thầy, cô giáo đầu tiên của cuộc đời mình”.
Theo Bài và ảnh: Hoài Anh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/day-con-tre-ve-long-biet-on/164216.htm