Sau kỳ điều chỉnh lần 3 vào ngày 21/7, giá xăng dầu giảm mạnh 3.600 đồng mỗi lít khiến người dân kỳ vọng giá hàng hóa sẽ “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, sau một tuần giá xăng dầu đã giảm, giá thực phẩm như rau củ, cá, thịt… ở các chợ truyền thống hay các dịch vụ ăn uống đã tăng giá trước đó vẫn… ổn định.
Và đến nay, sau 10 kỳ giảm, giá xăng RON 95-III đã giảm gần 35%, từ mức 32.870 đồng/lít (ngày 21/6) xuống còn 21.440 đồng/lít, xăng E5 giảm 10.500 đồng, dầu diesel cũng giảm hơn 30%... thì giá cả các mặt hàng ăn uống, hàng hóa tại các chợ truyền thống hay dịch vụ vận tải hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Sau đại dịch COVID-19, hầu hết các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề; nhất là đời sống của người dân cũng gặp khó khăn hơn. Việc giá xăng dầu tăng đã kéo theo hầu hết các mặt hàng, dịch vụ liên quan đến đời sống thiết yếu tăng theo. Điều này đã khiến cuộc sống người dân đã khó lại càng khó khăn hơn.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới nên giá cả hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đều hoạt động theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, hiện quy luật này đang có sự nghịch lý: Khi giá xăng dầu tăng thì hàng hóa cũng thi nhau tăng giá, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì mọi thứ vẫn được giữ nguyên. Độ trễ của việc giảm giá hàng hóa theo giá xăng dầu đã không theo nhịp và quá muộn. Điều này luôn khiến giá cả thị trường hình thành nên mặt bằng khung giá mới sau mỗi đợt giá xăng dầu tăng cao.
Hơn lúc nào, việc can thiệp kịp thời của các công cụ điều tiết có thể khiến giá cả hàng hoá trở về đúng mức, giúp người tiêu dùng “dễ thở” hơn với mặt bằng giá cả. Hơn nữa, việc giá cả tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và việc kiểm soát giá cả góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì thế, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản tiếp tục yêu cầu các bộ liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu vấn đề quản lý điều hành giá. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường quản lý kê khai giá, đặc biệt là việc theo dõi, cập nhật thông tin giá cước vận tải, giá xăng dầu. Bộ GTVT tăng cường kiểm tra, rà soát giá dịch vụ của các loại hình vận tải (đường bộ, đường biển, hàng không) và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm Công điện 679/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, nhất là nhóm các mặt hàng tác động nhiều đến CPI, phải tập trung xử lý đúng trọng điểm, "đánh trúng huyệt, không dàn trải".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình giá cả thị trường, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng phục vụ sinh hoạt của người dân; tăng cường công tác quản lý kê khai giá, đặc biệt tăng cường việc theo dõi, cập nhật thông tin giá cước vận tải, giá xăng dầu, giá hàng hóa…
Việc giá cả thị trường biến động theo giá xăng dầu là điều tất yếu, tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến phức tạp, sự can thiệp, điều hành của nhà nước làm sao giữ được sự ổn định lâu dài là cần thiết. Điều này sẽ tránh được tình trạng "tát nước theo mưa", làm cho giá cả cộng hưởng tăng lên nhưng không chịu xuống, từ đó tránh việc hình thành mặt bằng giá cả mới.
Hiện đang vào thời điểm cuối năm, giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ tăng trở lại khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm sản lượng dầu cung ứng. Do vậy, các ngành chức năng cũng cần có những giải pháp chuẩn bị thích ứng hơn để tránh tình trạng hàng hoá tiếp tục được “đẩy” giá tăng, trong khi hiện vẫn chưa giảm.