Hội thảo Văn hóa 2022 đã truyền tải thông điệp thiết thực và sâu sắc (21/12/2022-8:55)
Dư âm của Hội thảo Văn hóa 2022 đã vang vọng không chỉ tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, mà còn được đông đảo cử tri theo dõi, bàn luận rộng khắp những ngày qua, truyền tải ý nghĩa sâu sắc, thiết thực và tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết cho những người tham gia công việc xây dựng, phát triển văn hóa.
Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022.
Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhân dân và cử tri cả nước. Quy tụ hơn 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, trong đó có rất nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng về thể chế, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực để phát triển văn hoá và con người Việt Nam trong thời gian qua.
Hội thảo nhất trí đánh giá những kết quả rất quan trọng đã đạt được, trong đó, khẳng định công tác thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thông điệp về hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạch định và thực thi chính sách, huy động tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa xứng tầm với tiềm năng đất nước đã lan tỏa và tạo dấu ấn mạnh mẽ.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong những năm qua, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện và hệ thống, góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa. Khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đat được, vẫn còn có các tồn tại, hạn chế như: hệ thống pháp luật về văn hóa có nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ, cơ chế chính sách đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển.
Bàn về định hướng, giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Cụ thể, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển.
Thêm vào đó, cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực tế yêu cầu phải kiến tạo, chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa. Phải bảo đảm các yêu cầu là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa; sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII, nhất là những vấn đề mới.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com