Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng sẽ được công bố vào 27/12.
Theo đó, được phát hành bản sách in và trên các nền tảng số, với Cẩm nang này, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sẽ có kiến thức cần thiết để ứng phó và xử lý hiệu quả tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng.
Vừa qua, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc PTTH&TTĐT đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương để xác minh và xử lý thông tin độc hại, vi phạm pháp luật. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 4.169 phản ánh tin giả; công bố 49 tin giả, 2 website giả mạo bộ ngành và 2 fanpage giả mạo các cơ quan báo chí và yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 1.750 tin giả.
Đây là một trong những kênh thông tin để người dân, doanh nghiệp phản ánh khi nghi ngờ về tính xác thực của thông tin trên mạng hoặc thông tin ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Bộ TT&TT đã cùng các cơ quan chức năng kết hợp nhiều giải pháp, từ ngoại giao, truyền thông đến kỹ thuật tạo sức ép với các nền tảng xuyên biên giới để chặn gỡ nội dung vi phạm pháp luật và yêu cầu nộp thuế trực tiếp với Tổng Cục Thuế.
Tỷ lệ chặn, gỡ thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật trung bình trên các nền tảng xuyên biên giới tiếp tục được nâng cao. Năm 2022, đạt 92%, chủ yếu là trên Facebook, YouTube, TikTok.
Bộ TT&TT đã đề xuất phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội. Dự kiến theo hướng sẽ cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng - tức là hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên Đài PTTH và môi trường mạng.
Theo Hoàng Anh/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/sap-cong-bo-cam-nang-phong-chong-tin-gia-tin-sai-su-that-tren-khong-gian-mang-post228048.html