Loạt bài Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn”: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu (06/02/2023-11:22)
Tuyên truyền xây dựng Đảng luôn được kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là cơ bản, chiến lược, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Thấm nhuần tư tưởng này, nhà báo Võ Mạnh Hùng cùng cộng sự đã lên đường tới những "điểm nóng" với mục đích “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhận Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ VII năm 2022 diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối ngày 3/2
Loạt bài Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Phạm Thanh Trà - Báo VietnamPlus - Thông tấn xã Việt Nam khởi đăng vào sáng 10/10/2022 đã xuất sắc đạt giải A tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ VII năm 2022. Loạt bài này bao gồm 5 bài viết, được thể hiện theo hình thức Mega-story (hay long-form) - một kiểu báo chí chất lượng về cả nội dung và hình thức được trình bày cầu kỳ (bao gồm text, hình ảnh, dữ liệu, đồ họa, Infographics), không chỉ giúp độc giả tiếp cận những bài báo tử tế, sang trọng; mà còn mang đến cho người đọc nội dung chuyên sâu với “mâm thông tin” đầy đủ và giá trị nhất, chính xác nhất.
Đi sâu vào nhiều "điểm nóng"
Thực tế thời gian qua cho thấy vấn đề dân tộc thiểu số, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, internet và gần đây là vấn đề mua bán người đang được các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước triệt để lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo, hạ uy tín của Việt Nam, tạo cớ cho các hoạt động gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
Đáng chú ý, ngày 20/7/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2022, sau 3 năm liên tiếp từ 2019 - 2021 xếp Việt Nam vào “Nhóm 2 cần theo dõi”- lần đầu tiên Việt Nam bị hạ bậc xuống “Nhóm 3”- các quốc gia trong danh sách này sẽ phải chịu một số chế tài từ chính quyền Mỹ. Việc này cùng với việc một số cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc nêu quan ngại liên quan người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ, trên thực tế đó, giữa tháng 8/2022, Ban lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus đã họp và phân công phóng viên đi thực tế tìm hiểu tại một số tỉnh miền núi (từng là “điểm nóng” về tôn giáo với những hoạt động lôi kéo, gây mất an ninh trật tự), với hy vọng sẽ mang đến cho độc giả trong nước và quốc tế có những góc nhìn khách quan, toàn diện hơn về công tác nhân quyền ở Việt Nam.
Theo anh Võ Mạnh Hùng, đây là loạt bài viết về nhân quyền/quyền con người với rất nhiều quyền tự do, tôn giáo luôn được Việt Nam xem trọng, song cũng là nội dung nhạy cảm - khi mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị thường xuyên xuyên tạc, bóp méo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước ta.
"Thế nên, khi được Ban lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus phân công, nhận nhiệm vụ, lên đường, tôi tự thấy trách nhiệm rất lớn: Một loạt câu hỏi cũng là trăn trở đặt ra trước thời điểm lên đường với một cậu phóng viên trẻ, chưa từng viết về nhân quyền, đó là sẽ tìm hiểu cái gì, bắt đầu từ đâu và sẽ viết về nội dung gì để đảm bảo đúng thông tin định hướng nhưng vẫn gần gũi, đời thường? Viết cái gì khi thông tin về nhân quyền, quyền con người đã được rất nhiều báo, đài khai thác? Quan trọng hơn, viết thế nào để nội dung thông tin khi đăng phát lên báo thực sự lan tỏa và đáng để độc giả đón đọc, hân hoan chia sẻ như tìm thấy liều “vaccine” tinh thần, từ đó tăng “sức đề kháng” trước mọi thông tin xấu-độc trên không gian mạng?...", nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ.
Để triển khai loạt bài này, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã đi sâu vào thực tế tìm hiểu, anh chọn những địa bàn xa nhất ở Tây Bắc và Tây Nguyên ghi nhận các câu chuyện từ những người trong cuộc (đồng bào dân tộc thiểu số), những người từng bị xúi giục, mê muội bởi những lời huyễn hoặc/virus tà đạo (hiện tượng đội lốt tôn giáo) cùng thông tin sai trái độc hại trên Internet; gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin.
Có những địa bàn như Lai Châu, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã phải ăn ở tại đây trong suốt 8 ngày liên tục. Anh đi sâu vào nhiều "điểm nóng" như huyện Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè - những nơi xảy ra các hoạt động chống phá, thành lập nhà nước Mông. Nhiều vùng xe máy không đi được, phải đi bộ nhiều km, vượt qua những địa hình hiểm trở để tiếp cận được người dân ở đó.
Anh nói: "Đi sâu vào những xã, bản còn mất nhiều thời gian hơn là đi từ huyện này sang huyện khác. Có những ngày mưa khiến cho việc đi lại rất khó khăn nhưng tôi xác định càng khó càng tốt - nếu chọn những khu vực bên ngoài thuận lợi, những thông tin khai thác sẽ bị cũ, bị trùng lặp. Trong đầu tôi luôn nghĩ đến việc làm sao để có thông tin chân thực và mới mẻ. Tôi đến trực tiếp nhà người dân, tham gia vào hoạt động sinh sống và sản xuất của họ, gần gũi họ để nghe những câu chuyện chân thật và tự nhiên nhất".
Những kết quả thực tiễn được “ươm mầm” từ chính sách nhất quán của Đảng
Giờ đây, đến với các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới - những khu vực từng là “điểm nóng” về tôn giáo ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên, cảm nhận rõ nhất của nhà báo Võ Mạnh Hùng là cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay.
Cùng với việc phát triển kinh tế, bà con giờ đây một lòng tin theo Đảng, chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau chung tay xây dựng xã, bản giàu mạnh. Đó là những khu bản với diện mạo đời sống ngày càng đổi mới, các ngả đường dẫn vào các bản đã được bê tông hóa sạch đẹp. Lều lán ở tạm trước đây cũng đã được thay thế bằng những ngôi nhà gỗ, gạch lợp mái tôn và fibro xi măng vững chãi.
Trong quá trình đi thực tế, triển khai loạt bài, phóng viên đã được lãnh đạo Văn phòng Nhân quyền Chính phủ; Cục thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin truyền thông; Học viện Chính trị Quốc gia HCM; Vụ hợp tác quốc tế - Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; Ban giám đốc và các đồng chí công an tỉnh Lai Châu,… cung cấp, chia sẻ rất nhiều báo cáo, thông tin quan trọng, đầy đủ về thực tế cũng như đưa ra được nhiều giải pháp thiết thực.
Từ thực trạng đó, Võ Mạnh Hùng đã tìm hiểu, đưa ra "giải pháp mềm" mà Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả, đó là “Cảm hóa, yên dân: Nền tảng xuyên suốt để đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, đề cập tới 3 yếu tố: Răn đe, cảm hóa "dập tắt" các luận điệu chống phá; Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự; Để bà con một lòng tin theo Đảng, xây dựng xã bản giàu mạnh.
Bên cạnh đó, dù Việt Nam đã làm tốt công tác tôn giáo, bảo đảm quyền con người, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song những tác động tiêu cực xuất phát từ các luận điệu xuyên tạc, vẫn rất phức tạp. Vì thế, Loạt bài: Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” đã đề cập tới việc: Việt Nam không chủ quan và cần phải thiết lập được “sợi chỉ đỏ” nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp quyết liệt, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc nhận diện, giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở, loạt bài cũng đề cập đến việc “Củng cố niềm tin, giữ vừng 'thành trì' bảo vệ bình yên biên giới". Đó là việc chính quyền các cấp địa phương, đặc biệt là cán bộ công an không chỉ đảm bảo an ninh trật tự, làm nhà ở cho người nghèo "vẹn tròn" với nhân dân, mà còn "bồi đắp" tri thức, "thông sáng" tâm hồn cho người dân; giúp dân bản xây dựng xã bản kiểu mẫu, giàu mạnh.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đã nâng cao nền tảng nhận thức cho các cán bộ từ Trung ương tới các cấp cơ sở về vấn đề nhân quyền, qua đó đảm bảo “sức mạnh mềm” để vững tin tham gia vào “luật chơi” toàn cầu - thực hiện nghĩa vụ pháp lý của quốc gia thành viên đối với các công ước quốc tế về quyền con người; chủ động hội nhập sâu rộng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tác phẩm "Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn”" đã cho thấy những kết quả từ thực tiễn được “ươm mầm” từ chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước suốt hàng chục năm đổi mới, vươn lên bằng “sức mạnh nội sinh” (gần đây là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) khi xem: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Vì lẽ đó, tất cả các luận điệu, thông tin xấu-độc nhằm xuyên tạc, chống phá Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, bóp méo nhân quyền, đều bị xử lý thích đáng.
"Thật vui mừng, chỉ sau gần 48 giờ khởi đăng loạt bài - đến tối 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Kết quả này cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong nhiều năm qua. Đó cũng là sự ghi nhận, tin tưởng của cộng đồng quốc tế về những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong nhiều năm qua", nhà báo Võ Mạnh Hùng hạnh phúc chia sẻ.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com