Du lịch Việt Nam năm 2023: Cơ hội chuyển mình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (10/02/2023-10:00)
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa), tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đổi mới nhiều hơn.
Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm trước, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ nhưng du lịch quốc tế vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại phục hồi không mấy sôi động. Mặc dù vậy, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Báo cáo “Vietnam At A Glance: Du lịch - một phần cứu cánh” của HSBC nhận định du lịch sẽ là ngành chủ đạo trong năm 2023, nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới để xoa dịu một số thách thức trong năm.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa), tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đổi mới nhiều hơn.
Lượng khách tăng nhưng tổng thu giảm
Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, lượng khách du lịch nội địa trong tháng 1/2023 của Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt người, trong đó khoảng 4,5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch tháng 1 ước đạt 46.000 tỷ đồng. Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm, mặc dù lượng du khách tăng cao nhưng lượng khách lưu trú lại giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu cũng giảm 30%.
Lý giải về hiện tượng này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế, xã hội trong nước đã khiến sức mua của du khách giảm, khách hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ du lịch trung và cao cấp. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch đầu năm chủ yếu là du lịch tâm linh, đi trong ngày nên lượng khách lưu trú giảm. “Năm 2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch do xu hướng, nhu cầu, khả năng chi tiêu của khách quốc tế đã thay đổi”, ông Khánh đánh giá.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành phân tích thêm, hiện nay, thị trường du lịch trong nước vẫn còn những vướng mắc từ năm 2022 chưa được tháo gỡ. Ví dụ như Việt Nam vẫn chưa nới lỏng thời hạn cấp thị thực nên thời gian du khách nước ngoài có thể lưu trú lại Việt Nam vẫn còn quá ngắn ngày.
“Nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện để khách quốc tế dễ dàng nhập cảnh bằng việc miễn thị thực. Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia. Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày, còn Việt Nam là 15 ngày.
Đó là một trong những lý do khiến ngành du lịch của các nước “đi sau nhưng lại về trước”, còn Việt Nam tuy mở cửa sớm nhưng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành phân tích.
Bên cạnh đó, để du lịch có thể phục hồi như thời điểm trước đại dịch, chuyên gia khuyến cáo, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu lại thị trường, xu hướng và nhu cầu của du khách để xây dựng sản phẩm mới phù hợp; tăng cường các biện pháp quảng bá rộng rãi hơn. Bởi sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu du lịch của nhiều thị trường khách hàng đã thay đổi rõ rệt. “Tới đây, thị trường khách Trung Quốc dự báo tăng mạnh, các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược đón đầu hiệu quả”, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Còn đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, để quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường quốc tế, năm 2023, Tổng cục Du lịch cùng các cơ quan sẽ tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ quốc tế về du lịch ASEAN, truyền thông, quảng bá trên các kênh lớn.
“Các chuyên gia trên thế giới cho rằng năm 2023 có thể chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Do vậy chúng tôi dự báo du lịch Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế này, hứa hẹn có nhiều bứt phá cả về số lượng khách và doanh thu”, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.
Du lịch nội địa đã đến lúc phát triển
Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, giúp Việt Nam dễ dàng vượt qua mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 và thực tế đạt được trên 100 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong khi đó, Việt Nam đón 3.6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%).
Tuy nhiên, du lịch quốc tế mới phục hồi phần nào chứ chưa hoàn toàn, với lượng khách du lịch đạt 3,6 triệu lượt, chỉ bằng 20% năm 2019. Điều đó càng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại.
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến tăng hơn 30%, mặc dù vẫn thấp hơn mức năm 2019. Một điểm cần lưu ý là tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào năm 2019.
Trung Quốc, nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch, gần đây đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam. Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện.
Bên cạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, Việt Nam còn có những “cú hích” khác nữa. Trước hết, việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là vấn đề trọng tâm, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ, nước có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam. Việc đi lại dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho kết nối du lịch sâu rộng hơn: Khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam trong năm 2022, tăng từ mức chỉ 1% năm 2019.
Việt Nam đang xem xét nới lỏng thêm chính sách thị thực, một vấn đề Chính phủ cũng đã hối thúc. Hiện tại, Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc đại lục, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày.
Rõ ràng, so với các nước khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam. Tình hình này có thể thay đổi. Các quan chức đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ.
Một cách khác để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch không chỉ ở cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thống mà còn là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Du lịch thể thao, phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao. Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch golf.
Phải thừa nhận rằng thị trường còn tương đối non trẻ đồng nghĩa với tiềm năng còn nhiều cơ hội để cải thiện về tổ chức tour trọn gói và sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt khi số lượng sân golf ở Việt Nam được dự đoán tăng gấp đôi lên 200 vào năm 2025. Cùng với các phân khúc khác đã được khoanh vùng như du lịch y tế và nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam.
Mức độ phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch nói chung cũng rất đáng khích lệ. Đặc biệt, nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp tiếp tục tăng trưởng với số lượng cơ sở tiêu chuẩn 4-5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch, theo Tổng cục Du lịch. Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác chứ không chỉ trong sản xuất.
Đẩy mạnh số hóa du lịch
Nếu năm 2022 là năm ngành du lịch thế giới trở lại và tìm cách hồi phục như khi chưa có đại dịch COVID-19, thì năm 2023 sẽ là năm của sự đổi mới sáng tạo. Những tiện ích trong chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như các doanh nghiệp lữ hành...
Giữa bối cảnh toàn cầu đang biến động mạnh bởi xung đột, lạm phát cao và những lo ngại cấp bách về biến đổi khí hậu tiếp tục thay đổi thế giới, người tiêu dùng trên toàn thế giới dường như “giằng co” giữa việc dành ngân sách cho những gì được coi là thiết yếu với mong muốn được đi du lịch. Nghiên cứu mới về xu hướng du lịch năm 2023 cho thấy, 72% người dân vẫn có nhu cầu đi du lịch nhưng nhu cầu đang thay đổi đáng kể.
Nghiên cứu mới đây của trang Booking.com cho thấy, hơn 40% du khách trên thế giới sẽ chuyển sang hình thức thực tế ảo cho kỳ nghỉ của mình vào năm 2023. Năm tới, 35% du khách tham gia khảo sát cho biết họ sẽ bắt tay vào trải nghiệm du lịch nhiều ngày theo mô hình thực tế ảo, thực tế tăng cường hoặc du lịch online.
Từ đó, du khách sẽ mạo hiểm hơn trong các lựa chọn du lịch của họ trong đời thực. Bởi sau khi trải nghiệm online, nhiều khả năng khách du lịch sẽ quyết định đi trải nghiệm thực tế tại các điểm đến mà trước đây họ chưa từng cân nhắc. Cũng theo kết quả nghiên cứu, 60% người tham gia khảo sát cho rằng trải nghiệm ảo không đủ thỏa mãn để họ “gạch tên” một điểm đến khỏi danh sách muốn đi, trái lại càng thôi thúc họ lên đường.
Bên cạnh đó, sau hai năm dịch COVID-19, mảng du lịch trực tuyến (bao gồm việc tiếp thị, bán các dịch vụ du lịch qua mạng) thiệt hại nặng nề. Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company mới công bố cho biết, quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam từ 5 tỷ USD năm 2019 giảm xuống còn 1 tỷ USD vào 2021.
Đến năm 2022, thị trường đã phục hồi nhưng vẫn chỉ ở mức 2 tỷ USD, chỉ đứng trên Philippines trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Dù vậy, thị trường này được đánh giá sẽ tăng trưởng lại với tốc độ 39% mỗi năm và đạt giá trị 6 tỷ USD vào 2025.
Đây chính là mảnh đất màu mỡ mà những doanh nghiệp còn trụ vững qua mùa dịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vận chuyển... có thể “khai phá” để tìm cơ hội tăng doanh thu. Chiến lược phổ biến hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm trên một nền tảng, liên kết lẫn nhau và tăng trải nghiệm số.
“Đây là một xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết, nhằm hỗ trợ du lịch phục hồi, phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới”, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI-HCM nhận định. Nhìn rộng ra, theo ông Liêm, do tính cạnh tranh ngày càng cao giữa các quốc gia trong lĩnh vực du lịch nên việc nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng dịch vụ thuận tiện bằng áp dụng nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến.
Chiến lược phổ biến hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm trên một nền tảng, liên kết lẫn nhau và tăng trải nghiệm số.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com