Ảnh minh họa.
Nói là hy vọng bởi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cả ngành du lịch và khách du lịch đã thực sự nhập cuộc trở lại. Doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng và rất nhiều người dân không còn e ngại đi du lịch như năm 2022 nữa. Còn nói là có niềm tin, vì du lịch Việt Nam được phân ra thành hai kỳ rất rõ rệt. Kỳ thứ nhất là du lịch lễ hội, tâm linh, thưởng ngoạn mùa xuân chủ yếu tập trung trong quý I, khách chủ yếu du xuân, vãn cảnh, mức chi tiêu chưa nhiều. Kỳ thứ hai là du lịch hè, diễn ra từ khoảng tháng 4 đến tháng 9 với hai loại hình du lịch đặc biệt cuốn hút khách, đó là du lịch biển và du lịch sinh thái. Đây là kỳ du lịch mà khách thường nghỉ dài ngày và chi tiêu mạnh tay hơn.
Những năm gần đây, các khu du lịch biển phát triển mạnh, nhiều bãi biển bắt đầu “thức giấc”, chuyển đổi từ du lịch địa phương sang du lịch thị trường. Nghĩa là nhiều bãi tắm lâu nay dành cho người dân địa phương và số ít khách quen, sản phẩm đơn giản, trong đó người dân địa phương đóng vai trò là nhân lực chính phục vụ khách du lịch, thì nay đã có sự đầu tư bài bản hơn. Bên cạnh các sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng, đã có những doanh nghiệp du lịch đầu tư hạ tầng du lịch quy mô, bài bản, với tầm nhìn dài hơi. Những khu du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên những năm gần đây cũng phát triển rất mạnh. Cùng với nguồn lực của nhà đầu tư chuyên nghiệp là sự tham gia tích cực của người dân địa phương. Chính vì thế loại hình du lịch này đang ngày càng khẳng định được thế mạnh, định vị chỗ đứng trong lòng du khách.
Thanh Hóa là tỉnh có thế mạnh du lịch biển cũng như du lịch sinh thái và thực tế là loại hình du lịch này trong những năm qua đã đóng góp lớn vào tổng thu du lịch của tỉnh. Cùng với du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến và Hải Hòa đã trở thành thương hiệu tầm cỡ quốc gia, nhiều bãi biển mới đang phát triển rất nhanh như bãi biển Quảng Lợi, Quảng Thái ở huyện Quảng Xương, Bãi Đông ở thị xã Nghi Sơn. Sự tham gia của những khu tắm biển này vào thị trường du lịch đem đến nét tươi mới hấp dẫn cho du khách. Tương tự, ở khu vực miền núi, bên cạnh các điểm du lịch quanh Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã được nhiều du khách biết đến, đang xuất hiện những cái tên tiềm năng như du lịch cộng đồng bản Mạ, bản Vịn ở huyện Thường Xuân; bản Năng Cát - thác Ma Hao ở huyện Lang Chánh; thác Voi ở huyện Thạch Thành; thác Muốn ở huyện Bá Thước...
Phát triển du lịch là định hướng chiến lược của Thanh Hóa, đã được tỉnh quan tâm ban hành chương trình phát triển riêng và cụ thể thành nhiều đề án. Vấn đề ở chỗ nhận thức và nguồn lực cho du lịch Thanh Hóa cần phải được quan tâm hơn nữa, trong đó đặc biệt phải thay đổi được tư duy của người dân, để hình ảnh du lịch biển, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng xứ Thanh trở nên đẹp đẽ và hoàn hảo hơn nữa. Tư duy làm du lịch ngắn hạn và những hình ảnh không đẹp trong cách tiếp cận du khách cần phải thay đổi sớm và triệt để hơn.
Một mùa hè chói nắng hứa hẹn những bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng rộn vang tiếng cười vui của du khách cũng là cơ hội để nâng cao nguồn thu cho ngành du lịch đã bắt đầu. Đón mùa hè và chúng ta hãy cùng nhau đón những cơ hội mới bằng tư duy đổi mới.
Theo Tuệ Minh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/du-lich/cho-doi-o-mua-he/182692.htm