Để mỗi phóng viên nhà báo điều tra, chống tiêu cực tự tin cống hiến, tác nghiệp đúng quy định (11/04/2023-9:27)
Làm báo một nghề đầy thử thách và nguy hiểm, thực tế gần đây liên tiếp có những câu chuyện nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp bị đe dọa, hành hung. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, mỗi phóng viên nhà báo cần chuẩn bị cho mình những điều kiện tốt nhất để tự tin khi hành nghề theo pháp luật.
Vụ việc phóng viên Báo NTNN/Dân Việt bị hành hung ở Đà Bắc (Hòa Bình). Ảnh: Danviet.vn
Trang bị kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện phóng sự điều tra
Được biết, hiện nay các quy định về bảo vệ nhà báo tác nghiệp ngoài Luật Báo chí, còn có nhiều Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Trong đó, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật.
Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng… hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm như buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ người làm báo nếu không được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Sau mỗi vụ việc nhà báo bị đe dọa, hành hung nếu việc xử lý không triệt để, không có sự vào cuộc điều tra làm rõ của các cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc nhà báo tham gia phòng chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý…
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng: Nhà báo khi đi tác nghiệp, nhất là với những nhiệm vụ công vụ được giao, được Nhà nước “đặt hàng”, thì cũng cần coi là người thi hành công vụ. Cho dù người đi thực thi nhiệm vụ đó, dù có phải là cán bộ công chức hay không, cũng có thể được coi là người thi hành công vụ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: "Ta cần nhìn nhận, vấn đề là chống người thi hành công vụ, chứ không phải là chống cán bộ công chức. Tôi cho rằng, các nhà làm luật, các luật gia và cả nhà khoa học, cũng cần thống nhất các định nghĩa này và dần dần hoàn thiện pháp luật xuất phát từ thực tiễn. Chính vì thế, với những vụ việc hành hung phóng viên, nhà báo khi đang tác nghiệp, với những nhiệm vụ được giao, thì cần phải xem xét như việc chống lại người thi hành công vụ".
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ việc đe dọa, hành hung đánh đập phóng viên nhà báo xảy ra và Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời phản ứng, ban hành các văn bản đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Trong nhiều trường hợp, Hội Nhà báo Việt Nam cũng khẩn trương đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, tránh việc đối tượng tiếp tục đe dọa, khủng bố tinh thần, uy hiếp phóng viên đã gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người làm báo.
Phóng viên làm điều tra, tiêu cực luôn lăn lộn với nghề, họ mất khá nhiều công sức cho việc tìm kiếm và khai thác đề tài thậm chí dễ có những rủi ro lớn. Họ lăn xả, đeo bám đề tài điều tra hóc búa, phanh phui các vụ tiêu cực, khuất tất, song nhiều nhà báo vẫn chưa thật sự được bảo vệ an toàn.
Trong muôn vàn những khó khăn thử thách mà phóng viên điều tra, tiêu cực có thể đối mặt, Hội Nhà báo Việt Nam cũng thường xuyên duy trì việc trang bị kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện phóng sự điều tra. Trong đó có việc tổ các lớp tập huấn về kỹ năng thực hiện phóng sự điều tra, đã có nhiều lớp hướng dẫn người làm báo thực hiện các phương tiện kỹ thuật ứng dụng trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra.
Qua mỗi lớp học này đã góp phần định hướng để phóng viên tìm kiếm đề tài và cách thức triển khai đề tài điều tra, cách thức phỏng vấn, khai thác thông tin nhân vật; kỹ năng nhập vai và đối phó với tình huống nguy hiểm; những rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra…Các lớp tập huấn này đã góp phần để nhà báo, phóng viên tự tin xông xáo tiếp cận, thực hiện các phóng sự chống tiêu cực, bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải để đảm bảo công bằng xã hội.
Cần tính toán mức độ rủi ro để phòng tránh
Đối với vấn đề tiêu cực như buôn bán ma túy, buôn lậu, phá rừng, ô nhiễm môi trường… luôn nảy sinh các vấn đề phức tạp, khó lường, các đối tượng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật luôn lấy lợi nhuận lên hàng đầu.
Ngoài ra, khu vực đó thường diễn ra ở nơi hẻo lánh, miền rừng núi hiểm trở, chính quyền có phần không bao quát hết hoặc buông lỏng quản lý. Người làm báo điều tra bắt buộc phải ghi lại được hình ảnh các vấn đề tiêu cực, chứng minh một cách rõ ràng những tồn tại, sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mặt khác nhà báo làm điều tra tiêu cực đang triển khai đề tài nếu liên hệ với các cơ quan chức năng chuyên môn, liên hệ với chính quyền địa phương rất có thể dẫn đến tình trạng đề tài đang triển khai bị lộ, rút dây động rừng, không "săn" được các bằng chứng rõ ràng, khách quan, khi các đối tượng tạm thời rút lui hay cố ý che giấu, bưng bít thông tin tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, nhà báo Toàn Thư - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết: "Đã có những cá nhân tổ chức coi sai phạm của mình là chuyện bình thường, đã thành thông lệ, đã có hệ thống, kéo dài không phải nhất thời. Việc này không ai giám sát, không ai đả động đến. Cơ sở vi phạm có địa chỉ cụ thể, có tư cách pháp nhân. Không bị đưa vào trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Người phóng viên điều tra phải có được thông tin hình ảnh, ngoài ra cần có tư liệu chắc chắn được thu thập từ nhiều nguồn. Để đối chứng, để chứng minh chắc chắn với các cơ quan chức năng về những sai phạm, tránh việc đổ lỗi, chối bỏ".
Tuy nhiên khi cá nhân tổ chức phát hiện việc hành vi của mình đang bị cơ quan báo chí phanh phui, sắp bị đưa lên mặt báo thì các phản ứng mạnh sẽ xảy ra. Không chỉ đe dọa họ sẵn sàng đập thiết bị ghi hình, điện thoại, thiết bị quay video để tránh việc lưu lại các bằng chứng.
Rất nhiều tình huống nảy sinh, vì thế đối với mỗi nhà báo phóng viên khi tác nghiệp cần hình dung ra được các tình huống có thể dẫn đến những sự cố, tình huống không hay. Các phương tiện kỹ thuật máy móc rất có ích trong việc thu thập tài liệu bằng chứng cho bài điều tra. Việc sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại sẽ khiến cho báo chí điều tra có sức thuyết phục hơn.
Chia sẻ về những giải pháp để bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Nhà báo trước hết là công dân, họ phải tự bảo vệ mình trước, tự bảo vệ mình trong quá trình hoạt động có thể xảy ra những tác nhân không lường trước được. Chúng ta tự bảo vệ không có nghĩa là chờ rủi ro đến, ở đây phòng phải là số một, cần tính toán đến những mức độ rủi ro cao nhất. Tính toán những rủi ro sẽ đến từ những đâu để phòng tránh.
“Bên cạnh đó, mỗi nhà báo có quyền được yêu cầu cơ quan tổ chức của mình, tờ báo của mình, Ban biên tập, sự hỗ trợ của đồng nghiệp báo khác lên tiếng ủng hộ. Đặc biệt, mỗi nhà báo phóng viên cũng luôn chú ý đến vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam, trong nhiều vụ việc Hội Nhà báo Việt Nam đã có những văn bản, hướng dẫn kịp thời, bảo vệ hội viên của mình. Việc này đã hỗ trợ mỗi phóng viên nhà báo trong quá trình tác nghiệp”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com