Báo chí dữ liệu: "Vũ khí" kể chuyện của báo chí đương đại (18/04/2023-1:29)
Kể câu chuyện bằng dữ liệu từ lâu đã là một xu hướng của báo chí thế giới, nổi bật như vụ Hồ sơ Panama vài năm về trước. Thời gian qua, đại dịch và cuộc chiến Nga - Ukraine càng cho thấy được vai trò quan trọng của báo chí dữ liệu trong hành trình chuyển đổi số.
Sử dụng sức mạnh của dữ liệu là một quan điểm hoàn toàn mới trong viết bài. Khi lần đầu tiên đi sâu vào một câu chuyện, một nhà báo sẽ cố gắng tìm ra một khía cạnh hoặc quan điểm mới để viết bài. Dữ liệu chính là lựa chọn đó. (Ảnh: ONECMS)
Những ưu điểm vượt trội
Hãng thông tấn Associated Press (AP) công bố sản phẩm “Nhật ký chiến tranh Iraq” vào tháng 12/2010 với hình thức thể hiện là một ma trận hình ảnh tương tác dạng lưới liên kết các điểm nút sự kiện mang thông tin để diễn giải về cuộc chiến tại Iraq. Thông tin từ hơn 11.000 tài liệu được trình bày trực quan trên một mặt phẳng nhiều lớp dữ liệu, phân loại theo các chủ đề và từ khoá để độc giả tương tác.
Những thử nghiệm của AP trong “Nhật ký chiến tranh Iraq” đã tạo ra các kỹ thuật phân tích văn bản, truy xuất và so sánh dữ liệu, các thuật toán mô phỏng hình ảnh trực quan… cho loại hình báo chí dữ liệu mà trước đây chưa một hãng tin nào để ý tới. Sau sự kiện này, báo chí dữ liệu chính thức được ứng dụng tại hàng loạt các hãng tin lớn.
Trong dòng lưu chuyển tin tức của truyền thông đương đại, thông tin đến từ rất nhiều nguồn, mang nhiều hình thức thể hiện khác nhau với số lượng dữ liệu khổng lồ và rất nhiều thông tin nhiễu. Năm 2015, hồ sơ mật “Panama Paper” được chuyển tới tờ báo Süddeutsche Zeitung (Đức) với 11,5 triệu tài liệu. Những nội dung đồ sộ như vậy sẽ rất khó chuyển tải bằng các bài báo thông thường.
Trong khi đó, công nghệ báo chí dữ liệu sẽ có khả năng phân loại, sàng lọc và trình bày các thông tin đó một cách khoa học, trực quan và dễ hiểu. Báo chí dữ liệu với đặc trưng là khả năng mô phỏng thông tin bằng các biểu đồ, bản đồ, ma trận hình ảnh… kết hợp với phân tích chỉ dẫn của nhà báo, sẽ tạo ra các hình thức thể hiện hấp dẫn, trực quan hơn rất nhiều so với các bài viết truyền thống.
Hình thức báo chí này càng cho thấy vai trò quan trọng thông qua việc đưa tin tức trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. State of Data Journalism 2022 - một cuộc khảo sát hàng năm dựa trên 1800 phản hồi quốc tế. Báo cáo cung cấp những phát hiện chi tiết về các nhà báo dữ liệu, mức độ kinh nghiệm và kỹ năng của họ. Báo cáo cho thấy các bản đồ, biểu đồ và infographic là không thể thiếu để đánh bại những thông tin sai lệch liên quan tới cuộc chiến tròn 1 năm tại Ukraine. 20% các nhà báo dữ liệu đang tích cực tham gia đưa tin về chiến tranh, gần bằng một nửa số người vẫn đang đưa tin về COVID-19.
Báo cáo về các chính phủ và chính trị vẫn là chủ đề lớn nhất đối với các nhà báo dữ liệu, với 50% các nhà báo dữ liệu vẫn đang làm việc trong mảng này. Thời tiết và khí hậu là một lĩnh vực phát triển quan trọng khác đối với báo chí dữ liệu và dữ liệu môi trường là mảng phổ biến thứ hai. Kinh tế chiếm vị trí thứ ba.
Trong kỷ nguyên 4.0, dữ liệu là một chìa khoá vô cùng quan trọng giúp cho việc phân biệt những điều xảy ra thực tế hay chỉ là được hư cấu. Trong quá trình tiếp nhận các dữ liệu thông tin, những thông tin có số liệu chi tiết cụ thể, nguồn gốc rõ ràng sẽ luôn tạo ra niềm tin rất lớn đối với các bạn đọc, điều này cho thấy báo chí dữ liệu hiện nay có một vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống lại các tin giả, khi mà thông tin được đưa ra một cách vô cùng minh bạch bằng những số liệu chi tiết cụ thể.
Nhà báo Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Vietnam+ đưa ra nhận định: Trong 7 sự thay đổi của truyền thông trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây thì thay đổi về cách kể chuyện (storytelling) chính là một trong những thay đổi quan trọng nhất. Nhà báo bây giờ không chỉ kể chuyện bằng chữ, bằng hình ảnh mà có rất nhiều “vũ khí” khác để trình bày câu chuyện hay diễn giải vấn đề, mà kể chuyện bằng dữ liệu là cách thức tiêu biểu. Trong báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu báo chí Reuters thì trực quan hóa dữ liệu là một trong những ưu tiên phát triển của các tòa soạn trong năm 2023, bên cạnh podcast hay phát triển video trên nền tảng số.
Vượt qua rào cản tư duy cũ, sẵn sàng tiếp nhận cái mới
Nếu như công cụ tác nghiệp của phóng viên truyền thống là chiếc máy ảnh và trình soạn thảo văn bản thì các phóng viên báo chí dữ liệu lại sử dụng bảng tính, các công cụ phân tích dữ liệu chuyên dụng, phần mềm đồ hoạ, và thậm chí cả các công cụ lập trình. Báo chí dữ liệu đã tạo ra một mô hình vận hành sản xuất tin tức khác biệt so với truyền thống.
Tại The Guardian, một mô hình vận hành sản xuất tin tức mới mang đặc thù của báo chí dữ liệu đã được thiết lập.
Các chủ đề hấp dẫn phát hiện được từ quá trình xử lý dữ liệu có thể được đào sâu để phát triển thành các câu chuyện đặc biệt. Các nội dung cần yêu cầu thể hiện bằng đồ hoạ phức tạp hoặc lập trình tương tác sẽ được chuyển tới bộ phận thiết kế. Các nội dung đơn giản dạng biểu đồ, bản đồ sẽ được thực hiện nhanh bằng các công cụ miễn phí. Sản phẩm hoàn thiện được xuất bản trực tiếp và đưa vào kho tư liệu để tái sử dụng trong các bài viết khác bằng mã nhúng. Mô hình này hiện cũng đang được triển khai tại Bloomberg, BBC, New York Times…
Nhắc đến câu chuyện thay đổi của mô hình tổ chức sản xuất tin tức, nhà báo Hoàng Nhật cho rằng, lợi thế của các phóng viên bây giờ là có rất nhiều công cụ hỗ trợ. Sự phát triển của công nghệ, gồm cả tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, đã giúp cho quá trình tác nghiệp của các phóng viên trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần vận dụng kỹ năng đã được đào tạo, nắm bắt các công cụ mới là phóng viên có thể cho ra đời nhiều sản phẩm báo chí có cách kể chuyện sáng tạo, mới lạ.
"Vậy nên những thách thức là không đáng kể, điều quan trọng nhất là vượt qua những rào cản tư duy cũ kỹ, sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Mà thật ra báo chí dữ liệu đối với thế giới cũng không còn là mới nữa, nên nếu đứng yên thì mình sẽ tụt hậu", nhà báo Hoàng Nhật nói.
Theo quy trình vận hành, các nhà báo sẽ nhận dữ liệu đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau tại mạng nội bộ. Các biên tập viên sẽ xác thực, đánh giá dữ liệu thô nhằm định vị cách thể hiện sản phẩm, tính toán việc bổ sung các dữ liệu khác để tạo ngữ cảnh và thông tin nền… Sau đó, tất cả dữ liệu này được sắp xếp trong các bảng tính, loại bỏ thông tin nhiễu để tiến hành phân tích.
Trong thời đại mà các kỹ năng báo chí truyền thống là không đủ, báo chí dữ liệu là một tập hợp các khả năng mới để truy cập, diễn giải và hình dung các nguồn kỹ thuật số. Nó không có nghĩa là để thay thế cho báo chí truyền thống, mà là một phần bổ sung cho nó.
Phó Tổng Biên tập Vietnam+ nhắc lại thời kỳ đại dịch COVID-19, những thông số về tình hình dịch bệnh được các cơ quan báo chí trực quan hóa một cách sống động cũng đã giúp người dân nâng cao được nhận thức về dịch bệnh. Chỉ cần nhìn vào những biểu đồ được trình bày hấp dẫn, tương tác theo dạng interactive thì chúng ta cũng có thể nhận biết được tình hình dịch diễn biến theo chiều hướng nào, qua đó có thể nhận định, dự báo những xu hướng sắp tới.
Hay như các cuộc bầu cử được nhiều độc giả quan tâm, cách thức cập nhật bằng biểu đồ dạng maps của các tòa soạn cũng giúp độc giả nắm bắt được vấn đề tốt hơn, có cái nhìn sâu hơn và tổng quan hơn về các chủ đề liên quan. Bản thân các tòa soạn cũng có nhiều lợi ích, bởi việc giúp độc giả tăng cường trải nghiệm sẽ tạo ra thêm giá trị gia tăng cho mỗi lượt truy cập, nâng cao vị thế của tờ báo.
Thực tế cho thấy, báo chí theo định hướng dữ liệu là con đường của tương lai. Dùng số liệu để làm vững chắc thêm những luận điểm nêu trong bài viết - đó là điều không mới của những nhà báo chuyên phân tích, nhận định. Nhưng giờ đây, với nền tảng dữ liệu đang ngày càng được mở rộng, nhà báo hiện đại có cơ hội nâng cao chất lượng tác phẩm của mình bằng những “câu chuyện từ con số” một cách khoa học mà không kém phần cuốn hút.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com