Nâng cao hiệu quả của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (27/05/2023-19:18)
Góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định cụ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) tham gia thảo luận.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, cơ quan liên quan, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5. Trong đó, quy định về vai trò, sự tham gia của tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện luật. Theo đó, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội được quy định tại Chương IV và Điều 71, Điều 73 của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, tại khoản 1 Điều 50 của dự thảo Luật có quy định các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, tại điểm i quy định: tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng. Về nội dung này, Đại biểu đề nghị thay đổi hoạt động từ đào tạo thành tập huấn hoặc bồi dưỡng để phù hợp hơn với đối tượng là người tiêu dùng.
Khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật quy định các điều kiện để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng. Trong đó, tại điểm c quy định điều kiện có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm, tính từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị bỏ nội dung quy định về điều kiện này bởi tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp như điều kiện quy định tại điểm e của khoản 2 điều này, tổ chức đó có đủ điều kiện hoạt động kể từ ngày thành lập, trong đó kể cả có hoạt động khởi kiện; không nên quy định sau thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm mới được quyền tự khởi kiện.
Về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng, Điều 73 dự thảo Luật quy định: Tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng được thực hiện theo bản án, quyết định. Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng thì tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng để nhằm động viên các tổ chức xã hội tích cực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 73 theo hướng: Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, khoản tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng thì sẽ được giao cho tổ chức xã hội đã khởi kiện để sử dụng cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu cho biết, đây cũng là ý kiến đại diện của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bến Tre gửi gắm, kiến nghị đến Quốc hội xem xét.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn TP Cần Thơ), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Theo đó, tại Điều 53 về tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy rất khó hiểu làm cho quá trình tổ chức thực hiện phải phân định đâu là tổ chức xã hội, đâu là tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích. Đồng thời, khi quy định như vậy, ban soạn thảo không giải thích từ ngữ rõ thế nào là tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ về khái niệm tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích. Vì hiện nay ở Việt Nam, tổ chức xã hội có thể hiểu bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức tự quản (còn gọi là hội). Theo quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ, các tổ chức hội khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đều phải có điều lệ, trong đó thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích của hội. Như vậy, quy định tổ chức xã hội, tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích ở đây sẽ gây nhầm lẫn.
Đồng thời, Đại biểu đề nghị tại Chương IV của dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm một điều về vai trò, trách nhiệm và quyền của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; rất cần bổ sung vào dự thảo Luật về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com