Trong khi tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đang ở mức thấp nhất trong 13 năm, điều đáng quan tâm là lần đầu tiên sau nhiều năm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Khu tiếp nhận thủ tục hành chính một cửa của Sở Kế hoạch - Đầu tư Đồng Nai tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN
Doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng theo phân tích của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ doanh nghiệp thành lập mới trên doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 0,8. Đây là kết quả bất thường, khác biệt so với các năm trước. Số liệu từ 2018 cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp thành lập mới trên doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thấp nhất là 2,0 (năm 2022) và cao nhất lên tới 4,1 (năm 2019). Điều này có nghĩa là thông thường các năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới thường gấp đôi, thậm chí có năm gấp 4 lần số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ bằng 80% số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Kết quả này thể hiện mức độ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay thậm chí còn nặng nề hơn rất nhiều so với thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19.
Nguyên nhân doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tệ hơn là rút lui khỏi thị trường có nhiều. Tạm thời chưa nói tới những nhân tố chủ quan như khả năng thích nghi, năng lực quản trị…, nhưng có những nhân tố khách quan đối với doanh nghiệp khiến chúng ta phải suy ngẫm và cơ quan chức năng cần cấp bách hành động. Nói như lời của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tại hội thảo “Tháo bỏ rào cảnh điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ấy là “thông lệ thì có, luật pháp không thay đổi, nhưng mà đòi thêm”. Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam thì cho rằng đó là những “quy định thêm” mà các bộ, ngành, địa phương “tự nhiên đưa ra”.
Những cái “đòi thêm” ấy, theo ông Nam, là các giấy tờ mà cơ quan nhà nước yêu cầu phải cung cấp thêm “trong trường hợp cần thiết” mà không ai định nghĩa được “trường hợp cần thiết” là khi nào. Ngay cả khi chỉ điều chỉnh nội hàm bên trong như về công nghệ, thiết bị mà không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép, thì vẫn phải làm lại quy trình từ đầu. Đặc biệt, trong số những giấy tờ phải cung cấp thêm, quy định thêm phải tuân thủ ấy, có không ít là vô lý, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, thậm chí còn không có trong các văn bản pháp quy. Ví dụ, với ngành bất động sản là quy định công trình sử dụng quạt hút khói phải chịu được 200 độ C trong 4 tiếng hay sự thay đổi liên tục của Quy chuẩn 06 trong 3 năm từ 2019 - 2021, khiến công trình làm năm 2019 áp dụng chưa xong thì năm 2020, quy chuẩn đã bị sửa và bị đẩy vào tình trạng không đáp ứng được quy chuẩn mới... Với ngành xuất khẩu thuỷ sản là yêu cầu các loại giấy tờ đóng dấu đỏ giống cơ quan thẩm quyền Việt Nam trong khi ở phương Tây, những giấy tờ này thường do tư nhân cung cấp... Với ngành sữa là khi công bố sản phẩm sữa phải chứng minh hợp đồng mua bán nguyên liệu mà điều này lại không có trong quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP … Với ngành lương thực, thực phẩm là quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” mà theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu này trái với nguyên tắc quản lý rủi ro, không đúng với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gây nguy hại cho sức khoẻ bởi bắt tất cả những người đã đủ hoặc thừa I-ốt phải ăn thực phẩm bổ sung I-ốt…
Còn rất nhiều, rất nhiều các loại điều kiện, thủ tục, giấy phép con mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liệt kê ra trên các diễn đàn hoặc khi trả lời phỏng vấn của báo chí. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi về thực chất của mức độ cải thiện về môi trường kinh doanh ở nước ta. Hơn nữa, nó lại diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 13 năm, kinh tế toàn cầu cũng đi xuống, khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Thực trạng này thể hiện qua tỉ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở mức rất cao như đã nêu ở trên, buộc cơ quan chức năng phải có hành động quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Ở khía cạnh chính sách tài khoá, chính phủ nhiều lần miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và doanh nghiệp là một trong những đối tượng được hưởng lợi. Tại phiên họp chiều 29/5 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí là hơn 132.000 tỷ đồng, trong đó miễn và giảm là 24.000 tỷ đồng và gia hạn là 108.400 tỷ đồng. Năm 2022, Chính phủ đã huy động được nguồn lực lớn nhất và thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí lớn nhất, là 200.300 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 89.000 tỷ đồng và gia hạn là 110.700 tỷ đồng. Năm 2023, dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn 195.400 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74.200 tỷ đồng và gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở khía cạnh gỡ bỏ rào cản, nút thắt về thủ tục, điều kiện kinh doanh, lại xuất hiện vấn đề. Theo CIEM, tại các phiên họp hằng tháng, chính phủ luôn nhấn mạnh tới cải cách môi trường kinh doanh, nhưng để chủ trương đi vào thực tế, rất cần tới sự chuyển động mạnh mẽ của các bộ, ngành và địa phương. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM, cho biết trong 2 năm qua, rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng, tạo áp lực nặng nề hơn cho doanh nghiệp. Một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Đáng chú ý là số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (theo Danh mục của Luật Đầu tư) giảm, nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh và vô vàn thủ tục hành chính kèm theo.
Việt Nam không phải là nơi duy nhất thu hút đầu tư nước ngoài, mà nhiều quốc gia khác kể cả các nước phát triển như Mỹ cũng đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, nếu chậm trễ trong việc gỡ bỏ rào cản, nút thắt về thủ tục, điều kiện kinh doanh, Việt Nam có thể sẽ sẽ đánh mất hoặc lãng phí cơ hội phát triển. Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn như thế này, họ cần vực dậy hơn là mất thêm nguồn lực chạy đôn chạy đáo hoàn thành giấy phép con. Trong khi đó, gỡ bỏ giấy phép con và các nút thắt về pháp lý nhằm cải thiện môi trường kinh tế vốn được nhìn nhận như “giải pháp 0 đồng” để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhằm vực dậy doanh nghiệp và nền kinh tế nới chung, chính phủ đã thực thi chính sách tài khoá tích cực, bơm ra hàng trăm nghìn tỉ đồng, nhưng cũng cần coi trọng hơn nữa việc thúc đẩy “giải pháp 0 đồng”. Kinh nghiệm trong những lần cải cách trước đây cho thấy khó có thể chờ đợi các bộ, ngành, địa phương báo cáo về danh sách các thủ tục, điều kiện kinh doanh và giấy phép con cần bãi bỏ, mà cần có một cơ cấu điều phối chung liên bộ, ngành cũng như sự ghi nhận những ý kiến tư vấn đúng đắn của các tổ chức đánh giá độc lập, uy tín.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com