Chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau (27/07/2023-15:35)
Đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Và tới nay, “báo đáp thế nào cho xứng đáng” - lời dặn dò ấy của Bác - vẫn là niềm trăn trở khôn nguôi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người luôn đau đáu, quan tâm và chia sẻ với các anh chị em thương binh và các gia đình liệt sỹ - đã từng nhiều lần nhắc nhớ: “Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Và tới nay, “báo đáp thế nào cho xứng đáng” - lời dặn dò ấy của Bác - vẫn là niềm trăn trở khôn nguôi.
“Nhờ ai ta có hòa bình?/Nhờ người chiến sỹ quên mình vì dân” - chủ nhân của vần thơ đầy xúc cảm ấy không ai khác là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vần thơ ấy nằm trong bài viết “Nhờ ai ta có hòa bình”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 273, ngày 26 tháng 11 năm 1954, Bác viết dưới bút danh “C.B”. Tình cảm, sự biết ơn ấy được thể hiện nhất quán trong nhiều bài nói, bài viết, trong hành động và việc làm của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định quan điểm: “Công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh”; “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Bác chỉ rõ, đền ơn đáp nghĩa là “nghĩa vụ của Nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc làm phúc”.
Đặc biệt, trong Di chúc thiêng liêng để lại trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh.
Đối với các liệt sỹ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”…
Từ quan điểm ấy, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người.
Ngày 16/02/1947, Bác đã ký Sắc lệnh số 20/SL Về chế độ hưu bổng thương tật đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Đây là văn bản đầu tiên, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta về chính sách thương binh liệt sỹ và người có công. Tháng 6/1947, Bác Hồ chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân bày tỏ lòng hiếu kính đối với những người có công với đất nước.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và lời dạy của Bác, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã tiếp tục xác định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đối với NCC trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm NCC và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên…”.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, theo đó mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5% và được áp dụng từ 01/7/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 đã cho biết, đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần.
Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày càng phát triển.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2012-2022, cả nước đã dành hơn 357.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công. Đã vận động được hơn 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới hơn 84.000 căn nhà, sửa chữa hơn 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng; làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Có thể khẳng định, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
Tuy nhiên, như người đứng đầu Chính phủ cũng đã thừa nhận trong phát biểu tại Hội nghị, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau.
Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ vì “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Những vết thương chiến tranh vẫn hàng ngày đau nhức, nhất là lúc trái nắng, trở trời. Những di chứng do chất độc da cam dày vò biết bao số phận. Những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu.
Và rằng, chúng ta vẫn day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...
Truyền thống quý báu muôn đời của người Việt là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, như lời Hồ Chủ tịch đã dặn: “Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. “Phải báo đáp thế nào cho xứng đáng” - vì thế, phải tiếp tục là sự trở trăn của cả hệ thống chính trị, làm thế nào để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả các phong trào đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên, không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi, góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng, tri ân thật sự xứng đáng, tôn vinh, đúng đối tượng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
Làm được như vậy, như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính, mới có thể giúp “xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ”, làm ấm lòng hương hồn các Anh hùng, liệt sỹ đã khuất và góp phần giảm bớt nỗi đau cho những người ở lại, mới thực sự là “trọn vẹn trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng” với những người mà nhờ họ, chúng ta hôm nay mới được sở hữu thứ tài sản vô giá: Hòa bình.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com