Công tác cải cách hành chính hiện nay đã có nhiều cải thiện, tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và còn nhiều rườm rà, vướng mắc, nhất là chưa đồng bộ từ trên xuống dưới.
Khi vừa chuẩn bị bắt đầu năm học mới 2023 - 2024, nhiều người dân phản ánh rằng, để cho con nhập học đầu cấp, một số nơi vẫn đề nghị nộp bản sao sổ hộ khẩu, mặc dù sổ hộ khẩu đã được “khai tử” từ đầu năm 2023. Hay như hiện nay, nhiều lĩnh vực khi “đụng” đến thủ tục hành chính, người dân vẫn được yêu cầu phải trình sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận thông tin nơi cư trú. Trong khi đó, nếu đã cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, thông suốt thì mọi thông tin này đều nằm trên căn cước công dân có gắn chíp hoặc mã định danh cá nhân.
Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn “kêu” về thủ tục hành chính còn phiền hà, chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa thật sự thông suốt.
Cải cách hành chính là để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giảm thời gian, công sức cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như làm môi trường, hệ sinh thái hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch… Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới.
Tại phiên họp đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương… công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc...
Đánh giá của các chuyên gia, những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Theo đó, do nhận thức của những người làm công tác cải cách hành chính còn chưa đúng tầm, khiến hành động chưa tương xứng nên kết quả còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn người dân; quá trình thực hiện thiếu linh hoạt, sáng tạo, có nơi, có lúc lúng túng trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc. Một số cá nhân người đứng đầu có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số ở một số địa phương, bộ, ngành còn chậm, dẫn đến lạc hậu, đi sau, cản trở phát triển…
Do đó, để công tác cải cách hành chính mang lại hiệu quả, cần phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Phát huy hơn nữa tinh thần chủ động linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ, Đảng viên trong công tác cải cách hành chính trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”; đồng thời làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất; tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính cần phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới, từ Trung ương xuống địa phương theo tinh thần "tiền hô hậu ủng", "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt", tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" hoặc "dưới nóng, trên lạnh". Đặc biệt, cần phải “đầu tư” và tăng cường phân cấp cho cấp xã, phường; bởi, đây là nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với người dân nhanh nhất, nơi trực tiếp tiếp xúc, làm việc nhiều với người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc số hoá và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến tất cả các cơ quan hành chính công và dân cư, để từ đó người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng trực tuyến, giảm bớt việc thực hiện trực tiếp như hiện nay.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com