Làng cổ (ảnh chỉ có tính minh họa)
Đường nhựa dẫn lối tôi về gốc gạo tuổi thơ nơi ngã tư hơn 30 năm trước lũ chúng tôi chơi trò trận giả. Cái làng Chiêm Ba gọi chệch từ Chiêm Bao để nói đến giấc mơ - như một số người kể giờ không còn phải nằm mơ nữa. Nhà sát nhà những tầng cao. Hơi thở hiện đại bò vào từng ngõ nhỏ khiến kỷ niệm tuổi thơ của lũ chúng tôi lần lượt bị xoá mờ. Cây muỗm già sần sùi gân guốc thời gian, được người làng tôi kể bằng bao câu chuyện huyền bí cả màu sắc tâm linh và lịch sử cũng đã bị đốn hạ từ lúc nào. Sự tín ngưỡng phải nhường bước cho cái thực dụng mưu sinh. Dưới tán cây muỗm già là vết tích nghè, miếu xa xưa giờ thành nơi canh tác. Ngọn núi Miễu, núi Chùa cũng không còn nữa. Cả những chiếc hồ tiêu úng, điều hoà sinh thái cho làng cũng không còn nữa. Nó được san lấp và cắt xẻ chia chác để thành những tầng cao. Nhà nối nhà, người sống bắt đầu lấn sang đất của người chết. Anh bạn chăn trâu của tôi chả biết học được từ đâu, vừa dẫn lối, vừa buông những câu buồn: "Thôi thì làng mình phình ra, làng ma bé lại". Các cụ chắc cũng đại xá thôi mà.
Trong chạng vạng của chiều cuối thu, hai kẻ dở hơi chúng tôi đã đánh thức tuổi thơ bằng hai đôi chân trần dọc bờ sông Đào. Tất cả đã khác, khác đến mức những con trâu, bò trên bờ đê nghiêng ráng chiều kia cũng khác. Không còn sự tất tả vội vàng của lũ mục đồng. Không còn đôi mắt vằn đỏ của những chú trâu khi phải mang trên vai đôi càng xe nữa. Máy thay trâu, máy thay luôn cả người. Năm hai vụ lúa bằng sức trâu bò, sức người, còn nông nhàn mấy tháng, giờ máy thay tất cả, người liệu có sinh hư?
Quê mình đổi mới mừng quá đi, nhưng vẫn thấy chạnh buồn. Cái hồn của làng xưa đã bị vết thời gian xoá đi gần hết. Lại một câu triết lý chả biết đọc được từ đâu, bạn chăn trâu của tôi thốt lên: "Thôi to phần xác thì phải thác phần hồn, chứ biết sao đây".
Phần xác của làng tôi to lên thật. Đó là điều quá mừng. Nhưng với kẻ xa xứ như tôi, chả biết sự hoài cổ có cản trở gì đến thời đại không, nhưng tôi vẫn thấy thương lắm hồn làng xưa.
Lam Vũ