Hình ảnh chỉ có tính minh họa
Sau một hồi tham gia việc đồng, đứa em nhà dì rủ tôi về nhà. Vợ chồng chú dì ở đây được coi là gia đình làm kinh tế khá giỏi, vừa trồng lúa, nấu rượu vừa có trang trại nuôi lợn gà cho thu nhập khá cao. Vào nhà thấy một sân phơi đầy rơm, nhưng cả khu nuôi lợn duy nhất chỉ còn một chuồng độ vài chục con. Có tiếng chó sủa, dì dẫn về mấy người thợ cơ khí. Chú dì định làm gì à, tôi hỏi? Ừ làm giàn trồng su su, chả là vừa rồi có dịch bệnh tai xanh khốn đốn nên đàn lợn bán tống bán tháo rẻ quá, bây giờ tiếc của đâm ra ốm, vả lại không làm thêm gì cũng thấy buồn nên chuyển sang trồng su su.
Đêm đó, ở lại quê nghe rộn ràng trong không gian chuyển mùa rất dễ chịu, nhưng tôi vẫn không ngủ được. Người lớn trong làng ngồi đến 11 giờ đêm vẫn chưa có điện để tuốt lúa và làm công việc khác. Cuộc sống nhà quê đảo lộn khác thường, cả đêm là âm thanh ồn ã của công việc, ngày đi làm ngoài đồng đêm không được ngủ nhìn ai cũng đầy mệt mỏi. Họ đành phải thế, vì ai sẽ biết được sẽ mất điện vào lúc nào. Tôi và lũ trẻ học được cách sống của người làm lúa, họ chấp nhận mất điện nhưng muốn biết là mất vào lúc nào, mất bao lâu. Chẳng lẽ đêm nào cũng ngồi hong hóng chờ. Họ muốn làm rốn cho xong rồi lại rời làng đi kiếm ăn xa.
Lúc tôi sắp về mọi người xúm lại bảo lạ cảnh, lạ nhà chắc không ngủ được nhỉ. Mà được làm nông dân thoải mái quá còn gì, có còn nhớ cái gì về quê không đấy? Vâng, tôi lặng lẽ gật đầu, lòng nặng trĩu và thầm nghĩ về những người nông dân hồn hậu một nắng hai sương ấy họ đã tần tảo sớm hôm để làm ra hạt gạo trắng ngần cho chúng tôi ở phố dùng đến mỗi ngày.
Chuyện quê mình cũng còn nhiều đắng đót.
Nguyễn Lộc