1. Đất quê
Quê mình giờ nhiều nhà cao tầng lắm phải không anh?
Em gái tôi ở trong thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin ra, hỏi như thế. Tôi cười buồn: "Ừ, đủ các hình dạng, màu sắc em ạ!". "Vậy là tốt rồi, em mừng cho bà con quê mình!".
Có lẽ qua webcam, em không nhận ra được nụ cười buồn, không thấy được những tiếc nuối đang hiện hình trên những ngón tay run run gõ trên bàn phím của tôi. Có phải người dân quê mình làm ăn khấm khá đâu em, mà những ngôi nhà cao tầng khang trang rộng rãi kia là do bán đất xây nên… Đất quê hương cứ ngày càng thu hẹp dần, như đứa trẻ suy dinh dưỡng tội nghiệp và đáng thương đang ngày càng còi cọc, teo tóp…
Từ quê tôi vào đến trung tâm thành phố chỉ mất chừng hai chục cây số. Thế nên, cái nhịp sống ồn ào, cái không khí của quá trình đô thị hoá nóng bỏng kia cũng dễ dàng tràn về, ngấm dần vào trong những khát khao đổi đời của người dân quê…
Trước những lời "tư vấn" của "cò" đất, của những người biết đầu cơ tích trữ để kiếm lời từ bất động sản, người dân quê tôi chỉ thấy một con đường duy nhất để có được một mái nhà như mơ ước… ấy là bán đất. Và từ đó, những ngôi nhà cao tầng vôi ve rực rỡ và bắt mắt lũ lượt mọc lên…
Liệu mẹ có định bán đất xây nhà không? Tôi đã hỏi đùa. Mẹ cười: "Lo cho hai đứa ăn học, sau này anh em tụi bay kiếm được tiền thì tự về mà xây, việc gì mẹ phải bán đất cho người nào!".
Giá như mà ai cũng có được những suy nghĩ như mẹ tôi nhỉ?
Tôi thèm biết bao được trông thấy lại những khu vườn cây trái mướt mát màu xanh, nồng nàn hương thơm trong mùa quả chín; thèm được nghe tiếng dế đêm ri rỉ hát ru vầng trăng in trong vũng nước con con đọng lại trong vườn sương ướt…
Tôi thèm được đặt gót chân trần tiếp xúc với mặt đất mẹ mát lành thịt da (trên những ngõ quê) - khi chưa bị đổ bê tông hay lát lên một lượt gạch hồng lầm lì ngăn cách… Từ nơi ấy, mỗi người đã chập chững những bước đi đầu tiên ra với thế giới bên ngoài khỏi chật hẹp ngôi nhà (và cũng là nơi trơn trượt trời mưa ta đã vấp ngã, đất mẹ hiền từ lại thầm thì lời nâng đỡ giúp ta lên).
Rồi những cánh cò bay về nghiêng chao trong ráng chiều rực rỡ trên những cánh đồng nồng nàn mùi hương của lúa; hay thèm nghe những tiếng ếch đồng rì rầm vang vọng sau mỗi đêm mưa…
Thèm lắm, nhớ lắm… Nhớ đến run người!
Có lẽ cánh cò xưa bay về, hụt hẫng bên những bức tường nồng nặc vôi vữa nên vội bỏ đi. Có lẽ dưới cơn mưa, những khu vườn đang thổn thức, và giọt mưa rơi run rẩy nói lời mơ và nhớ về một màu xanh cây trái… Có lẽ đám trâu hiền lành kia đang ngơ ngác trong chiều mà hoài tưởng về những gốc rạ - với hương mùa màng thơm ấm những buổi chiều quê xưa…
"Những cánh đồng lặng lẽ ra đi…
Mang theo một mảnh hồn quê biêng biếc!"
Tôi nhớ ngày em tôi đi học xa, cha tôi đã gói lại một nắm đất và nhét sâu vào tận trong đáy balô của em. Trên sân ga, mẹ tôi nghẹn ngào: “Vào đó gắng giữ gìn sức khoẻ, học tập cho tốt, và đừng quên nắm đất quê hương, con nhé! Có nó sẽ như có gia đình, bè bạn, xóm làng ở bên con”…
Tôi tò mò không biết nắm đất ấy (chắc là đã khô) giờ như thế nào? Liệu tình cảm của con người cũng sẽ khô héo theo một cách dễ dàng như thế qua thời gian; và liệu em tôi có thờ ơ với nắm đất nhỏ (nhưng mang trong đó ngàn năm lịch sử, thấm nồng giọt mồ hôi của bao thế hệ cha ông đã đi qua) như nhiều người dân quê tôi trong vòng xoáy của thời đại hay không?
Nhất định tôi sẽ gửi email hỏi và nhắc nhở cho em về điều đó.
2. Đê làng
Ngày nhỏ, gia đình tôi có người họ hàng là Việt kiều ở Pháp về thăm. Tôi nhớ người bà con ấy của mình đã nói rất nhiều về nỗi nhớ quê hương, rằng đọng lại sâu sắc và ám ảnh trong lòng người xa xứ, xa quê là ba hình ảnh: Khói lam, rơm vàng và đê làng. Ngày ấy tôi chưa hiểu nỗi nhớ là gì, nên cũng không lý giải được có gì ám ảnh và ấn tượng trong những hình ảnh bình dị ấy… Rồi sau này lớn lên, phải đi học xa, tôi mới biết thế nào là nỗi nhớ, mới hiểu được ý nghĩa của khói lam, rơm vàng và đê làng trong lòng người đi xa… Ám ảnh trong tôi là hình ảnh con đê làng tuổi nhỏ của những làng quê châu thổ.
Điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất ở người đàn ông lực lưỡng, từng trải và nhẫn nại này - ấy là sự khát khao mãnh liệt được trẻ mãi với thời gian (khi luôn khoác trên mình một tấm áo xanh duy nhất - áo xanh của cỏ). Và thực tế điều đó đã trở thành sự thực khi mà cả bốn mùa cỏ đều không phai nhạt sắc xanh. Không gì có thể ngăn được sức sống bền bỉ, dẻo dai của cỏ, nhất là sau những trận mưa đêm. Chúng cứ vươn lên, sinh sôi, bám víu, lan tràn phủ kín thân đê; bốn mùa ngân nga bài ca về sự trẻ trung và tươi mới…
Khát khao ấy của con đê làng cũng là chính đáng khi mà ngày đêm luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng ưỡn tấm ngực vạm vỡ ra để che chở bình yên cho xóm làng trong mùa mưa lũ (thế nên mới cần một sự dẻo dai bền bỉ, một sự trẻ trung sung mãn như cỏ) - khi mà đời đời kiếp kiếp, Thuỷ Tinh không bao giờ nguôi ngoai hận thù… Nước cứ dâng, cuồn cuộn những con sóng sục sôi, liếm ngoạm vào những thân đê một cách ngọt ngào mà đau buốt…
Nhà tôi nằm ngay sát dưới chân đê và có một quán nước nho nhỏ ở phía trên đê, làm nơi dừng chân cho những người dân làm đồng, hay những khách qua đường (khi đôi bàn chân mỏi) muốn dừng lại thưởng thức một ngụm nước vối, hay một bát nước chè xanh dân dã mà thắm đượm tình quê.
Năm tháng qua đi… con đê làng luôn thao thức chẳng quản mưa nắng ngày đêm; thức cùng những chuyện vui buồn của xóm làng sau mỗi lũy tre xanh. Những lối đi đất mòn nhẵn thín, những vạt cỏ bâng khuâng vương thương bước chân lặng lẽ của bao kiếp người, bao thế hệ chồng chéo lên nhau… Có bước chân ra đi ngập ngừng lưu luyến, lại có những bước chân trở về xúc động bồi hồi đến khôn tả…
Từ trong lặng lẽ, con đê làng bỗng thàng một chứng nhân, lắng sâu trong mình những tầng tầng ký ức; để mỗi người dân quê khi bình thản trở về với đất lại được gặp lại mình qua những năm tháng buồn vui…
Tuổi thơ tôi gắn bó với con đê làng bình yên.
Có những chiều buồn dậy lên trong lòng những bâng khuâng, nhớ nhung khôn xiết, tôi lại đạp xe ra ngoại thành mà đứng lặng dõi nhìn về nơi ấy xa xa… Một dải cong mờ thân thương uốn lượn trong sương chiều bảng lảng. Và tôi biết, dẫu mình có đi xa đến đâu đi chăng nữa thì cả đời cũng không đi hết được con đê làng bình yên mà ngàn năm vẫn luôn thao thức…
Lương Đình Khoa