Thứ tư, ngày 08/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
70 năm cả nước tri ân Thương binh - Liệt sỹ:
Những người đã chết vì họ và vì các anh! (18/07/2017-7:41)
    Trong cuộc kháng chiến hào hùng, oanh liệt, cả nước có khoảng 1.150.000 liệt sỹ. Trong số này có gần 400 liệt sỹ là nhà báo, mà mỗi tác phẩm báo chí hay thi ca của họ đều mang hơi thở của thời đại, của khát vọng độc lâp tự do, vì hòa bình, vì hạnh phúc của muôn dân cùng những lứa đôi… Đó chính là những tác phẩm được viết bằng máu.
Đại lễ cầu siêu các anh hùng – liệt sỹ phía Bắc ngày 1/7/2017 tại Nghĩa trang Liệt
sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).

Nhà báo, nhà văn, chiến sĩ cộng sản CH Séc Julius Fucik trong sách “Viết dưới giá treo cổ”, coi các liệt sỹ là “Những người đã chết vì họ và vì các anh”! Ông lý giải, ngày mai tươi sáng sắp tới rồi. Lúc đó, nhân dân sẽ nhắc lại về giai đoạn lịch sử oanh liệt mà họ đã tự nguyện dâng hiến cuộc đời.

Cuộc chiến tranh vệ quốc của nước Việt Nam mới lùi xa đã hơn 40 năm, nhưng đến nay vẫn còn một số nhà báo liệt sỹ ngã mình ngoài mặt trận vẫn chưa tìm được phần mộ. Biết bao người mẹ, người vợ cùng những đứa con thân yêu vẫn mỏi mắt, thẫn thờ chờ đợi một nắm xương, một vật lưu kỷ, thậm chí là nắm đất đen nơi họ nằm xuống và yên nghỉ nơi thế giới người hiền vẫn chưa tìm được.

Hội Nhà báo Việt Nam đã trang trọng tôn vinh các nhà báo liệt sỹ, truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, trao sổ tiết kiệm cho người thân… Các cơ quan báo chí có nhà báo liệt sỹ như Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân, báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Ấp Bắc, báo Đồng Khởi, các cơ quan Thông tấn xã Giải phóng (cũ)… đã và đang có nhiều hoạt động tri ân các nhà báo liệt sỹ.

Diệu kỳ thay các nhà báo liệt sỹ, dù họ hy sinh trong bất luận trường hợp nào, mỗi người đều để lại không mờ phai một phần trong lịch sử oanh liệt của dân tộc. Mỗi nhà báo liệt sỹ như một nốt nhạc vút cao, bay bổng trong bản tráng ca bất tử của cuộc trường chinh thần thánh và máu lửa.

Trong số nhà báo liệt sỹ, đến nay đã biết có 4 liệt sỹ là hai anh em ruột. Bùi Văn Thưởng, Bùi Văn Tấn đều công tác tại Phân xã Thông tấn xã Mỹ Tho (Tiền Giang) là con trai của má Tám- má Đoàn Thị Nghiệp, Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó, anh hùng quân đội, Mẹ Việt Nam anh hùng. Liệt sỹ Thưởng tham gia cách mạng lúc mới 15 tuổi và hy sinh ở tuổi 22 với bút danh Võ Phát Thưởng. Tác phẩm báo chí cuối cùng của liệt sỹ họ Bùi mang tên “Trận Ấp Bắc lịch sử” được viết từ giọt máu hồng của mình khi anh cùng các chiến sỹ Tiểu đoàn 261 anh hùng ra trận trong vai trò phóng viên mặt trận.

Chỉ 2 năm sau người anh cả hy sinh, người em ruột Bùi Văn Tấn cũng vội về thế giới vĩnh hằng khi vừa tròn tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, ấy là mùa Xuân năm 1969. Gia đình trung tá Bùi Văn Thô với 4 người thân thì 3 người đã dâng hiến giọt máu của mình cho độc lập của Tổ quốc. Đó là thím Tám (Đoàn Thị Nghiệp) vợ ông cùng hai đứa con yêu quý của mình, hai nhà báo trẻ.

Liệt sỹ, nhà báo Trần Kim Xuyến.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng khuyên: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Thu này, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, có ai đó về xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ của Quảng Ngãi kiên trinh, xin hãy ghé thăm gia đình có 2 anh em ruột làm nghề báo đều là liệt sỹ. Anh ruột Nguyễn Ngọc Tứ, chào đời năm 1937 (Đinh Sửu). Cầm tinh con trâu vàng nên đi cày rất sớm, ở tuổi 23 đã làm báo tại Tạp chí Học Tập (Tạp chí Cộng sản) sau về báo Nhân Dân. Năm 1965, Nguyễn Ngọc Tứ được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhưng anh lại xung phong đi chiến trường miền Nam, để lại hậu phương lớn miền Bắc con trai đầu lòng mới vào học lớp 1 cùng người vợ trẻ, cô giáo Thanh Nhàn đang mang thai đứa con thứ 2 được vài tháng.

Xuôi Nam, Tứ về ngay báo Giải phóng Quảng Ngãi quê mình với bút danh Nguyễn Lê Thanh. Nơi đó, Nguyễn Ngọc Tứ, đảng viên trẻ vừa say mê làm báo vừa cầm súng chiến đấu. Cuộc đời cầm bút, sự nghiệp “viết lách”của Nguyễn Ngọc Tứ như đang mùa hoa nở, đùng một cái ngày 6/8/1967 anh đã hy sinh trong trận đánh ác liệt ở huyện Tư Nghĩa khi vừa tròn tuổi tam thập như lập (30).

Em gái ruột của Tứ, chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, bút danh Liên Giang hồ hởi vào Nam dùng ngòi bút của mình như là súng, là đạn để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Thế rồi, nữ nhà báo chưa qua mùi yêu thương cũng theo anh trai ra đi, chỉ khác thời gian, ấy là mùa Xuân Mậu Thân năm 1968 trên đường chị công tác lên chiến khu Quảng Ngãi.

Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Để xứng đáng “Tờ báo là ngọn cờ cách mạng, nhà báo là chiến sĩ”, báo chí ở tiền tuyến miền Nam thời ấy, còn có những nhà báo- chiến sĩ kiên gan như Trần Ngọc Đăng trước khi ngã xuống đã kịp bắn cháy 2 xe bọc thép của kẻ địch. Nhà báo Trương Công Nghĩa bị thương nặng bởi đạn pháo kẻ thù, đã bình tĩnh, cắn răng tự tay mình nhét ruột vào bụng rồi nhờ đồng nghiệp đỡ mình đứng dậy giây lát trước khi trái tim ngừng đập để hô to Hồ Chủ tịch muôn năm. Cả hai nhà báo- liệt sỹ vừa dẫn đều nằm lại trên đất Bình Thuận, cực nam Trung bộ.

Nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ), Trưởng ban Tuyên huấn khu Sài Gòn- Gia định, Phó chủ tịch Tổ chức báo chí Quốc tế (0IJ) hy sinh ngày 11/1/1966 trong trận đánh ở đất thép Củ Chi. Nữ liệt sỹ Lê Đoan, Tổng biên tập báo Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ; nhà báo, nhà thơ Lê Anh Xuân; nhà báo, nhà văn Nguyễn Thi; nhà báo, nhà văn Dương Tử Giang (Nguyễn Tấn Sỹ), nhà báo Nguyễn Mỹ… đều ngã xuống tại chiến trường máu lửa miền Nam, để lại những tác phẩm báo chí và văn học cách mạng bất hủ.

Thời nếm mật nằm gai của ba nghìn ngày kháng chiến trường kỳ, các nhà báo, nhà văn trẻ với những Thôi Hữu, Ngô Tất Tố, Trần Mai Ninh, Nam Cao, Hoàng Lộc, Trần Đăng, Nguyễn Văn Nguyễn… đã sớm ngã mình nơi trận tuyến. Nam Cao, tác giả Sống mòn đang công tác tại Ty Văn hóa Hà Nam được gọi lên Việt Bắc đảm nhận vai trò Thư ký tòa soạn của tờ Cứu Quốc Việt Bắc với đóng góp đầy hiệu quả cho nền báo chí cách mạng thời gươm khua, đạn nổ.

Má Tám (Đoàn Thị Nghiệp)- mẹ của 2 liệt sỹ Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn.

Mùa Xuân năm 1953, Nam Cao trở lại Ninh Bình làm phóng sự rồi anh hy sinh trên sông Hoàng Long êm đềm của tỉnh Ninh Bình trong một trận phục kích của kẻ thù. Nhà thơ Hoàng Lộc, anh vệ quốc đoàn- nhà báo anh dũng hy sinh tại mặt trận đường số 4 rực lửa khi vừa hoàn thành bài thơ nổi tiếng “Viếng bạn” ắp đầy tình nghĩa đồng đội- những nhà báo chiến sĩ từ Cứu quốc quân đến vệ quốc quân: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ/ Đứa nào bắn anh đó/ Súng nào nhắm trúng anh/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/Gọi tên nó ra anh!… Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn/ Của đồng bào Cửa Ngàn/ Tặng tôi ngày phân tán/ Mai mốt bên cửa rừng/Anh có nghe súng nổ/Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung”.

Nhà báo Trần Kim Xuyến, người Hà Tĩnh, Phó giám đốc Nha Thông tin, là nhà báo liệt sỹ đầu tiên của làng báo Việt hy sinh ngày 3/3/1947 khi vừa mới 26 tuổi. Tên ông được đặt cho một đường phố Hà Nội tại quận Thanh Xuân. Đó là chưa kể ở quê ông, xã Sơn Mỹ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) mấy năm trước dân làng dựng nhà lưu niệm nhà báo họ Trần, để bây giờ nơi đó khói hương nghi ngút lan tỏa.

Bác Hồ vốn trọng người tài, nên thời 9 năm có 2 người, một chết, một sống được tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất có vinh dự được Bác dặn thư ký ghi vào bằng: Tặng Liệt sỹ Trần Kim Xuyến- cán bộ tuyên truyền có tài (23/4/1949)); còn lời ghi đối với nhạc sĩ: Tặng Văn Cao nhạc sĩ có tài- tác giả Quốc ca Việt Nam. Chưa hết, các nhà báo Vũ Tùng, Nam Quốc Cang, Dương Tử Giang ở Nam Bộ cũng được đặt tên đường. Còn Bùi Nguyên Khiết, phóng viên báo Hoàng Liên Sơn hy sinh anh dũng trong ngày đầu cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979.
Tri ân các Liệt sỹ ở phía Bắc, ngày 1/7/2017 vừa qua, lần đầu tiên một lễ cầu siêu các anh hùng- liệt sỹ long trọng được tổ chức tại Nghĩa trang huyện Vị Xuyên (Hà Giang), nơi diễn ra cuộc chiến đấu không khuất phục, không khoan nhượng với kẻ thù đến từ phương Bắc vào đầu năm 1979 không thể nào quên.

Cố Chủ tịch Fidel của đất nước “Hiên ngang Cu Ba”, trong bức điện lịch sử đề ngày 3/9/1969 chia buồn với Đảng, Nhà nước ta về việc Bác Hồ qua đời có câu nói để đời “Cái chết là mầm của sự sống”. Các nhà báo- liệt sỹ của nước Việt ngàn vạn lần dấu yêu chính là những Bông hoa Bất tử, những mầm non của sự sống để hôm nay đội ngũ trên 18.000 nhà báo tiếp tục cuộc hành trình xây dựng, bảo vệ giang sơn gấm vóc nước Việt mà các nhà báo liệt sỹ đã để lại. Họ đã sống và chiến đấu như thế! Vinh quang này ngời sáng bất tử.

Theo Nguyễn Xuân Lương/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Không để lửa bùng lên mới dập! (07/07/2017-7:48)
  • Vai trò của Hội Nhà báo trong ngăn chặn, xử lý vi pham đạo đức báo chí (29/06/2017-10:12)
  • Ngày hội của báo giới xứ Thanh (21/06/2017-9:14)
  • Ấn tượng Tiếng hát Người làm báo trên quê hương Bác Hồ (20/06/2017-10:17)
  • Báo Thanh Hóa vô địch Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 - năm 2017 (18/06/2017-7:48)
  • Khai mạc Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 (14/06/2017-8:37)
  • Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 6/2017 (31/05/2017-14:07)
  • Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số (06/05/2017-7:07)
  • Nhiều bức xúc được đề cập, công tác kiểm tra được nhấn mạnh (23/04/2017-14:31)
  • Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá X (22/04/2017-14:09)