Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam (17/08/2017-20:57)
    Sáng 16/8/2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Các vị đại biểu tham dự buổi Lễ.

Đến dự buổi lễ có đồng chí Thuận Hữu- Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phùng Xuân Nhạ- Ủy viên TƯ Đảng- Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà báo lão thành đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà hôm nay cũng có mặt với những tình cảm, tâm huyết dành cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam như: NB Phan Quang, nhà báo Hà Đăng, NB Đỗ Phượng, NB Lý Thị Trung;NB Lê Quốc Trung, NB- NSƯT Phạm Việt Tùng… ; sự có mặt của các nhà báo, đại diện gia đình nhà báo, cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo địa phương; đại biểu một số đơn vị bảo tàng, thư viện tại Hà Nội và các tỉnh thành, cùng đông đảo các phóng viên đến dự và đưa tin về buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: “Cách đây 152 năm, vào giữa tháng Tư năm 1865, Gia Định báo- tờ báo giấy đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ đã ra mắt công chúng. 60 năm sau, vào ngày 21.6.1925, Báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên và khai sinh nền báo chí cách mạng. Ngày từ những năm đầu xuất hiện, báo chí Việt Nam đã sớm có một vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân khắp ba miền Bắc- Trung- Nam, cũng như đã tỏ rõ vao trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc. Báo chí Việt Nam, đặc biệt báo chí cách mạng, đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén đấu tranh chống sự nô dịch của đế quốc, thực dân, góp phần trực tiếp và to lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc; làm tốt vai trò người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể và phản biện xã hội, thúc đẩy dân chủ, tiến bộ xã hội…”.

Đồng chí Thuận Hữu – Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận
quyết định từ đồng chí Phùng Xuân Nhạ – Ủy viên TƯ Đảng- Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Và đó còn là những nhà báo  đã để lại tuổi thanh xuân của mình nơi tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến giữa nước của dân tộc; gần 600 nhà báo liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mồ hôi và máu của họ vẫn đỏ thắm trên từng trang báo, từng thước phim tư liệu để lại…

Đó là những tấm gương những người làm báo xuất sắc, đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước hôm nay.

Đề cập đến những thách thức và quyết tâm của những người làm báo trước nhiệm vụ xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng: Di sản báo chí Việt Nam với 152 năm ra đời và phát triển cần được lưu giữ một cách có hệ thống, khoa học; cần được nghiên cứu và khai thác, phát huy một cách tích cực, hiệu quả. Đây là nguyện vọng, là mong mỏi, là tâm huyết và quyết tâm nhiều năm nay của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như của các nhà báo, các cộng tác viên và đông đảo công chúng báo chí trên cả nước.

Đồng chí Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà
báo Việt Nam trao giấy chứng nhận hiến tặng hiện vật cho các đại biểu.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định. Và đó là một quá trình lâu dài, rất công phu. Tính từ ngày 21/8/2014, khi Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt đến ngày 28/7/2017, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đã gần trọn 3 năm triển khai thực hiện Đề án và thúc đẩy tiến trình thành lập Bảo tàng. Và ngày hôm nay, ý tưởng về một Bảo tàng Báo chí Việt Nam được nung nấu và chuẩn bị sau nhiều nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, đã trở thành hiện thực.”- Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi khẳng định.

Do đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN gửi gắm mong muốn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam khi ra đời phải có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp và giới thiệu trong các nội dung trưng bày của mình những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho một nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải chuyển tải được một cách sinh động, hấp dẫn hiệu quả những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhớ các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà.

Các vị đại biểu tham quan các gian trưng bày tại sự kiện.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ tham gia vào đời sống báo chí trong nước, mà còn phải nắm bắt, theo kịp đời sống báo chí các nước; từ đó tạo lập được một diện mạo riêng trên bản đồ bảo tàng Việt Nam và quốc tế.

Trước mắt, ngay sau khi thành lập cần tập trung thúc đẩy hơn nữa tiến độ và kết quả thực hiện các dự án thành phần của Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được phê duyệt; vừa tích cực đẩy mạnh hoạt động sưu tầm hiện vật tài liệu, vừa chủ động triển khai công tác tổ chức thiết kế trưng bày, công tác tuyển dụng cán bộ và kiện toàn bộ máy tổ chức…, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động. Nỗ lực đầu tư nghiên cứu, hoạch định lộ trình phát triển phù hợp, có định hướng rõ ràng, thiết thực và khoa học, sáng tạo và hiệu quả trong lĩnh vực báo chí cũng như trong công tác bảo tàng là nhiệm vụ lâu dài, cần xác định sớm ngay từ bây giờ.

Vì thế chúng ta có quyền tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện mọi mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành… cùng các đồng nghiệp xa gần và các công chúng báo chí trong và ngoài nước.

Vui mừng trước việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tại buổi lễ, đã có mộ số nhà báo, thân nhân gia đình nhà báo và công chúng báo chí mang đến nhiều hiện vật, tư liệu quý hiến tặng cho Bảo tàng. Sau thành công của của 6 lễ phát động hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam được tổ chức tại 3 miền Bắc- Trung- Nam trong 3 năm qua, đây là hoạt động hiến tặng đầu tiên diễn ra ngay tại thời điểm Bảo tàng Báo chí Việt Nam được công bố thành lập.

Nhiều hiện vật quý giá được trưng bày tại sự kiện.

Điều đáng ghi nhận là ngoài các hiện vật giấy và chữ viết, các số báo và tập lưu báo gốc quý xuất bản từ 1945 đến trước 1975 như hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố NB, TBT Lục Văn Thao để lại; hoặc các tập lưu báo xuất bản trước và trong thời kỳ đổi mới, còn có một số hiện vật thể khối có giá trị lịch sử… như chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty CP in Việt Lập (đơn vị xuất bản báo Việt Nam Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập) sử dụng từ năm 1966 từ Cao Bằng mang xuống tặng với sự hỗ trợ chuyên chở, bảo dưỡng của Nhà in Tạp chí Cộng sản.

Tiền thân của Công ty CP in Việt Lập là một cơ sở in của Đảng có nhiệm vụ in tài liệu, truyền đơn và báo Việt Nam Độc lập tại chiến khu Cao Bắc Lạng. “Việt Lập” gắn tên tuổi tờ báo Việt Nam Độc lập (số đầu tiên ra ngày 1/8/1941) do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Pắc Bó – Cao Bằng 76 năm trước.

Cũng trong khuôn khổ lễ Công bố, BTC đã trưng bày và giới thiệu với các đại biểu và khách mời 152 tập lưu báo, tạp chí bản gốc- kỷ niệm 152 năm ra đời và phát triển của báo chí Quốc ngữ (1865- 2017) và 2 tập lưu báo cắt dán Gia Định báo và Hoàng Sa – Trường Sa (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do nhà báo, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương (TP. HCM hiến tặng).

Với những điểm nhấn này, có thể thấy, trưng bày 152 tập lưu báo và tạp chí trên là một sự cố gắng rất lớn của những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Dù còn khiêm tốn nhưng đã góp phần làm phong phú hơn chương trình buổi lễ, bước đầu đã gợi mở một hướng đi thông qua việc tập hợp, tôn vinh những ấn phẩm báo chí mà các thế hệ nhà báo Việt Nam đã mang đến cho công chúng, bạn đọc.

Theo Ngọc Lành – Nguyễn Mạnh/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Đưa vào sử dụng thiết bị theo dõi các báo điện tử gỡ bài, sửa bài (16/08/2017-7:52)
  • Khởi tố nhà báo Phạm Lê Hoàng Uyển (16/08/2017-7:50)
  • Nhân lực báo chí có tốt, sản phẩm báo chí mới có chất lượng (12/08/2017-19:12)
  • Quán triệt, triển khai Nghị quyết TW 5 (khóa XII) đến cán bộ, hội viên nhà báo, văn nghệ sỹ và nhà khoa học (11/08/2017-16:13)
  • Phát động Liên hoan phim toàn quốc về an toàn giao thông 2017 (11/08/2017-7:10)
  • Hội thảo “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” (11/08/2017-7:07)
  • Bắt phóng viên tống tiền doanh nghiệp 280 triệu đồng (08/08/2017-8:02)
  • Bắt quả tang phóng viên có hành vi cưỡng đoạt tài sản (08/08/2017-8:01)
  • Ngành càng nhạy cảm, nhà báo càng phải có đạo đức (04/08/2017-18:07)
  • Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo (02/08/2017-7:56)