Thứ ba, ngày 19/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài: Phát triển đảng viên và chi bộ ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa (28/08/2017-8:09)
    Tác phẩm Đoạt Giải B Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

Bài 1: Cán bộ về bản

Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh vận động nhân dân bản Khằm I thực hiện đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Minh

Sau nhiều năm nỗ lực, người dân bản Khằm I, xã Trung Lý, huyện Mường Lát từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Cũng như nhiều bản người dân tộc Mông ở huyện Mường Lát, thành quả của bản Khằm I hôm nay có sự đóng góp của những cán bộ tăng cường “ba bám, bốn cùng” giúp nhân dân.

Gieo “hạt giống đỏ” nơi Cổng Trời

Không biết tự bao giờ, cái tên Cổng Trời được người dân xứ Thanh gọi mỗi khi lên đến xã Trung Lý! Có lẽ, đây là điểm cao nhất và cũng là cửa ngõ lên huyện vùng cao biên giới Mường Lát, nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện Kết luận số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”, đầu năm 2010, Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh sinh ra và lớn lên ở vùng biển huyện Hoằng Hóa, được cấp trên điều động lên Đồn Biên phòng Trung Lý, huyện Mường Lát nhận công tác và  được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn 3 bản: Khằm I, Khằm II, Khằm III, nơi đây tồn tại  3 cái nhất: Đói nghèo, lạc hậu nhất; số người nghiện ma túy nhiều nhất và số đối tượng phạm tội ma túy cũng nhiều nhất. Lăn lộn trăn trở gây dựng phong trào tại cơ sở, Thiếu tá Cảnh xác định nguyên nhân chính làm 3 bản Khằm lạc hậu, nghèo đói, phức tạp nhất, đó là thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, thiếu những người thủ lĩnh tinh thần dẫn đường chỉ lối, cầm tay chỉ việc cho đồng bào. Thiếu tá Cảnh tham mưu cho đảng ủy xã thành lập chi bộ đảng lâm thời của 3 bản Khằm. Được Đảng ủy xã Trung Lý và anh Phạm Văn Tôn, cũng là cán bộ biên phòng được tăng cường  giữ chức phó bí thư đảng ủy xã nhất trí, ủng hộ, anh Cảnh triển khai ngay những thủ tục cần thiết để thành lập chi bộ đảng lâm thời với 3 đảng viên, gồm: 1 đồng chí cán bộ xã làm bí thư chi bộ, Thiếu tá Cảnh làm phó bí thư chi bộ và đảng viên Giàng Seo Vảng, ở bản Khằm 3 (đảng viên duy nhất người dân tộc Mông lúc bấy giờ ở xã Trung Lý). 

Có chi bộ đảng, nhưng làm sao để tạo dựng niềm tin và phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng ở đây thì quả là không đơn giản chút nào. Thiếu tá Cảnh  đã quyết định lựa chọn phương án tập trung xây dựng yếu tố con người. Và quần chúng đầu tiên mà anh để tâm dìu dắt  là Sùng A Pó,  người thanh niên dân tộc Mông đã được Đảng ủy xã Trung Lý phát hiện, theo dõi, bồi dưỡng đưa vào nguồn phát triển Đảng. Hơn 3 tháng sau, cùng với sự giúp sức của chi bộ và đồng chí Phạm Văn Tôn, công tác bồi dưỡng, thẩm tra lý lịch, hướng dẫn làm hồ sơ cho quần chúng Sùng A Pó đã được Thiếu tá Cảnh hoàn tất. Lễ kết nạp Đảng cho Sùng A Pó được tổ chức  đúng vào Ngày Quốc khánh 2-9-2010. 

Lời nói và hành động từ trái ti

Cùng với Sùng A Pó, Thiếu tá Cảnh phát hiện Giàng Seo Lềnh  ở bản Khằm 3 là thanh niên người Mông có ý thức học hỏi, cầu tiến bộ.  Anh có ý định đưa  Lềnh vào nguồn phát triển Đảng, nhưng khác với gia đình A Pó, một số người trong gia đình, dòng họ của Seo Lềnh không đồng tình, thậm chí có những hành động phản đối, ngăn cản không cho Lềnh vào Đảng. Vì trong suy nghĩ của họ, đảng là một cái gì đó rất xa xôi, trừu tượng, chưa hiểu hết, nên họ không muốn con em mình, đồng bào mình đứng vào hàng ngũ của Đảng.  

Trước khó khăn ấy, bằng kinh nghiệm của người lính hơn 20 năm làm công tác vận động quần chúng, Thiếu tá Cảnh đã vận dụng ngay quan điểm “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; anh xác định, muốn tạo dựng niềm tin của đồng bào đối với Đảng, thì trước hết người đảng viên phải gương mẫu, lời nói phải đi đôi với việc làm. 

Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, cây lúa nước và cây ngô lai là 2 loại cây trồng lương thực được bà con canh tác 2 vụ ở vùng cao xứ Thanh. Tuy nhiên, đồng bào Mông ở Cổng Trời chỉ mới trồng 1 vụ rồi để đất trống, vì họ cho rằng không thể trồng ngô, lúa trái mùa. Với quyết tâm phải làm cho dân thấy, dân mới tin, Thiếu tá Cảnh đã một mình khai hoang đất để canh tác, gieo trồng lúa vụ chiêm xuân. Tuy nhiên, thời điểm anh gieo cấy vào giáp Tết, đúng lúc rét đậm, rét hại khiến toàn bộ mạ bị  chết. Lúc đó anh nghĩ: Có lẽ đồng bào đúng khi không gieo trồng lúa chiêm xuân? Trằn trọc, suy nghĩ, rồi anh tự nhủ không thể để đồng bào mất niềm tin. Mồng 5 Tết, anh đi xe máy lên thị trấn đến phòng nông nghiệp huyện, nhờ cán bộ nông nghiệp tư vấn kỹ thuật để gieo trồng lúa vụ chiêm xuân muộn và phương pháp chống rét cho lúa. Thế rồi, đất đã không phụ công người, những cây lúa của Thiếu tá Cảnh trồng ngày một xanh tốt và cho thu hoạch. Thấy cây lúa của Thiếu tá Cảnh trồng được trái vụ, cách nghĩ của đồng bào đã dần được thay đổi. Những vụ tiếp theo, anh Cảnh cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý  đã vận động, tuyên truyền  bà con 3 bản Khằm khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa 2 vụ. Đến nay đã có  25 ha lúa nước,  trồng 2 vụ, cho năng suất từ 280 đến 300 kg/sào. Tình trạng “no ba tháng, đói chín tháng” của người dân 3 bản Khằm đã cơ bản được giải quyết.

Bên cạnh hướng dẫn nhân dân sản xuất, trước vấn nạn ma túy đang hoành hành ở 3 bản Khằm, Thiếu tá Cảnh đã tham mưu cho đảng ủy xã và Chỉ huy Đồn biên phòng Trung Lý tổ chức tuyên truyền cho đồng bào về tác hại của việc sử dụng ma túy, đồng thời trực tiếp giúp đỡ Vàng A Cả ở bản Khằm I, đối tượng nghiện ma túy  hơn 10 năm, từ bỏ, đoạn tuyệt với ma túy. 

Từ những việc làm thiết thực, kết hợp với kỹ năng dân vận gần gũi, chân tình của Thiếu tá Cảnh, đồng bào dân tộc Mông nơi Cổng Trời đã nhận ra rằng: Thì ra, Đảng không khó hiểu, trừu tượng như họ từng nghĩ, mà thật dễ hiểu. Đảng là một tổ chức cụ thể, con người cụ thể đưa ra chủ trương, chính sách, cách làm để trực tiếp chăm lo cuộc sống và phục vụ lợi ích chính đáng cho dân bản, như cán bộ Cảnh và chi bộ đảng đang làm. 

Niềm tin được củng cố, tình cảm thêm thắt chặt, từ chỗ phản đối, những người trong gia đình Seo Lềnh đã đến gửi gắm, để cán bộ Cảnh dìu dắt Seo Lềnh  sớm được kết nạp vào Đảng, góp sức chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân bản.

Mạch nguồn lan tỏa 

Từ những việc làm cụ thể, với việc đi sâu, đi sát tìm hiểu phát hiện những thanh niên người dân tộc Mông kết nạp vào Đảng,  sau  gần 6 năm kể từ ngày Thiếu tá Cảnh đặt chân lên Cổng Trời Trung Lý, đến nay 3 bản Khằm đã có 3 chi  bộ Khằm I, Khằm II, Khằm III với tổng số 21 đảng viên luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo, có uy tín trước nhân dân. Không chỉ riêng Giàng Seo Lềnh, hiện là đảng ủy viên, đại biểu HĐND, bí thư đoàn xã; Sùng A Pó, bí thư chi bộ bản Khằm I, phó chủ tịch hội nông dân xã là  2 cán bộ trẻ tuổi nhất của xã Trung Lý, mà những thế hệ đảng viên trẻ khác như Vàng A Chứ, người được chính Giàng Seo Lềnh phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, hiện được giao trọng trách là bí thư chi bộ bản Khằm II thay cho Giàng Seo Lềnh, với nhận thức và sự nỗ lực cố gắng, những đảng viên  người dân tộc Mông đang góp sức mình cùng đảng ủy, HĐND, UBND xã cùng các đoàn thể lãnh đạo nhân dân Trung Lý xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia

6  năm qua,  thực hiện Kết luận số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa  về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”, Đảng ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động 27 cán bộ, sĩ quan về tăng cường cơ sở, trong đó có 17 đồng chí cán bộ tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy, 10 đồng chí làm nhiệm vụ phát triển Đảng, mỗi người bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp để làm tốt nhiệm vụ công tác phát triển Đảng tại các xã Mường Lý, Trung Lý, Tam Chung... Đến nay, toàn bộ 90 thôn, bản ở huyện Mường Lát đều đã có đảng viên, không còn thôn bản “trắng” đảng viên. Qua 6 năm, cấp ủy, bộ đội biên phòng và cấp ủy đảng địa phương đã tạo nguồn tổ chức kết nạp được 201 đảng viên là người dân tộc Mông thuộc 26 bản trắng đảng viên và chi bộ đảng, trong đó: Trung Lý đã kết nạp được 94 đảng viên, Mường Lý 69 đảng viên, Tam Chung 38 đảng viên, 100% các bản người Mông đều có chi bộ đảng.  

Những “hạt giống đỏ” được “gieo mầm” phát triển ngày càng lớn mạnh ở khu vực vùng cao, biên giới là kết quả sự cố gắng rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền và những người cán bộ mang quân hàm xanh đang ngày đêm âm thầm bám bản để tạo nguồn đảng viên, giữ vững hệ thống chính trị, an ninh biên giới quốc gia.  

Đồng chí  Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Sau khi nhận nhiệm vụ tại cơ sở, các đồng chí cán bộ tăng cường đã tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ về công tác Đảng, sớm tiếp cận và hòa nhập với môi trường công tác mới, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tận tâm, tận lực trong công tác, được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa bàn biên giới tín nhiệm. Điều dễ nhận thấy là ở các xã có cán bộ tăng cường, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai hiệu quả; vai trò lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao, đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Các tổ chức đảng sinh hoạt đúng định kỳ, ra nghị quyết sát với tình hình thực tế địa phương và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng được chú trọng. Mặt khác, cán bộ biên phòng tăng cường đã tích cực tham mưu, chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Tham gia xây dựng nghị quyết, kế hoạch, mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên biên giới như: Mô hình cây lúa nước, cây ngô lai chuyển từ 1 vụ sang 2 vụ đạt năng suất cao ở  xã  Tén Tằn; mô hình chăn nuôi lợn tại xã Tam Chung; mô hình trồng cây xoan tại bản Na Khà, xã Tén Tằn... góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện dân sinh gắn với củng cố quốc phòng, an ninh biên giới quốc gia.

                            


 

 

Bài 2: Cầu nối Đảng với dân

 

Cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát hướng dẫn phụ nữ bản
Sáng, xã Quang Chiểu chăm sóc lúa. Ảnh: Nguyễn Minh
 
Trước đây, ở nhiều bản vùng cao biên giới tồn tại nhiều tệ nạn xã hội, hủ tục, bất ổn về an ninh trật tự, tỷ lệ trẻ em đến trường thấp, số người mù chữ còn cao... Nhưng từ khi có chi bộ Đảng, vai trò của đảng viên được phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều thay đổi tích cực, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên.
Đảng viên người Mông gương mẫu đi đầu 
 
Từ năm 2000 trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước qua  các chương trình, dự án như: Chương trình 134, 135, WB, 30a... và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự vươn lên của bà con, diện mạo vùng cao biên giới có nhiều khởi sắc. 
 
Chi bộ Cá Nọi luôn tự hào là chi bộ có đông đảng viên người Mông và hoạt động hiệu quả nhất của xã Pù Nhi nói riêng,  huyện Mường Lát nói chung. Với 27 đảng viên, gần 10 năm, từ khi chi bộ đảng đi vào hoạt động, các đảng viên đã đi đầu trong phong trào xây dựng bản làng văn hóa, phát triển kinh tế. Bí thư chi bộ Cá Nọi Hơ Chứ Xá, cho biết: Để dân tin và làm theo,  thì mình phải luôn gương mẫu, đi đầu, nói đi đôi với làm. Muốn đạt được kết quả cao phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân. 
 
Từ suy nghĩ ấy, trong những năm qua, trên cương vị là bí thư chi bộ, Hơ Chứ Xá đã luôn gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ Hơ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; bài trừ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa,  giữ gìn vệ sinh môi trường. Trước đây, người Mông trong bản có tập tục không đưa người chết vào quan tài, để nhiều ngày trong nhà, trước khi đi chôn gia đình tang chủ phải giết trâu, bò để người chết mang về thế giới bên kia. Để bà con đồng thuận thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tang, bí thư chi bộ Hơ Chứ Xá đã thuyết phục các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong bản  cùng đến từng gia đình, tuyên truyền, vận động, phân tích rõ những cái hại của tập tục không đưa người chết vào quan tài gây ô nhiễm môi trường và việc tổ chức tang ma kéo dài gây tốn kém về tiền bạc... Giờ đây ở bản Cá Nọi, khi có người thân qua đời, bà con người Mông đã thực hiện đưa thi thể vào quan tài trước khi chôn và không để nhiều ngày trong nhà như trước. Bà con cũng thống nhất việc tang lễ theo nếp sống văn hóa là một nội dung trong quy ước của bản để các hộ ký cam kết thực hiện. Với kết quả trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, bản Cá Nọi nhiều năm được công nhận là bản văn hóa, bản không có tội phạm và tệ nạn xã hội. 
 
Với đảng viên trẻ  Hơ Văn Chính, năm nay mới 22 tuổi, 3 năm “vác tù và hàng tổng” là niềm tự hào của chàng trưởng bản Cá Tớp. Bản Cá Tớp, xã Pù Nhi có 72 hộ, 378 nhân khẩu đều là người Mông. Trước đây, bà con chỉ quen với việc trồng ngô, chưa biết canh tác lúa nước. Năm 2013, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về trồng cây lúa nước trên ruộng bậc thang, Hơ Văn Chính đã tích cực tuyên truyền cho bà con trong bản chuyển đổi một phần diện tích và khai hoang thêm để trồng lúa. Trưởng bản Chính là người đầu tiên của bản xuống đồng cấy lúa. Thấy Chính làm được, cả bản đã làm theo. Từ việc trồng lúa một vụ mỗi năm, khi được cán bộ nông nghiệp huyện và cán bộ biên phòng hướng dẫn trồng lúa 2 vụ, trưởng bản Chính đã cùng với các đảng viên trong chi bộ họp bàn xây dựng nghị quyết về việc phát triển trồng lúa 2 vụ, khi chi bộ thống nhất rồi phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đảng viên trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Với trách nhiệm là trưởng bản, Hơ Văn Chính đã tổ chức họp dân bản để vận động bà con khai hoang trồng lúa 2 vụ.  Được nhân dân đồng thuận, ngay từ vụ đầu cả bản làm được gần 26 ha. Được cán bộ biên phòng và cán bộ của bản tuyên truyền, vận động thường xuyên, từ chỗ người dân có tâm lý trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước thì đến nay bà con bản Cá Tớp đã nhận thức tốt hơn, biết chăn nuôi trâu, bò, trồng lúa nước, chăm sóc, bảo vệ rừng... tích cực xóa đói, giảm nghèo. Đời sống người dân từng bước được đổi thay, không còn tình trạng di cư tự do. Trong bản có 70% hộ sắm được xe máy, 80% gia đình có ti vi, 100% con em trong độ tuổi được đến trường. Có hộ đã mua sắm được máy cày, máy xay xát, diện mạo mới ở bản Cá Tớp có nhiều khởi sắc. 
 
Gây dựng phong trào từ cơ sử
 
Đến bản Khà, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn  hôm nay, ít ai biết được rằng, 12 năm trở về trước (2004), bản Khà có nguy cơ “bị xóa sổ”. Bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng kiên nhẫn của người lính Cụ Hồ, thượng úy Vũ Xuân Thu, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã vận động bà con dân bản Khà ở lại bản phát triển ổn định đời sống. Từ chỗ chỉ còn 6 hộ với gần 30 nhân khẩu, đến nay bản đã có gần 30 hộ với gần 200 nhân khẩu, đời sống từng bước phát triển. Cùng với việc ổn định tình hình, phát triển kinh tế, anh Thu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát hiện, bồi dưỡng kết nạp 6 đảng viên và thành lập chi bộ đảng. Các tổ chức đoàn thể như chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ... cũng từng bước được thành lập. 
 
Chúng tôi có dịp gặp Hà Văn Quý, Bí thư chi đoàn bản Khà, người được anh Thu bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, khi Quý đang cùng với đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân trong bản tổ chức làm vệ sinh môi trường. Qua trao đổi được biết: Trước đây, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được bà con dân bản quan tâm. Thói quen nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của bà con trong bản. Để thuyết phục người dân thay đổi tập tục, đảng viên trẻ Hà Văn Quý đã cùng với ban chấp hành và đoàn viên thanh niên trong bản xây dựng kế hoạch, phân công nhau đến từng hộ gia đình để tuyên truyền cho dân không chăn nuôi trâu bò dưới gầm nhà, nhằm đảm bảo môi trường sống.  Và Quý đã cùng gia đình gương mẫu làm trước. Dần dà ngày càng có nhiều gia đình trong bản dời gia súc khỏi gầm sàn, làm nơi nuôi nhốt riêng xa chỗ ở. Các đoàn viên thanh niên bản Khà đã tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh lúa 2 vụ với diện tích 10ha... và cùng với hội phụ nữ bản đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân.
 
Sau khi được cấp trên phân công tăng cường về làm Phó bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu, Thiếu tá Đỗ Quang Cảnh đã dành thời gian nắm tình hình, tìm hiểu phong tục tập quán địa phương. Nhận thấy mô hình trồng dưa hấu của chị em bản Sáng có thể nhân rộng ra các bản khác trong xã, anh đã cùng  với cấp ủy, chính quyền và hội phụ nữ xã tổ chức  cho chị em hội viên phụ nữ  bản Pọng, bản Pùng học hỏi kinh nghiệm để trồng dưa hấu trên đất 1 vụ lúa, với diện tích 6 ha. Lứa dưa hấu đầu tiên thu hoạch thành công cho thu nhập gấp 3 lần trồng lúa. Việc du nhập, chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập đã tạo cho chị em niểm tin, phấn khởi. Câu chuyện từ cây dưa đã mở  ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ vùng cao.  
 
Trong công tác vận động quần chúng, bảo vệ đường biên, cột mốc anh Cảnh đã tranh thủ những người uy tín như cụ  Phan Văn Xiết, ở bản Suối Tút,  cụ  Lâu Văn Hự, ở bản Pù Đứa; Lương Văn Xôi, ở bản Cang... là những người có nhiều năm tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc để  tuyên truyền, vận động nhân dân  hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết quân dân và tình hữu nghị láng giềng giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Lào). 
 
Không còn bản trắng đảng viên
 
Nếu như năm 2008, toàn tỉnh có trên 40 thôn, bản không có đảng viên và chi bộ đảng, thì đến nay, 100% các thôn, bản đều có chi bộ, đã xóa được thôn, bản trắng đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép. Số đảng viên kết nạp mới ở các huyện miền núi luôn chiếm hơn 30% tổng số đảng viên kết nạp mới toàn tỉnh. Sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển Đảng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, toàn tỉnh hiện có 33 đảng bộ trực thuộc với 1.711 tổ chức cơ sở đảng (1.062 đảng bộ cơ sở, 649 chi bộ cơ sở, với 211.198 đảng viên). Bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp 7.000 đảng viên, trong đó  11 huyện miền núi kết nạp 2.000 đảng viên; riêng huyện Mường Lát hàng năm kết nạp hơn 200 đảng viên, trong đó có gần 30 đảng viên là người đồng bào dân tộc Mông. 
 
Đánh giá về công tác phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Qua 6 năm triển khai Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay công tác phát triển đảng viên và chi bộ tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đã đi vào nền nếp, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; nhiều cấp ủy, chi bộ đã khẳng định được vai trò là hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong bản. Việc tăng cường đội ngũ cán bộ về các xã biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho đảng ủy xã triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, công tác an ninh, quốc phòng; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho đồn biên phòng  tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới; tăng cường mối liên hệ mật thiết với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, nhất là công tác vận động quần chúng tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh thôn bản, phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc... góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng di dân tự do, hoạt động tôn giáo trái phép, vượt biên, buôn lậu, phòng chống cháy rừng... nhờ đó đời sống kinh tế của người dân dần được ổn định, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. 
 
Không chỉ riêng huyện Mường Lát, thực hiện Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện miền núi trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng và phát triển Đảng. Đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số đã thực sự trở thành cầu nối, góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo đồng bào, giúp bà con các dân tộc thêm tin yêu và một lòng đi theo Đảng.  

 

Các tin khác:
  • Loạt bài: Những tuyến sông không bình yên (28/08/2017-8:06)
  • Loạt bài: Phát triển du lịch làng nghề (28/08/2017-8:05)
  • Loạt bài: Sầm Sơn tai tiếng và nổi tiếng (28/08/2017-8:01)
  • Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn (23/08/2017-16:30)
  • Loạt bài: Nỗi lo sông Mã bị "bức tử" (23/08/2017-16:17)
  • Loạt bài: nghệ nhân dân gian - cả đời tâm huyết vì nghề (23/08/2017-9:19)
  • Loạt bài: Vì sự bình yên nơi phên dậu quốc gia (23/08/2017-8:19)
  • Trả lại thần hiệu đích thực cho một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (23/08/2017-8:15)
  • Lạnh người nhìn cô trò bồng bế nhau vượt thượng nguồn sông Âm (23/08/2017-8:04)
  • Loạt bài: Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (22/08/2017-14:55)