Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (06/09/2017-14:40)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Bài 1: Chú trọng nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên nữ

Chị em phụ nữ thôn Tôm, xã Ban Công (Bá Thước) tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Trong những năm qua, công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên nói chung, đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng luôn được chú trọng. Các cấp ủy đảng các huyện miền núi đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục trong đồng bào các dân tộc để tạo nguồn kết nạp những quần chúng nữ DTTS ưu tú vào Đảng.

Chăm lo phát triển đảng viên nữ

Những năm qua, Đảng bộ huyện Ngọc Lặc hết sức quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, trong đó có phát triển đảng viên nữ, đặc biệt đảng viên nữ người DTTS được đảng bộ huyện coi là mục tiêu quan trọng góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Để có nguồn phát triển đảng viên nữ trong đồng bào dân tộc, ban chấp hành (BCH) đảng bộ huyện đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền cơ sở đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, trong đó chú trọng đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng; quan tâm củng cố các chi bộ đảng, tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới nhất là đảng viên nữ ở khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể, đảng bộ chỉ đạo phải bồi dưỡng, giúp đỡ và tạo điều kiện cho những học sinh, sinh viên nữ người dân tộc đang theo học tại trường nội trú, các trường cao đẳng, đại học sau khi tốt nghiệp ra trường bởi đó sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng lâu dài phục vụ tại địa phương. Đồng thời phân công các đồng chí trong BCH đảng bộ huyện trực tiếp phụ trách một số đảng bộ xã, cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản làm tốt công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, động viên những bé gái đang học tiểu học và THCS tiếp tục đến trường. Với các đối tượng chị em phụ nữ nông thôn thì giao trách nhiệm chính cho các tổ chức hội như: Hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên... tuyên truyền, vận động bà con tham gia vào tổ chức hội, đoàn thể, để tạo nguồn và giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng. Nhờ đó, ngoài chỉ tiêu chung, huyện Ngọc Lặc đã đạt chỉ tiêu khá cao về phát triển đảng viên nữ. Từ năm 2016 đến nay, đảng bộ huyện đã kết nạp được gần 300 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của toàn huyện lên 6.383 đồng chí. Trong đó, có 2.139 đảng viên nữ, 3.990 đảng viên người DTTS.

Với xã miền núi Sơn Hà (Quan Sơn), việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc là giải pháp quan trọng để thu hút đảng viên nữ là người DTTS đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hằng năm, đảng bộ xã và các chi bộ đều có nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và vận động nhân dân chủ động, tích cực sản xuất phát triển kinh tế. Nhiều cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tốt các phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế. Ngoài ra, đảng ủy phân công đảng ủy viên phụ trách theo dõi, hướng dẫn các chi bộ về quy trình thủ tục làm hồ sơ kết nạp Đảng; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, thường xuyên báo cáo đảng ủy xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển Đảng. Đảng ủy giao chỉ tiêu các chi bộ, gắn nội dung công tác phát triển Đảng vào các tiêu chí, phong trào thi đua, bình xét hàng năm. Chị Lương Thị Năng, ở bản Lầu, đảng viên mới được kết nạp phấn khởi chia sẻ: Được sự quan tâm, hướng dẫn của chi bộ thôn, đặc biệt là chi hội phụ nữ tôi được kết nạp Đảng vào tháng 3 vừa qua. Qua 2 lần tham gia sinh hoạt chi bộ tôi thấy những chủ trương, định hướng của Đảng, của huyện được chi bộ triển khai rõ ràng, giúp tôi nắm bắt nhanh chóng, đầy đủ. Từ đó, tôi có thêm kiến thức để tuyên truyền, vận động người dân trong thôn bỏ dần những tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chọn người xứng đáng

Trao đổi về cách làm hiệu quả để tăng số lượng, chất lượng đảng viên nữ là người DTTS, đồng chí Phạm Thị Thu, Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn (Ngọc Lặc), cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đặc biệt là hội phụ nữ tăng cường tổ chức, phát động các phong trào thi đua lao động, sản xuất, xây dựng các mô hình dân vận khéo  để vận động hội viên, chị em phụ nữ tham gia, từ đó phát hiện những nhân tố mới, tích cực nhằm theo dõi, kèm cặp, giới thiệu kết nạp Đảng. Đồng thời, quan tâm đến đối tượng là học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường THPT, cao đẳng, đại học để tạo nguồn phát triển Đảng. Đảng ủy xã cũng định hướng các chi bộ thôn quan tâm, lựa chọn những đảng viên nữ mới để bố trí đảm nhận một số vị trí cán bộ đoàn thể tại thôn, từ đó tạo điều kiện cho họ tiếp tục rèn luyện và thuận lợi cho công tác quản lý đảng viên. Chị Phạm Thị Viễn, ở thôn Giữa cho biết, trước đây học xong chương trình phổ thông, nhiều người có ý định đi làm ăn xa, chị cũng băn khoăn. Nhưng được cán bộ phụ nữ vận động tham gia các lớp tập huấn, phụ nữ xã tín chấp cho vay vốn, chị quyết tâm ở lại lập nghiệp trên quê nhà. Vừa tích cực xây dựng mô hình kinh tế vừa tham gia công tác hội phụ nữ ở thôn, đến nay chị đã trở thành đảng viên.

Ngoài việc chăm chỉ ruộng nương, trồng rừng, chị Cao Thị Lan, ở thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước)  tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên, nhất là tham gia đội văn nghệ của thôn, của xã. Thấy chị năng động, sống gần gũi và có uy tín trong nhân dân, chi bộ đã “để mắt”, định hướng phấn đấu và sau một thời gian, chị được giới thiệu xem xét, bồi dưỡng và kết nạp Đảng. Từ khi vào Đảng, chị càng gương mẫu, hăng hái vận động bà con đưa các giống lúa, ngô mới vào sản xuất; xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, lễ, tết, đặc biệt là vận động các ông chồng giảm bớt uống rượu và không đánh vợ, đánh con nữa... Đến nay, chị Cao Thị Lan đã giới thiệu và giúp đỡ được 5 nữ quần chúng (là người dân tộc Mường và dân tộc Thái) vào Đảng và những đảng viên này đều thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong cộng đồng.

Đảng viên là “đầu tàu” ở khu dân cư

Qua khảo sát tại các huyện miền núi trong tỉnh cho thấy, hầu hết các đảng viên sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản đều có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Họ là “đầu tàu” của các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở khu dân cư.

Là một đảng viên trẻ DTTS, chị Ngân Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Điền Trung (Bá Thước) luôn cố gắng phát huy vai trò, trách nhiệm, tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động để chị em và bà con nhân dân tin, nghe, làm theo. Không chỉ nỗ lực trong lao động sản xuất mà chị còn nhiệt tình trong công tác hội,  luôn sâu sát, gần gũi với đồng bào, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và bà con thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu. Chị cũng thường xuyên hướng dẫn chị em đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất để nâng cao mức sống gia đình; tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” để góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mới 29 tuổi nhưng chị Bùi Thị Hằng đã được vinh dự nhận trọng trách là Bí thư Chi bộ thôn Ăng, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) hơn 3 năm nay. Để có được sự tín nhiệm từ chính quyền địa phương và người dân trong thôn thì chị Hằng đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện, năng động sáng tạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như hăng hái, tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương. Sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chị tiếp tục phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể ở xã, thôn tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Đặc biệt là hướng dẫn những tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, vận động bà con trong thôn chấp hành tốt các quy định của chính quyền, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng nông thôn mới. Chị Hằng tâm sự: Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả thì bản thân chị và gia đình phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc hướng dẫn khoa học - kỹ thuật cho bà con phải theo hình thức cầm tay chỉ việc thì người dân mới có thể hiểu và áp dụng hiệu quả nhất.

Còn chị Lưu Thị Huyền, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Cán Khê (Như Thanh) cũng luôn suy nghĩ, mình là đảng viên thì phải gương mẫu, gần dân, sát dân để hiểu tâm tư, tình cảm của người dân. Do đó, hễ có thời gian rảnh chị lại đến từng nhà gặp gỡ, tìm hiểu về hoàn cảnh, tâm tư để có sự sẻ chia kịp thời cũng như động viên những người trẻ, có trình độ phấn đấu để sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chị Huyền cho biết: “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi thấy rất vui và tự hào. Vì vậy, tôi thường xuyên động viên những thanh niên là bộ đội xuất ngũ, đoàn viên trẻ, hội viên hội phụ nữ phấn đấu để được xem xét, bồi dưỡng và sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện – cơ sở và đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, khẳng định: Qua 7 năm triển khai Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”, đến nay công tác phát triển đảng viên và chi bộ tại các thôn, bản người DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới ở các huyện miền núi đã đi vào nền nếp, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. 11 huyện miền núi hiện có 490 tổ chức cơ sở đảng (269 đảng bộ, 221 chi bộ cơ sở), 3.192 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với 52.488 đảng viên, trong đó có 27.639 đảng viên là người DTTS. Đội ngũ đảng viên người DTTS nói chung, đảng viên nữ nói riêng là một trong những lực lượng nòng cốt, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 


Bài 2: Còn đó những khó khăn, vướng mắc.

Phụ nữ xã Ban Công (Bá Thước) học nghề. Ảnh: Quốc Hương

(THO) - Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phát triển đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, nhưng hiện nay việc phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn; trong đó nhiều tổ chức cơ sở đảng lúng túng khi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để nâng tỷ lệ đảng viên người DTTS nói chung, đảng viên nữ nói riêng.

Những “nút thắt”..

Trên thực tế, công tác phát triển đảng viên nữ người DTTS hiện đang gặp những khó khăn do một số cấp ủy đảng cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ và công tác phát triển đảng viên nữ. Công tác phối hợp giữa hội phụ nữ và đoàn thanh niên ở một số nơi chưa chặt chẽ trong việc giới thiệu hội viên là nữ thanh niên trong độ tuổi đoàn để tạo nguồn phát triển Đảng. Một thực tế nữa, do chị em chủ yếu làm nông nghiệp, công việc bận rộn, tư tưởng còn tự ti, an phận nên không muốn phấn đấu. Đặc biệt, đối với chi bộ nông thôn, việc kết nạp Đảng không gắn với các thành tích thi đua như ở các chi bộ cơ quan, nhà trường nên việc phấn đấu, tham gia vào Đảng của nhiều quần chúng không mặn mà. Một số quần chúng có chí hướng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng nhưng không đạt tiêu chuẩn về trình độ học vấn hoặc không đủ điều kiện kết nạp Đảng theo Điều lệ Đảng quy định. Hiện nay, một số phong trào thi đua ở địa phương vẫn chưa thật sự thu hút quần chúng tham gia nên sự phấn đấu của quần chúng không rõ nét. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để họ có chí hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ vẫn chưa được quan tâm, dẫn đến nhiều quần chúng chưa hăng hái phấn đấu vào Đảng. Đây cũng là một trong những “nút thắt” khiến tỷ lệ đảng viên là nữ người DTTS ở các huyện miền núi trong tỉnh chưa cao. Điển hình như chi bộ bản Na Chừa, xã Mường Chanh (Mường Lát) từ năm 2015 đến nay chưa kết nạp được đảng viên nào. Bí thư Chi bộ bản Na Chừa chia sẻ: Một số đoàn thể chính trị trong bản hoạt động yếu nên chưa tập hợp, thu hút được đoàn viên, hội viên; chất lượng đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng chưa cao, vì vậy chi bộ không có nguồn để kết nạp đảng viên.

Đảng bộ xã Na Mèo (Quan Sơn) có 15 chi bộ với 265 đảng viên, công tác phát triển đảng viên ở đây có nhiều thuận lợi hơn, tuy nhiên ở một số chi bộ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS rất khó tạo nguồn bởi cấp ủy cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về công tác phát triển đảng viên nên chưa chú trọng đến việc bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên thường xuyên, lâu dài. Một số đoàn thể chính trị ở thôn, bản hoạt động yếu nên chưa tập hợp, thu hút được đoàn viên, hội viên; chất lượng đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng chưa cao. Một nguyên nhân nữa là trình độ học vấn của quần chúng thấp, vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình cũng là một trở ngại... Bản Ché Lầu 100% là đồng bào Mông. Đến nay, chi bộ đã kết nạp được 13 đảng viên, năm 2017, phấn đấu kết nạp 2 đảng viên, tuy nhiên đến tháng 7-2017 vẫn chưa tìm được nguồn quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng.

Điều đáng nói là không chỉ ở những xã vùng cao, mà đối với những xã vùng thấp, công tác này cũng gặp khó khăn. Tại xã Điền Trung (Bá Thước), một xã có đại đa số đồng bào Mường và Thái sinh sống, đảng bộ xã hiện có 272 đảng viên, thì chỉ có 89 đảng viên nữ. Theo đồng chí Cao Xuân Hòa, bí thư đảng ủy xã, khó khăn chính là đa số phụ nữ có đủ điều kiện về trình độ văn hóa thường đi học tập tại các trường chuyên nghiệp; ra trường tìm việc làm ở thành phố hoặc thị trấn. Mặt khác, một số chị em không vượt qua được “rào cản” quan niệm lạc hậu để tiếp cận vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại, nên “an phận thủ thường”.

Nguồn vừa thiếu, vừa yếu

Theo đồng chí Nguyễn Thị Đào, Bí thư chi bộ thôn Bông, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc), chi bộ đang đứng trước tình trạng già hóa đảng viên khi có 7 đảng viên thì hầu hết là hưu trí hoặc cán bộ xã. Ở địa phương còn ít quần chúng trẻ tuổi nhưng chưa đủ tiêu chuẩn. Theo quy định, để được kết nạp, trở thành đảng viên, quần chúng mà các chi bộ lựa chọn phải có quá trình công tác, tham gia hoạt động phong trào ở địa phương. Thực tế, phần lớn thanh niên trong xã đi làm ăn ở ngoài thành phố. Việc bố trí, tạo điều kiện cho lớp trẻ sống tại địa phương tham gia hoạt động ở địa phương có nhiều vướng mắc như: Công tác ở địa phương hiện nay chế độ, lương bổng quá thấp nên có rất ít thanh niên muốn tham gia; số vị trí công tác có thể bố trí những người trẻ vào không nhiều. Những thanh niên, những người không có vị trí công tác cụ thể rất khó có thể đánh giá, xét kết nạp Đảng. Việc kết nạp những quần chúng là nông dân cũng gặp khó, bởi theo quy định tiêu chuẩn xét kết nạp một quần chúng nông dân vào Đảng là người đó ít nhất phải đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi.

Không riêng gì chi bộ thôn Bông, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc), nhiều chi bộ ở miền núi hiện nay rơi vào tình trạng thiếu nguồn dự bị để kết nạp đảng viên mới. Theo lý giải của các địa phương thì việc tạo nguồn từ quần chúng ưu tú cho Ðảng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đang gặp nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, nguồn phát triển Ðảng chủ yếu dựa vào 2 đối tượng chính là thanh niên và các cán bộ đoàn thể. Tuy nhiên, những thanh niên có trình độ học vấn cao, nhận thức tốt đều đã đi làm việc hoặc học tập ở các trường. Số còn lại đa phần học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định, ít có chí hướng phấn đấu, lực lượng cán bộ làm công tác đoàn thể như mặt trận, phụ nữ... thì cơ bản đã lớn tuổi. Như vậy, tổ chức Ðảng là hạt nhân trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nếu hạt nhân đó quá mỏng lại toàn tập trung những người có tuổi thì hiệu quả hoạt động của cả hệ thống cũng vì thế mà giảm sút, không có “sức trẻ”.

Việc tạo nguồn phát triển đảng viên ở địa phương đang thực sự là vấn đề nan giải. Tìm được quần chúng ưu tú đã khó, nhưng bồi dưỡng, giữ chân để đưa được họ vào đứng trong hàng ngũ của Ðảng còn khó hơn. Bởi thực tế có quần chúng ưu tú đã học lớp cảm tình Ðảng nhưng sau đó vì phải tập trung phát triển kinh tế đã xin rút, gây khó khăn cho cơ sở.

Đồng chí Lương Thị Đưỡng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bá Thước cho rằng: Ngoài nguyên nhân chủ quan là thanh niên đi làm ăn xa, thiếu nguồn kết nạp thì hiện nay phong trào thi đua ở một số thôn, bản còn mờ nhạt, không thu hút được quần chúng tham gia nên sự phấn đấu của quần chúng cũng mờ nhạt theo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để họ có chí hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ còn hạn chế, dẫn đến nhiều quần chúng chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ khi được vào Đảng, vì vậy nhiều người vẫn thờ ơ khi nói đến chuyện phấn đấu vào Đảng.



 

Bài cuối: Tháo những “nút thắt”

Mô hình gia trại của gia đình chị Hà Thị Mai, ở làng Khụ 1, xã Giao Thiện (Lang Chánh)
hàng năm cho thu nhập cao.

(THO) - Kết nạp đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng. Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy đảng tại các địa phương đang nỗ lực với nhiều giải pháp cụ thể, tháo những “nút thắt” nhằm nâng cao chất lượng, số lượng đảng viên vùng dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là đảng viên nữ.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ

Thực tiễn cho thấy, để tháo gỡ khó khăn trong phát triển đảng viên người DTTS nói chung, đảng viên nữ nói riêng hiện nay cần có những giải pháp đồng bộ. Trước hết, cấp ủy đảng ở mỗi địa phương cần làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để quần chúng thấy rõ vai trò lãnh đạo tiên phong, gương mẫu của Đảng, tạo động lực phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chị Lưu Thị Huyền, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Cán Khê (Như Thanh)  cho rằng: “Nếu như đảng viên không thực sự tiên phong, gương mẫu “nói đi đôi với làm” thì rất khó có thể bồi dưỡng, giáo dục và định hướng cho quần chúng phấn đấu vào Đảng. Muốn thuyết phục người khác, bản thân cán bộ, đảng viên phải là tấm gương cho quần chúng soi vào”.

Tại Đảng bộ xã Sơn Thủy (Quan Sơn), để gỡ khó trong công tác phát triển Đảng, bên cạnh việc chỉ đạo rà soát nguồn thường xuyên trong các tổ chức đoàn thể, đảng bộ xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua ở cơ sở, nhất là địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, đảng ủy xã chỉ đạo các đoàn thể tích cực phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp; tín chấp cho đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đây cũng là cách làm thiết thực giải quyết việc làm tại chỗ, thu hút hội viên tham gia các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Từ đó, phát hiện những nhân tố điển hình để phân công cấp ủy, đảng viên có kinh nghiệm, uy tín bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng với phương châm coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng, không chạy theo số lượng.

Để tháo gỡ “nút thắt” trong công tác phát triển đảng viên người DTTS, Bí thư Đảng ủy xã Điền Lư (Bá Thước) Lê Thanh Hải cho biết: Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên, đảng viên chính thức có kinh nghiệm, uy tín giúp đỡ các quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu để trở thành đảng viên, đồng thời phụ trách các chi bộ, tăng cường công tác giám sát, dự sinh hoạt tại các chi bộ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể rà soát lại nguồn phát triển đảng viên, phát hiện những quần chúng ưu tú có thành tích, phẩm chất đạo đức, ý chí, nguyện vọng phấn đấu, từ đó xem xét giới thiệu cho tổ chức đảng. Chỉ đạo các đoàn thể tổ chức các phong trào thi đua, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm cho lao động, qua đó phát hiện những đoàn viên, hội viên tiêu biểu giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng kết nạp...

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thành Lê Xuân Bình, cho biết: Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên người DTTS, đặc biệt là đảng viên nữ, huyện tập trung rà soát việc đẩy mạnh phát triển đảng viên DTTS ở các cơ sở đảng, nhất là ở các thôn bản nhiều năm chưa kết nạp được hoặc kết nạp được ít đảng viên. Biện pháp có tính bền vững lâu dài là tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm cho lao động. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng.

Đa dạng nguồn, chú trọng bồi dưỡng từ cơ sở

Để khắc phục khó khăn đặc thù do thiếu nguồn, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc đã có Kết luận số 15-KL/HU về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, quản lý đảng viên và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” với 6 giải pháp lớn. Trong đó, quy hoạch nguồn phát triển đảng viên cần bảo đảm yêu cầu đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn trong phong trào quần chúng. Chú trọng phát triển đảng viên là đoàn viên, thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự... Các cấp ủy đảng cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đảng viên, bảo đảm mỗi năm tỷ lệ kết nạp đảng viên mới từ 3,5% đến 4% so với số đảng viên của đảng bộ, chi bộ cơ sở còn nguồn kết nạp đảng viên.

Theo đồng chí Bùi Thị Dung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, để hiện thực hóa kết luận này, đảng bộ xã chọn việc mở rộng đối tượng tạo nguồn, đào tạo từ cơ sở là giải pháp đột phá. Khi tạo nguồn, đảng bộ xã không chỉ quan tâm lực lượng thanh niên mà “ngắm” rất nhiều đối tượng: Hội viên phụ nữ, nông dân, cựu quân nhân, sinh viên... Khi xây dựng được nguồn, đảng ủy lập kế hoạch phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Đặc biệt, khi xem xét, chọn lựa các đối tượng tạo nguồn, chi bộ, đảng viên có các biện pháp cụ thể. Theo đó, với những người bằng cấp chưa đạt chuẩn theo quy định, động viên và tạo điều kiện cho họ đi học bổ túc. Với những người chưa có việc làm ổn định, cấp ủy đảng quan tâm tạo việc làm ổn định tại  địa phương...

Đảng bộ xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) chọn việc đào tạo, bồi dưỡng từ cơ sở là giải pháp đột phá để tạo nguồn phát triển đảng viên. Cán bộ địa phương đến từng thôn, địa bàn dân cư để chọn lọc, lập danh sách quần chúng xứng đáng cho đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Cán bộ, đảng viên trực tiếp tuyên truyền cho người thân trong gia đình hiểu và tạo điều kiện cho con em đi học. Cấp ủy cơ sở vận dụng một cách sát thực các quy định về tiêu chuẩn kết nạp đảng viên phù hợp điều kiện đặc thù của địa phương, làm sao để số lượng đảng viên phân bố đều tại các thôn. Các địa phương này đều chú ý tạo các mô hình phát triển kinh tế chất lượng cao để tạo việc làm ổn định cho đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn quần chúng ưu tú trẻ tuổi cho công tác phát triển đảng viên.

Theo đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện – cơ sở và đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để khắc phục những khó khăn trong phát triển đảng viên mới ở các chi bộ khu miền núi, cấp ủy các xã, thị trấn cần thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ vừa để tạo nguồn vừa là cơ sở để thực hiện công tác phát triển đảng viên, đồng thời chỉ đạo các chi bộ thôn, bản, lựa chọn quần chúng có nguyện vọng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng, sau đó phân công đảng viên có kinh nghiệm theo dõi, vận động, giúp đỡ, bồi dưỡng họ rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Tạo điều kiện để các trường THPT lựa chọn số đoàn viên ưu tú đề bồi dưỡng, nhận thức về Đảng, tạo nguồn cho địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức đảng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, trong đó có quần chúng là nữ người DTTS, tạo niềm tin và động cơ để quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng và phấn đấu vào Đảng. Các chi bộ thôn, bản phải xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp, phân công cấp ủy, đảng viên phối hợp với các đơn vị, tổ chức để thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để các đảng viên được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phát triển đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chủ động, kịp thời đề xuất cấp trên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người có đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng. Đồng thời, tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua thực tiễn ở cơ sở phát hiện, giới thiệu đoàn viên, thanh niên, hội viên, quần chúng ưu tú cho Đảng. Các tổ chức đảng cần không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, làm tốt công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, lấy kết quả phát triển đảng viên nữ là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Đặt mục tiêu cụ thể cho các tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển Đảng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Thực hiện Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 11 huyện miền núi trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng và phát triển Đảng thời gian gần đây. Năm 2008, khu vực miền núi có trên 40 thôn, bản không có đảng viên và chi bộ đảng, đến nay, 100% các thôn, bản đều có chi bộ, đã xóa được thôn, bản trắng chưa có đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép. 6 tháng đầu năm 2017, các chi bộ, đảng bộ khu vực miền núi đã kết nạp được gần 1.000 đảng viên mới. Đây là tiền đề quan trọng, thêm lời giải cho công tác phát triển đảng viên nữ ở chi bộ nông thôn trong tỉnh thời gian tới. Với những kết quả đạt được và những định hướng lớn trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhất là việc tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 50 của Tỉnh ủy, chắc chắn công tác phát triển đảng viên nữ người DTTS ở các huyện miền núi sẽ gặt hái thêm những thành công, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Theo Quốc Hương/Báo Thanh Hóa


 

Các tin khác:
  • Phát triển Đảng viên vùng đồng bào công giáo (06/09/2017-14:36)
  • Một chi bộ 15 năm liên tục đạt danh hiệu vững mạnh trong sạch (06/09/2017-14:34)
  • ‘Lửa’ Thành Công tôi luyện nên tập thể, cá nhân điển hình (06/09/2017-14:33)
  • Chuyện ‘Chi bộ lim xanh’ (06/09/2017-14:31)
  • Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa (06/09/2017-14:29)
  • Người Mông trên đỉnh Hin Phăng (06/09/2017-14:26)
  • Thanh Hóa sắp xếp trường, lớp học, giáo viên (06/09/2017-14:17)
  • Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (06/09/2017-14:12)
  • Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) (06/09/2017-14:04)