Thứ sáu, ngày 10/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tranh cãi về “rô-bốt phóng viên” (02/10/2017-16:34)
    Trong vòng 10 năm trở lại đây, xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo trên báo chí đang thay đổi một cách nhanh chóng và có những bước tiến phát triển vượt bậc.
Nếu không tạo được bản sắc riêng thì rô-bốt có thể thay dần vai trò của các nhà báo.
Ảnh minh họa

Cách thức làm báo mới

Đầu năm 2016, công ty Automated Insights chuyên về công nghệ sáng chế tại tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ) đã công bố một công trình nghiên cứu khoa học giải thích chi tiết phần mềm viết tin Wordsmith. Công nghệ này đã được triển khai như một chương trình phần mềm chính thức giúp hãng thông tấn Liên đoàn báo chí (AP) sản xuất gần 4.300 tin bài/quý - gấp 14 lần lượng sản phẩm trước đó mà những phóng viên, biên tập viên sản xuất trong cùng một khoảng thời gian. Điều này cho thấy, hiệu quả của báo chí rô-bốt cao hơn năng suất làm việc của các nhà báo.

Phần mềm Wordsmith hoạt động trên nguyên tắc kết nối các từ và cụm từ thành từng phần của bài báo theo ý đồ của người thiết lập.

Dựa trên mẫu bài viết có sẵn, người viết có thể chỉ cần nhập số liệu, ví dụ, số liệu doanh thu hàng quý của một công ty trong lĩnh vực tài chính, hoặc kết quả một trận đấu trong lĩnh vực thể thao thì chỉ trong một vài giây, một bài viết đã được ra đời.

Bên cạnh việc biên soạn tin tức, Wordsmith có thể viết báo cáo khách hàng, quảng cáo mô tả sản phẩm và tổng kết tài chính cho nhiều công ty, doanh nghiệp. Những công ty lớn như Yahoo, Greatcall hay Allstate đều đã bắt đầu sử dụng Wordsmith trong việc thống kê số liệu của mình. Hiện tại, AP chỉ ứng dụng công nghệ này trong việc sản xuất những tin, bài có liên quan đến ngành thương mại, như tổng kết chỉ số chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu.

Theo thông tin từ Trung tâm Tow về Báo chí số (Tow Center for Digital Journalism), những bài báo được viết bằng các thuật toán đã ra đời cách đây trên 40 năm, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, báo chí tự động hay báo chí rô-bốt vẫn được xem là một cách thức làm báo mới và đang được thử nghiệm ở một số lĩnh vực báo chí nhất định.

Báo chí rô-bốt sản xuất ra các sản phẩm (nội dung các bài báo) trên các phương tiện truyền
thông đại chúng

Có rất nhiều định nghĩa về rô-bốt, tuy nhiên người ta thường hiểu rô-bốt dưới 2 nghĩa: Thứ nhất là một hoạt động tự động, thứ hai là khả năng thay thế hoạt động của con người. Thuật ngữ “rô-bốt” được sử dụng lần đầu tiên trong vở kịch Cuộc đổ bộ của binh đoàn Rô-bốt (R.U.R) do tác giả người Séc viết vào năm 1920. Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), rô-bốt được định nghĩa là “Một cơ chế được lập trình tự động theo hai hoặc nhiều trục nhất định để thực hiện những nhiệm vụ cho sẵn”.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, rô-bốt ngày càng được phát triển và chia làm hai nhóm chính: Nhóm rô-bốt công nghiệp và dịch vụ. Báo chí rô-bốt được xếp vào nhóm rô-bốt công nghiệp vì nó sản xuất ra các sản phẩm (nội dung các bài báo) trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông, thuật ngữ rô bốt được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1998 bởi hai nhà nghiên cứu truyền thông Lee và Kim, những người đã đề xuất một hệ thống dịch vụ tin tức theo yêu cầu trong đó các thuật toán thu thập thông tin hằng ngày tùy theo sở thích của người dùng.

Theo học giả Green, thuật ngữ CAR (Computer-assisted reporting) là: “Việc sử dụng các chương trình dữ liệu, các bảng tính, các gói thống kê để truy xuất thông tin”. Báo chí rô-bốt được xem là một loại báo cáo nâng cao do máy tính hỗ trợ, tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng có sự khác biệt cơ bản giữa báo chí thuật toán và báo chí rô-bốt.

“Nhà báo rô-bốt” không phải là một tác nhân thụ động chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh do con người - phóng viên chuyên nghiệp đưa ra, thay vào đó, “họ” là thành viên tích cực trong quá trình thu thập thông tin, tự thực hiện các nhiệm vụ của chính mình.

Khi chương trình được đưa vào một phần mềm có liên quan và được khởi động, rô-bốt sẽ thực hiện nhiệm vụ theo các thuật toán mà không cần sự can thiệp của con người. Vì thế, báo chí rô-bốt còn được xem là phương thức rô-bốt tự động hóa phân tích các dữ liệu và sản xuất tin bài dựa trên các thuật toán cho trước sau khi được lập trình bởi con người.

Báo chí rô-bốt góp phần tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, trong trường hợp các cơ quan báo chí sử dụng rô-bốt để viết bài, có nghĩa là tin bài được tạo ra bởi những thông tin có sẵn từ những nguồn dữ liệu nhất định. Đã có sự thay đổi nhất định trong việc sáng tạo tác phẩm báo chí, các tác phẩm báo chí không chỉ do duy nhất con người sáng tạo nên nữa.

Ngày nay, tin tức được viết bởi các thuật toán đã được sử dụng nhiều trong một số lĩnh vực như tài chính, bất động sản, trò chơi thể thao và tội phạm, bởi những lĩnh vực trên phản ánh rõ nhất hai đặc trưng cơ bản của báo chí rô-bốt. Đầu tiên, những lĩnh vực này đều dựa trên những dữ liệu khách quan và cụ thể, hơn nữa, khi viết tin về những lĩnh vực này, tốc độ đưa tin và sự chính xác là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Trong bài viết “Bản chất của tin tức (1949)”, Wilbur Schramm đã phân loại tin tức thành 2 nhóm: Tin tức tức thời và tin tức có thể trì hoãn. Đối với loại tin thứ nhất, chỉ cần số liệu cập nhật tức thời là nhanh chóng đến với bạn đọc mà không cần phải thêm bình luận, hoặc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người viết. Trong khi đó, loại tin thứ hai cần có sự tìm hiểu nhất định về thể loại và vấn đề để làm sâu sắc nội dung bài viết. Theo sự phân nhóm trên thì báo chí rô-bốt có thể được sử dụng cho loại thứ nhất để đăng tải các tin tức tức thời.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, khi người ta bắt đầu đọc tin không chỉ trên màn hình máy tính, mà chủ yếu trên các thiết bị di động, điện thoại thông minh với màn hình có các kích cỡ đa dạng thì những “phóng viên” rô-bốt lại có thêm nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Ví dụ, với điện thoại thông minh có màn hình nhỏ, không thể hiển thị đầy đủ một câu chuyện dài như trên máy tính thì phải có những thuật toán hoặc cách thức thể hiện bài viết riêng để thoả mãn người dùng. Bài viết chỉ hướng đến sự ngắn gọn và cung cấp những thông tin cần thiết. Vì thế, các tòa soạn báo và các công ty truyền thông toàn cầu đang hướng đến việc sử dụng các thuật toán và báo chí rô bốt để làm sao với cùng một dữ liệu / bài viết nhưng người dùng có thể truy cập dữ liệu trên các thiết bị di động khác nhau một cách tốt nhất.

Trong tương lai, nếu nhà báo không tạo được bản sắc riêng của chính mình trong khi những
chú rô-bốt có thể nắm bắt được toàn bộ các bản sắc và sắc thái riêng đó thì nhà báo sẽ đứng
trước nguy cơ giảm dần biên chế và thất nghiệp

Mối đe dọa đối với các nhà báo?

Một rô-bốt viết báo có thể sản xuất hàng ngàn tin, bài với tốc độ nhanh nhạy và độ chuẩn xác cao là mối đe doạ tiềm tàng đối với các nhà báo trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, quá trình chuyển tiếp trong việc sử dụng nguồn nhân lực từ nhà báo - con người sang nhà báo - rô-bốt vẫn còn cần nhiều thời gian để thử nghiệm và nghiên cứu sâu hơn, ngay cả việc để đưa ra các thuật toán hợp lý nhằm tạo nên những bài báo chất lượng.

Khi các phần mềm viết tin tự động được tạo ra đã có rất nhiều hội thảo cũng như nhiều tranh luận về vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là: Liệu sự ra đời của “báo chí rô-bốt” sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà báo trong tác nghiệp, hay sẽ lấy mất cơ hội của họ khi các tòa soạn không cần một đội ngũ phóng viên hùng hậu mà chỉ cần một số lượng phóng viên nhất định để nhập dữ liệu cho phần mềm viết báo?

Simon Colton - một giáo sư chuyên ngành sáng tạo công nghệ tại Đại học London (Anh), đồng thời là người xây dựng dự án What If (Sẽ thế nào nếu như) - một kho ngân hàng chứa 100 triệu từ vựng và có thể học cách kết nối các từ với nhau tạo thành câu có nghĩa, cho biết: “Đối với tôi, những dự án như thế này, bao gồm Wordsmith đơn giản chỉ là từ hóa số liệu. Chúng ta thay vì dùng biểu đồ tròn hay cột để trình bày số liệu thì bây giờ chúng ta dùng ngôn ngữ viết.

Vẫn còn rất nhiều khía cạnh đặc trưng mà một rô-bốt phóng viên cần để viết một bản tin hay. Thậm chí nếu như có cải tiến thêm phong cách viết hài hước, khôn ngoan, thì chúng vẫn không thể bằng con người”. Trên thực tế, các phần mềm tự động hiện nay vẫn chưa đạt đến trình độ đó, vì rô-bốt phóng viên vẫn không có đủ 5 giác quan của loài người (nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm nhận).

“Chúng ta không thể đưa một chiếc iPhone cho một chú rô-bốt và bảo nó miêu tả những tính năng vượt trội của sản phẩm đó cũng như định giá trên thị trường”.

Theo một nghiên cứu của Đài Phát thanh NPR của Mỹ, bản tin do con người viết được nhiều người yêu thích hơn nhiều so với rô-bốt sản xuất ra, vì họ cho rằng những gì do con người viết hấp dẫn và có giá trị thông tin hơn nhiều so với rô-bốt.

Ở thời điểm hiện tại, một rô-bốt có thể viết những thông tin cơ bản cung cấp các số liệu cơ bản như ai, cái gì, ở đâu và nhà báo sẽ thêm vào những phân tích, bình luận sâu sắc hơn để nhằm trả lời câu hỏi tại sao và như thế nào. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu nhà báo không tạo được bản sắc riêng của chính mình trong khi những chú rô-bốt có thể nắm bắt được toàn bộ các bản sắc và sắc thái riêng đó thì nhà báo sẽ đứng trước nguy cơ giảm dần biên chế và thất nghiệp./.

TS. Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao)

Nguồn: Tạp chí Người Làm Báo

 

Các tin khác:
  • Việt Nam và Cuba trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển báo chí (02/10/2017-16:31)
  • Sểnh miệng và cái tâm đưa tin của người làm báo! (02/10/2017-7:47)
  • Nhớ một người đắm đuối với tờ báo (29/09/2017-21:28)
  • Khóa bồi dưỡng “Tiếng Thái giao tiếp cơ bản” (29/09/2017-21:25)
  • Bài học qua mỗi chuyến đi (28/09/2017-22:53)
  • Báo chí phải chuyển mình, tăng sức chiến đấu và bám sát hơi thở của đất nước (27/09/2017-22:24)
  • Xây dựng tòa soạn hội tụ và hành động (26/09/2017-8:58)
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” (26/09/2017-8:56)
  • Báo chí Việt Nam chung tay bảo vệ thiên nhiên hoang dã (25/09/2017-8:03)
  • Vinh danh 39 tác phẩm, 8 tác phẩm trao giải chuyên đề (23/09/2017-21:07)