Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nỗi lo... phóng viên, cộng tác viên thường trú (Kỳ 1) (11/10/2017-8:13)
    Đã có rất nhiều cảnh báo và cả những trăn trở, lo lắng của lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo báo chí, các cấp Hội Nhà báo và người làm nghề chân chính được đưa ra xung quanh vấn đề quản lý bộ phận phóng viên thường trú, các cộng tác viên ở địa phương và các văn phòng đại diện của các báo, đài bởi những vụ việc sai phạm bị phát giác thời gian gần đây đang ở mức đáng báo động.

Một số "nhà báo thường trú" còn có thái độ nghênh ngang, hống hách, “coi trời bằng vung”

Nhiều gam màu tối

Ngày 7/8, báo chí đồng loạt đưa tin về vụ việc phóng viên Phạm Lê Hoàng Uyển (Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập) có hành vi “tống tiền” doanh nghiệp tại Cần Thơ. Sự việc gây bức xúc trên chưa kịp lắng xuống thì ngay trong ngày 7/8, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, 3 ngày trước, Phòng Cảnh sát Hình sự bắt quả tang ông Nguyễn Thế Thắng (41 tuổi, ngụ xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột), là phóng viên thuộc cơ quan thường trú tại khu vực Tây Nguyên của Đài Tiếng nói Việt Nam khi đang thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Những sự việc kể trên chỉ là một trong rất nhiều vụ việc tương tự, cho thấy, đang có một bộ phận phóng viên sẵn sàng bán rẻ “ngòi bút” để trục lợi theo “chiêu” mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng bức xúc, lên tiếng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Tất nhiên, những hành vi trên sẽ bị pháp luật xử lý, nhưng điều nguy hiểm, những sai phạm đó đã gây tác hại nhất định cho tổ chức, cá nhân và xã hội.

Không thể phủ nhận, thời gian qua, một số cơ quan đại diện, phóng viên thường trú hoạt động có hiệu quả, giúp các cơ quan báo chí thông tin khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp hoạt động báo chí theo kiểu “liên minh” để vòi vĩnh, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Có văn phòng đại diện có hàng chục cộng tác viên, được cấp giấy giới thiệu nhưng chủ yếu... để “đi làm quảng cáo”.

Cái gọi là “liên minh báo chí”

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo vừa ký Công văn số 2411/BTTTT-CBC về việc chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí. Theo công văn, một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý đối với nhà báo, phóng viên và cộng tác viên, không cấp kinh phí hoạt động, không trả lương cho phóng viên, cộng tác viên nhưng vẫn khoán doanh thu quảng cáo.

Điều này dẫn đến tình trạng các phóng viên tự sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo... Theo đó, đã xuất hiện hiện tượng một số nhà báo, phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí’’ hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Có một thực tế đang diễn ra, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là một số doanh nghiệp, rất “sợ” khi nhận được điện thoại, công văn hoặc lịch hẹn gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc... của “các nhà báo thường trú”. Không chỉ vì sợ những nhà báo đó sẽ “thiếu thông cảm, ít chia sẻ với khó khăn của địa phương”, mà còn sợ cả thái độ nghênh ngang, hống hách, “coi trời bằng vung” hoặc những hành vi nhũng nhiễu, quấy rầy của các vị này.

Thoạt nhìn, cứ nghĩ đó là những nhà báo dũng cảm, có chính kiến, dám đấu tranh vì lẽ phải, nhưng thực chất phía sau là những toan tính cá nhân, vì tiền có thể “bẻ cong ngòi bút” theo hướng có lợi cho bản thân và trở thành “nỗi kinh hoàng” của không ít tổ chức, cá nhân. Trong thực tế cuộc sống, cũng có không ít cá nhân, đơn vị vì “cả nể” hay vì một lý do gì đó còn e ngại, chưa dám tố giác các trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi bất chính, vô tình “tiếp tay” để những phóng viên báo chí biến chất trong làng báo hoành hành.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-.jpg

Việc “thả nổi” các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của một số cơ quan chủ quản, một số tờ báo, tạp chí và các trang tin điện tử đã dẫn đến những sai phạm trong quá trình tác nghiệp cũng như hành vi cấu kết “đánh hội đồng” doanh nghiệp, hay cùng thông tin về vấn đề tiêu cực của cá nhân, ngành, địa phương nào đó để trục lợi; ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà báo, uy tín của báo giới. Tạp chí Người Làm Báo ghi lại một số ý kiến của các nhà báo xung quanh vấn đề này.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-minhlong.jpg

NHÀ BÁO - LUẬT GIA ĐOÀN MINH LONG
ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO TỈNH KHÁNH HÒA:

Nhiều điều đáng suy ngẫm

Một nghề được xã hội ghi nhận với sự đóng góp rất quan trọng về công tác truyền thông, định hướng dư luận được luật pháp bảo vệ, có quy định đạo đức nghề nghiệp cụ thể cho người làm báo. Tuy nhiên một thực tế hiện nay ở nhiều địa phương còn xuất hiện kiểu: “nhà báo dọa dẫm”, “nhà báo tống tiền”, “nhà báo xin việc”; “nhà báo đánh hội đồng”...

Một số nhà báo tại các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú hoạt động trong một năm chỉ lo kêu gọi quảng cáo kiếm tiền. Nếu có bài viết cũng chỉ là đưa tin hoặc “đánh đấm’’, nêu những tiêu cực, xoáy vào những tin giật gân, tin nóng, cướp, hiếp, giết... Bên cạnh đó, một số nhà báo sinh hoạt và làm việc tại địa phương thường tỏ ra rất kiêu ngạo, hống hách, dọa nạt, không có sự gắn kết với cơ quan quản lý báo chí cũng như các cơ quan báo chí tại địa phương. Họ coi Hội Nhà báo ở địa phương nơi địa bàn mình công tác như không có tổ chức này? Và họ luôn nghĩ mình là “nhà báo lớn” đóng tại địa phương.

Để phát huy và tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội, Hội Nhà báo các cấp rất coi trọng việc quản lý cá nhân tổ chức đó khi hoạt động trên địa phương mình, phải có sự phối hợp và tích cực giám sát cùng với lãnh đạo cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo, phóng viên phải không ngừng học hỏi, trang bị kiến thức pháp luật, nhất là nắm vững Luật Báo chí; và các Luật khác có liên quan, thường xuyên trau dồi 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ, tránh để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình tác nghiệp.

Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Báo chí và 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp báo chí ngay trong cơ quan, đội ngũ của mình, để các phóng viên, nhà báo tác nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật; đồng thời tuyên truyền sâu rộng, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về Luật Báo chí, bảo vệ và tạo điều kiện cho phóng viên hoạt động nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-duyngoan.jpg

NHÀ BÁO TRẦN DUY NGOÃN
CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO TỈNH NGHỆ AN:

Quan tâm tập hợp đội ngũ phóng viên, nhà báo thường trú và văn phòng đại diện tại địa phương

Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều cơ quan báo chí, đến đầu tháng 8/2017 trên địa bàn tỉnh có 8 cơ quan báo chí với 200 nhà báo được cấp thẻ, 300 Hội viên nhà báo thuộc 17 Chi hội và 47 văn phòng đại diện, thường trú các báo Trung ương, ngành tại Nghệ An với gần 200 phóng viên nhà báo và cộng tác viên.

Có thể khẳng định môi trường hoạt động báo chí tại Nghệ An hết sức thuận lợi, thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hợp tác đồng hành của các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương và công chúng báo chí.

Với vai trò vị trí là tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp của người làm báo, là ngôi nhà chung của giới báo chí cách mạng, trong nhiều năm qua Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An đã thường xuyên quan tâm đến việc tập hợp hội viên các cơ quan thường trú và văn phòng đại diện tại Nghệ An tham gia sinh hoạt và thực hiện các nhiệm vụ của Hội. Những nội dung được Hội Nhà báo tỉnh quan tâm gắn kết đội ngũ phóng viên nhà báo thường trú và văn phòng đại diện tại địa phương đó là: Tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; tham gia các Giải báo chí ở địa phương, Hội báo xuân hàng năm và hoạt động văn nghệ, thể thao, ủng hộ gúp đỡ các nhà báo hội viên gặp khó khăn. Đồng thời thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp cũng như Luật Báo chí, nhờ vậy không có phóng viên vi phạm phát luật trong hành nghề tác nghiệp.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru--.jpg
Phía sau một số "nhà báo" là những toan tính cá nhân, vì tiền có thể “bẻ cong ngòi bút” theo hướng
có lợi cho bản thân và trở thành “nỗi kinh hoàng” của không ít tổ chức, cá nhân
 

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-phongnguyen.jpg

PHÓNG VIÊN PHONG NGUYÊN
THƯỜNG TRÚ BÁO NHÂN DÂN, TẠI KHÁNH HÒA:

Hãy tự giữ mình

Chỉ vài tháng nay, trên các trang báo xuất hiện nhiều tin tức về một số nhà báo bị bắt, bị khởi tố vì có hành vi đe dọa, tống tiền. Hai tiếng “nhà báo” thiêng liêng là vậy; ở đây, sao nghe nhói trong tim.

Tôi không muốn nêu tên họ. Đau lắm! Bởi, họ vốn là những đồng nghiệp của tôi, cùng chiến đấu trên một chiến hào đi tìm chân - thiện - mỹ. Khi đăng tin về tội lỗi của họ, những anh em đồng nghiệp vô cùng đau xót. Đau xót cho họ. Và đau xót cho chính mình. Nỗi đau mất mát lay động từ tâm tư, tình cảm của những người làm báo.

Sức mạnh của đồng tiền lớn tới mức nào? Mà sao khiến những đồng nghiệp của tôi sa ngã, tha hóa nhanh vậy? Trước khi phạm lỗi, họ có là nhà báo chân chính chăng? Có, tôi nghĩ rằng họ đã từng chân chính. Nhưng, từ một chút yếu lòng mà nên tha hóa vậy chăng? Hay là mầm mống của sự thóa hóa đã manh nha từ lâu mà chính họ, chính cơ quan của họ không hề nhận ra? Quả thật, ranh giới giữa sáng và tối; giữa thiện và ác sao mong manh quá, tựa một chút ánh sáng le lói lúc hoàng hôn. Bác từng dạy: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Những người đồng nghiệp của tôi luôn nhớ được điều ấy (?)

Những anh em phóng viên báo Trung ương đi làm thường trú ở các địa phương luôn phải đối mặt với vô vàn thử thách khắc nghiệt. Xa cơ quan, xa gia đình. Cuộc sống luôn đầy cám dỗ, đầy cạm bẫy. Tính tự lập quyết định chất lượng công việc. Tinh thần tự trọng, tự giác làm nên tư thế, nhân cách nhà báo.

Giờ đây, trong chốn lao lung, tôi hằng tin rằng, những đồng nghiệp lầm lỗi của tôi chắc hẳn rất ân hận. Chỉ một bước chân lạc lối mà phải trả giá đắt; bằng cả một đời làm báo, cả một đời người và cả bao nhiêu giá trị khác nữa.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-minhtruong.jpg

NHÀ BÁO TRẦN MINH TRƯỜNG
TRƯỞNG VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN BÁO SGGP TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:

Cần kiện toàn cơ chế quản lý phóng viên thường trú

Nắm bắt được tâm lý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường nể nang hoặc ngại va chạm với báo chí; nhiều cơ quan báo chí thành lập cơ quan đại diện, cử phóng viên thường trú tại địa phương nhưng không tuân thủ theo quy định về hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí; buông lỏng quản lý, không quan tâm giáo dục đạo đức, tác phong của phóng viên thường trú, cộng tác viên, không có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ... nên dễ nảy sinh tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến thanh danh, uy tín của các nhà báo chân chính.

Nhất là tình trạng thiếu thông tin trao đổi giữa các cơ quan báo chí nên có trường hợp phóng viên vi phạm kỷ luật, bị đuổi việc ở cơ quan báo chí địa phương, hoặc cơ quan khác nhưng vẫn được một vài báo của Trung ương nhận làm phóng viên thường trú, nhất là tạp chí của các hội, đoàn. Đa phần nhân sự của các cơ quan này chỉ có giấy tờ, còn các khoản kinh phí, chi phí hoạt động đều phải “tự bươn chải” và hàng năm phải “nộp định mức” về cho cơ quan. Vì lẽ đó, bộ phận phóng viên này thường tìm những sơ hở, thiếu sót của doanh nghiệp, chính quyền địa phương để “tác nghiệp” nhằm mưu cầu lợi ích vật chất. Họ sẵn sàng bênh vực sai sót của tổ chức, cá nhân, và cũng sẵn sàng đánh đấm không thương tiếc những tổ chức, cá nhân nào không cùng lợi ích với họ.

Vì vậy, để thực hiện tốt các quy định về quản lý hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí, trên cơ sở kiểm tra, rà soát các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí trên địa bàn, Sở TT-TT các tỉnh, thành phố tiến hành thông báo hoặc công bố công khai danh sách các phóng viên đã đăng ký hoạt động nghiệp vụ của từng cơ quan đại diện, cơ quan thường trú đến các cơ quan Nhà nước trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc phối hợp, cung cấp thông tin và tác nghiệp của nhà báo.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-ms-mydung.jpg

NHÀ BÁO HUỲNH THỊ MỸ DUNG
PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ BÁO CÔNG THƯƠNG KHU VỰC NAM TRUNG BỘ - TÂY NGUYÊN:

Danh có chính thì ngôn mới thuận

Thời gian qua, thực trạng hoạt động của các cơ quan báo chí, đặc biệt là các báo ngành, báo Trung ương có Cơ quan Đại diện (CQĐD), Phóng viên thường trú (PVTT) tại các địa phương trên toàn quốc đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Một số nhà báo bất chấp, xem thường pháp luật, gây những hậu quả đáng tiếc, nhiều phóng viên thường trú còn không tôn trọng các quy định trong công tác quản lý với các Cơ quan quản lý báo chí tại địa phương.

Vì vậy, muốn làm trong sạch đội ngũ phóng viên, đặc biệt là PVTT, khẳng định vai trò, thế mạnh của đội ngũ báo chí chân chính, các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý hoạt động báo chí phải chú trọng các thủ tục danh phận của mỗi PVTT. Đó cũng chính là lòng tự trọng tối thiểu của những người làm công tác quản lý thông qua việc chứng nhận danh phận một phóng viên.

Phóng viên được chứng nhận danh phận (dù chưa đủ điều kiện thời gian để cấp thẻ nhà báo), nhưng ít nhất phải được bảo tín về năng lực và tư cách đạo đức. Đặc biệt, khi cử một PVTT về một địa phương, cơ quan báo chí phải gửi kèm các văn bản cần thiết, cụ thể: thông báo tên, tuổi và những thông tin cần thiết của phóng viên, quyết định bổ nhiệm, phân công của Tổng Biên tập,...

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-huychuong.jpg

PHÓNG VIÊN NGUYỄN HUY CHƯƠNG
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN BÁO KINH TẾ & ĐÔ THỊ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH:

Buông lỏng quản lý đội ngũ phóng viên thường trú

Một số trường hợp phóng viên thường trú có những dấu hiệu vi phạm đạo đức người làm báo cũng như vi phạm pháp luật như: nhũng nhiều doanh nghiệp để kiếm hợp đồng quảng cáo cho tòa soạn, hoặc tống tiền để bỏ túi riêng.

Sỡ dĩ xảy ra tình trạng như vậy ở một bộ phận phóng viên thường trú,theo tôi vấn đề quản lý phóng viên hiện nay của một số tòa soạn thiếu sự kiểm tra sát sao, hay có thể nói là một số tòa soạn buông lỏng quản lý.

Như tôi được biết, nhiều phóng viên hiện nay chỉ được cấp mỗi tờ giấy giới thiệu hoặc thẻ tác nghiệp nhưng không được ký hợp đồng lao động, cũng như các quy định về nghĩa vụ và quyền hạn cụ thể cho phóng viên. Miễn sao họ kiếm được các hợp đồng kinh tế về cho tòa soạn.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng tiêu cực ở một số phóng viên thường trú, nên chăng trong thời gian tới Hội Nhà báo, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp đưa ra những chế tài chặt chẽ cho các tòa soạn về vấn đề quản lý phóng viên thường trú trong quá trình tác nghiệp. Cùng với đó, phía Hội và các cơ quan quản lý nên mở thêm các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ cũng như nâng nhận thức chính trị cho các phóng viên thường trú

Theo Ngọc Thành - Thanh Bình - Thùy Dung - Thái Sơn/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Đình bản 3 tháng báo Sức khỏe Cộng đồng (09/10/2017-8:02)
  • Ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo trẻ Lai Châu (06/10/2017-20:03)
  • Sáp nhập Tạp chí Tia Sáng vào Báo Khoa học Phát triển (06/10/2017-20:01)
  • Không để tình trạng mạng xã hội dẫn dắt báo chí (06/10/2017-7:54)
  • Ra mắt trang tin phongvien.vn (05/10/2017-23:09)
  • Ghi nhận đường hỏng, phóng viên bị đe dọa (05/10/2017-11:38)
  • Đào tạo biên tập viên báo chí trong môi trường truyền thông số (04/10/2017-22:58)
  • Tăng cường chấn chỉnh hoạt động báo chí trên địa bàn Thanh Hóa (04/10/2017-8:14)
  • “Nạn” sao chép trên báo mạng điện tử (03/10/2017-20:46)
  • Lời hứa danh dự” của nhà báo (03/10/2017-9:27)