Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đào tạo biên tập viên báo chí trong môi trường truyền thông số (04/10/2017-22:58)
    Phương thức đào tạo biên tập viên báo chí là các hình thức diễn ra của quá trình dạy học và hệ thống các cách sử dụng những hình thức đó để đạt được chất lượng và hiệu quả đào tạo ra những người làm công việc biên tập ở cơ quan báo chí.
Các cơ sở đào tạo báo chí cần phải chuẩn bị để đào tạo ra nguồn nhân lực là các nhà báo
đáp ứng được xu thế phát triển của báo chí truyền thông đa phương tiện hiện nay. Ảnh minh họa

Cạnh tranh thông tin

Hiện nay, nhu cầu tiếp nhận nội dung thông tin trên báo chí của công chúng chủ yếu là nắm bắt tin tức thời sự. Trong các loại hình báo chí, báo điện tử chiếm ưu thế cao hơn.

Kết quả trên cho thấy, người dân đã coi Internet là công cụ tìm kiếm thông tin đặc biệt, nói cách khác là một phương tiện truyền tải thông tin hữu hiệu, bên cạnh các loại hình truyền thống.

Với báo in, độc giả dành sự quan tâm nhất và ưa thích nhất với các chủ đề an ninh - pháp luật, văn hóa - xã hội, tiếp đó là các thông tin về thời sự, chính trị. Với báo phát thanh, bên cạnh các thông tin giao thông, thông tin thời sự, công chúng phát thanh còn có một nhu cầu lớn khác là giải trí với các chương trình ca nhạc trẻ. Đối với nhu cầu nội dung thông tin trên truyền hình, hiện nay có một bộ phận lớn công chúng truyền hình rất thích theo dõi các kênh phim truyện trong và ngoài nước. Về tổng thể, những nội dung thông tin liên quan đến tình hình thời sự, chính trị, văn hóa - xã hội luôn thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của các nhóm công chúng(1) .

Trong bối cảnh đó, vai trò của biên tập viên trong quá trình tổng hợp và chắt lọc thông tin, đem đến cho công chúng những sản phẩm truyền thông chất lượng, giảm thiểu những khó khăn cho công chúng trong vấn đề tiếp nhận những thông tin hữu ích, làm tốt vai trò của “người gác cổng” là rất cần thiết.

Hiện nay, giá trị then chốt của các phóng viên, biên tập viên không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin và đưa tin, mà trong mớ thông tin hỗn loạn, phức tạp như hiện nay cần phải biết chọn lọc hợp lý, tổng hợp, đánh giá những thông tin quan trọng có giá trị thực sự, tổ hợp và sắp xếp một cách logic các thông tin ấy, từ đó cung cấp những bài phân tích, bình luận có giá trị đối với công chúng, giúp họ hiểu và nắm một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc hơn những sự kiện xảy ra trong xã hội.

Sự hội tụ về mặt kỹ thuật đã khiến tốc độ truyền phát thông tin tăng lên nhanh chóng, nhưng chất lượng nội dung không cao và xem nhẹ tính khách quan của báo chí; tin, bài thiếu chiều sâu, hiện tượng đồng nhất hóa (giống nhau) khá nghiêm trọng. Hiện tượng này được thể hiện ở sự trùng lặp và na ná trong các bản tin, góc độ tiếp cận không có điểm đột phá. Với một sự kiện, nhưng nhiều tờ báo cùng đăng tải trên trang chủ ở góc độ tiếp cận giống nhau.

Tình trạng đồng nhất hóa còn được thể hiện ở sự trùng lặp trong phong cách biên tập, dàn trang, cách thức bố trí giao diện, chương trình truyền hình; trùng lặp trong việc xác định công chúng mục tiêu và thời gian ra báo...

Hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông ngày càng gay gắt, các hãng truyền thông lớn đều lấy việc đưa các bản tin độc quyền vào thời điểm sớm nhất làm tôn chỉ. Tuy nhiên, vì theo đuổi tính cấp thời và “độc quyền” thông tin, nhiều nhà báo gần như phải biên tập rất nhanh và chú ý rất nhiều đến kỹ xảo làm “nóng” bản tin để “câu” độc giả, khán giả. Hậu quả của việc theo đuổi tốc độ dẫn đến coi nhẹ tính khách quan của báo chí, đưa tin thiếu chiều sâu, nội dung hời hợt.

Để nâng cao năng lực phát hiện, biên tập của đội ngũ phóng viên, đội ngũ biên tập viên của cơ quan báo chí cần được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng biên tập. Do vậy, việc đổi mới phương pháp và cách thức đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ biên tập ở các cơ sở đào tạo báo chí là yêu cầu cần thiết để nâng cao trình độ biên tập của đội ngũ biên tập viên báo chí hiện nay.

Tổng hợp và chắt lọc thông tin, đem đến cho công chúng những sản phẩm truyền thông
chất lượng, giảm thiểu những khó khăn cho công chúng trong tiếp nhận thông tin hữu ích là
việc quan trọng của biên tập viên. Ảnh minh họa

Đổi mới về nhận thức của cơ sở đào tạo

Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang phải thay đổi nhận thức về xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình, môn học. Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, từng ngành đào tạo.

Sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội đối với các phương thức thông tin truyền thống của báo chí đã khiến môi trường đào tạo phải chuyển mình thích ứng.

Nhà báo, phóng viênbiên tập viên hiện nay, để tồn tại được, đều cần phải thành thạo đa phương tiện chứ không chỉ chuyên biệt về một loại hình báo chí nào. Vì thế, việc đào tạo sinh viên báo chí cần phải được thực hiện theo hướng này, và việc xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên cần phải lấy xu thế đa phương tiện làm thước đo(2) .

Chuẩn đầu ra kỹ năng

Kỹ năng đa phương tiện là điều mà người học phải thành thạo khi tiến tới đầu ra. Kỹ năng này có thể hiểu là việc người học thành thạo các kỹ năng riêng biệt phục vụ từng loại hình báo chí khác nhau, nhưng cũng có thể hiểu là việc nhuần nhuyễn đến mức có khả năng kết hợp một cách điêu luyện các kỹ năng này cùng lúc. Nhưng dù là hiểu theo cách nào, để cụ thể hóa, sinh viên cần thành thục những kỹ năng dưới đây:

+ Kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí một cách độc lập, ít nhất đối với ba thể loại cơ bản: tin, phóng sự và phỏng vấn.

+ Kỹ năng phối hợp làm việc nhóm (để tổ chức thực hiện một tác phẩm, chuyên đề, chương trình..., để hỗ trợ nhau về mặt nội dung, chia sẻ mối quan hệ cá nhân cho mục đích chung).

+ Kỹ năng biên tập tác phẩm báo chí.

+ Kỹ năng phỏng vấn.

Đây là những kỹ năng buộc phải có trong chuẩn đầu ra của sinh viên ngành báo chí. Nói kỹ hơn, xét trên thước đo đa phương tiện, để làm chủ được những kỹ năng này đòi hỏi ở người học sự rèn luyện ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường.

Bên cạnh những kỹ năng cần có kể trên, những kỹ năng nên có đối với sinh viên báo chí khi ra trường là:

+ Kỹ năng chụp ảnh báo chí.

+ Kỹ năng sử dụng phần mềm dựng hình và tiếng.

+ Kỹ năng ghi âm.

+ Kỹ năng tạo dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ.

+ Kỹ năng trình bày và thuyết phục.

Nếu như 4 kỹ năng đầu tiên là điều kiện cần, thì 5 kỹ năng này là điều kiện đủ để một sinh viên báo chí ra trường tác nghiệp được trong mọi môi trường truyền thông. Bên cạnh việc chăm chỉ cọ sát với thực tiễn để rèn nghề, sinh viên sẽ có cơ hội học hỏi và mở rộng quan hệ hơn nhờ những sự kiện, chương trình, hoạt động do chính sinh viên tổ chức thực hiện

Về phẩm chất chính trị

Trong một xã hội mà thông tin ngày càng mở và đa chiều như hiện nay, việc xác định được và tạo ra được một thái độ đúng đắn cho sinh viên là điều không dễ dàng nhưng lại rất cấp thiết. Để nói một cách lý thuyết, sinh viên cần phải có:

+ Lòng yêu nước

+ Bản lĩnh chính trị

+ Đạo đức

+ Tinh thần phản biện xã hội

+ Lòng dũng cảm

+ Trách nhiệm

+ Tinh thần cầu thị, ham học hỏi

Tuy nhiên, cần ý thức rằng những thái độ này chỉ có thể có được khi sinh viên luôn được thử thách, rèn nghề trong quá trình học. Bởi đây là những yếu tố chỉ có thể được bồi đắp qua thời gian và qua những va vấp trong thực tế. Lý thuyết giúp định hướng cho sinh viên nhưng thực tiễn mới giúp họ hiện thực hóa những định hướng đó. Vì thế, trong quá trình dạy và học, thầy và trò luôn cần rút ra những bài học về thái độ, tinh thần chuẩn mực của người làm báo trong điều kiện hiện nay.

Như vậy, với những yêu cầu khắt khe về chuẩn đầu ra của ngành báo chí - truyền thông nêu trên, để đạt được kỹ năng cứng và kỹ năng mềm của biên tập viên báo chí sau 4 năm học đại học, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có phương thức đào tạo phù hợp giúp người học đạt được những tri thức cần thiết.

Sự hội tụ về mặt kỹ thuật đã khiến tốc độ truyền phát thông tin tăng lên nhanh chóng, nhưng chất lượng
nội dung không cao và xem nhẹ tính khách quan của báo chí. Ảnh minh họa

Những yêu cầu mới đặt ra

Báo chí truyền thông ngày càng đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt do sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ hùng mạnh: Các tập đoàn truyền thông toàn cầu, các loại hình phương tiện truyền thông mới như Internet, truyền hình cáp, điện thoại di động kết nối Internet...

Các cơ sở đào tạo báo chí cần phải chuẩn bị để đào tạo ra nguồn nhân lực là các nhà báo đáp ứng được xu thế phát triển của báo chí truyền thông đa phương tiện hiện nay. Các cơ sở đào tạo cần phải đào tạo nhà báo tương lai có trình độ nghiệp vụ, có tri thức và kỹ năng, biết nhiều thứ nhưng lại chuyên sâu.

Kỹ năng báo chí quan trọng hơn cả là phông kiến thức rộng để làm báo, để từ đó sinh viên biết xác định chủ đề (vấn đề gì là quan trọng cần đưa ra hoặc không đưa), biết tìm đúng người, đúng trọng tâm vấn đề, đặt ra đúng câu hỏi. Việc giảng dạy báo chí phải được gắn với công việc thực hành cụ thể và các cuộc thực tập tại tòa soạn và phòng tin.

Khi dạy về các loại sản phẩm báo chí như tin tức, bài: phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, ý kiến, phỏng vấn và các bài viết về phong cách cuộc sống; phim tài liệu, phóng sự chuyên đề đối với ngành truyền hình, phát thanh... sinh viên cần phải làm thực hành một cách nghiêm túc với tiêu chuẩn có thể đăng báo, phát sóng được. Đây chính là thể hiện phương thức đào tạo chú trọng thực hành đối với đào tạo báo chí nói chung, đào tạo biên tập viên báo chí nói riêng.

Việc phải thay đổi phương thức đào tạo báo chí ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan bởi nếu nhìn ra thế giới, phương thức đào tạo chú trọng thực hành, truyền nghề đã được áp dụng từ lâu và trở nên rất phổ biến.

Cơ sở đào tạo nào có phương thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt, lấy mục tiêu người học là trung tâm thì sẽ thu hút được lượng thí sinh đăng ký đông đảo và là nguyện vọng ưu tiên khi đăng ký xét tuyển.

Theo ThS. Vũ Thùy Dương/Người làm báo

Tài liệu tham khảo:
(1) Lê Thu Hà (2015), Xu hướng tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng Việt Nam, Luận án tiến sĩ báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, tr.95.
(2) Nguyễn Nga Huyền (2017): Xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên khoa PT-TH: Cần bám sát xu thế thời đại, Kỷ yếu HTKH Xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên khoa PT-TH, Học viện Báo chí và Tuyên truyền


 

Các tin khác:
  • Tăng cường chấn chỉnh hoạt động báo chí trên địa bàn Thanh Hóa (04/10/2017-8:14)
  • “Nạn” sao chép trên báo mạng điện tử (03/10/2017-20:46)
  • Lời hứa danh dự” của nhà báo (03/10/2017-9:27)
  • Tập huấn kỹ năng tuyên truyền về APEC 2017 cho PV các cơ quan báo chí (02/10/2017-16:36)
  • Tranh cãi về “rô-bốt phóng viên” (02/10/2017-16:34)
  • Việt Nam và Cuba trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển báo chí (02/10/2017-16:31)
  • Sểnh miệng và cái tâm đưa tin của người làm báo! (02/10/2017-7:47)
  • Nhớ một người đắm đuối với tờ báo (29/09/2017-21:28)
  • Khóa bồi dưỡng “Tiếng Thái giao tiếp cơ bản” (29/09/2017-21:25)
  • Bài học qua mỗi chuyến đi (28/09/2017-22:53)