Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đạo đức báo chí nhìn từ chuyện rút tít (29/11/2017-12:19)
    Giữa chuyện viết, biên tập tít vừa hay, vừa hấp dẫn, vừa chính xác, vừa khách quan, cân bằng, công bằng không phải lúc nào cũng là một sự kết hợp hoàn hảo.
Viết tít và biên tập tít là nghệ thuật không phải nhà báo nào cũng có thể làm được.
Ảnh minh họa

Giữa chuyện viết, biên tập tít vừa hay, vừa hấp dẫn, vừa chính xác, vừa khách quan, cân bằng, công bằng không phải lúc nào cũng là một sự kết hợp hoàn hảo.

Áp lực thời sự và nhiều “áp lực khác”, kể cả “câu view” đã khiến nhà báo chọn lựa kiểu giật tít thiếu công tâm, thiện chí, thậm chí có dấu hiệu lừa dối, nhẫn tâm...

Khai thác yếu tố nhân thân có màu sắc định kiến

Ngày 29/9, một tờ báo lớn có bài viết mang dòng tít “Xem xét vụ án vợ Bí thư xã giết người”. Nội dung bài báo thông tin về việc TAND tối cao đang xem xét lại trường hợp vụ án bà Lê Thị Hường (42 tuổi, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Vấn đề đặt ra ở đây là, vì sao tác giả không viết tít “Xem xét vụ án Lê Thị Hường giết người” mà chọn lựa đưa yếu tố nhân thân “vợ bí thư xã” vào tít (cả trong bài)? Bà Lê Thị Hường đúng là vợ của Bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thông tin nhân thân ghi trong tít không sai, nhưng ở góc độ đạo đức, có thể thấy rằng, cách giật tít như thế - vô tình hay hữu ý - thể hiện màu sắc định kiến với một nhóm xã hội nhất định mà cụ thể ở đây là cán bộ - đảng viên. Những ví dụ tương tự như vậy rất nhiều:

Có thể nhà báo khi viết tít không có định kiến, nhưng việc chọn chi tiết về nhân thân của nhân vật trong những thông tin có tính chất tiêu cực sẽ tác động tới quan điểm, cách nhìn của số đông.

Ở một đất nước có nhiều sắc tộc anh em chung sống bình đẳng với sự đa dạng văn hóa, tôn giáo; ở một xã hội có nhiều tầng lớp, vùng miền với các vấn đề lịch sử; ở một giai đoạn mà chúng ta chủ trương hội nhập toàn cầu v.v.. vấn đề chống định kiến cần phải được đặt ra và hết sức cẩn trọng trong truyền thông. Bản thân nhà báo và cơ quan báo chí phải đi đầu trong việc xóa bỏ những dạng định kiến như thế để khích lệ xã hội cùng thay đổi.

Nhà báo giật tít chỉ vì mục đích để “câu” người đọc thì khó có thể tránh khỏi tình trạng vi
phạm đạo đức báo chí, thậm chí, vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa

Chọn chi tiết có tính mạ lỵ, bất nhẫn

Ngày 28/9, một tờ báo lớn khi tường thuật về đám tang nghệ sĩ Khánh Nam đã chọn cái tít: “Rất ít nghệ sĩ Việt đến dự đám tang danh hài Khánh Nam”. Việc tác giả chọn chi tiết “ít nghệ sĩ dự đám tang” có thể đúng trong thực tế, nhưng đó là cách nhận định xúc phạm vong linh nghệ sĩ và làm đau lòng người thân của ông.

Một ví dụ khác, đêm 10/3/2015, một vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra tại Hải Lăng, Quảng Trị: tàu SE5 đâm vào ôtô tải khiến 3 toa tàu bị lật khỏi đường ray, xe tải đứt đôi, lái tàu tử vong, tài xế xe tải bị thương nặng. Một ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, một tờ báo có bài bình luận với cái tít: “Tai nạn tàu hỏa thảm khốc: Lái xe ben mới là kẻ đáng chết”.

Khi bài báo này ra đời, cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức về vụ việc nhưng tác giả đã kết tội - mà là tội chết - cho người khác. Giữa quyền tự do báo chí và quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội là một vấn đề tế nhị, song người làm báo cũng đâu có quyền đóng vai quan tòa.

Những cái tít đầy tính mạ lỵ và nhẫn tâm như thế hiện nay vẫn xuất hiện ở nhiều trang báo mạng. Phổ biến là chuyện khai thác hành vi tai tiếng trong quá khứ của nhân vật hoặc “câu khách” bằng chi tiết lập lờ để đánh lừa độc giả, bất chấp cách làm ấy xúc phạm đến những con người cụ thể. Ví dụ: Năm ngoái, khi viết bài giới thiệu cuốn hồi ký của nghệ sĩ Thương Tín, VietnamNet giật tít: “Thương Tín tiết lộ cuộc tình sóng gió với ca sĩ Hồng Nhung”. Nội dung bài báo này điểm qua những mối tình được Thương Tín kể trong hồi ký, trong đó, có mối tình với ca sĩ Hồng Nhung. Nhưng cô Nhung này không phải là “Hồng Nhung diva”, cô là ca sĩ người gốc Hoa, chuyên hát nhạc sôi động ở các phòng trà, đám cưới. Đọc xong bài báo, độc giả nhận ra mình bị lừa. Về mặt pháp lý, người giật tít “không sai” nhưng ở góc độ dạo đức, chiêu “đánh lừa” thông minh này có phần bất nhẫn.

“Bố chồng và con dâu chết trong nhà tắm” là cái tít không chỉ sai về bản chất của sự kiện mà còn bất cận nhân tình. Sự thật là khi người con dâu bị điện giật trong nhà tắm vì bình nước nóng lạnh kêu la, bố chồng chạy vào cứu và cũng bị điện giật chết tại chỗ (gia đình không có người ở nhà, chỉ có 3 cháu nhỏ). Thế nhưng cái tít với các cụm từ “bố chồng và con dâu” rồi lại thêm “nhà tắm” được sắp xếp không phải vô tình. Có thể nói, đây là cái tít vi phạm đạo đức báo chí nghiêm trọng chỉ vì động cơ “câu khách”, ngay cả “câu” trên những cái chết đau lòng

 

ít (hay tiêu đề) là thành tố quan trọng nhất trong tác phẩm, sản phẩm báo chí. Vì sao lại“quan trọng nhất”? Vì tít có ý nghĩa quyết định “số phận”của tin, bài! Cụ thể hơn, vì tít thu hút sự chú ý của người đọc vào tin bài. Tít cung cấp thông tin chính trong một cái liếc mắt, khiến công chúng muốn đọc, muốn khám phá. Tít là yếu tố chính ở mức độ đọc đầu tiên, ở lớp thông tin thứ nhất. Một bài báo được tác giả bỏ công hàng tháng trời thực hiện và thể hiện nội dung rất hay nhưng cái tít quá dở có thể là nguyên nhân chính khiến công chúng không tiếp cận tác phẩm. Ngày nay, với việc phát hành nội dung báo chí trên môi trường Internet- đặc biệt là qua các thiết bị cầm tay có màn hình cảm ứng diện tích nhỏ - tít càng có ý nghĩa quan trọng khi nó là yếu tố đầu tiên quyết định sự lựa chọn của người đọc: click hay không click!

Và chính vì thế, trong quá trình giành thị phần, giành công chúng truyền thông, các nhà báo, các cơ quan báo chí luôn ý thức viết tít thật hay, thật hấp dẫn để thu hút sự quan tâm và khao khát khám phá của bạn đọc

Viết tít và biên tập tít là nghệ thuật. Cái tít dù có dung lượng ngắn nhưng đó là sản phẩm lao động nặng nề. Viết tít nói riêng và làm báo nói chung, nếu xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ tinh thần phục vụ công chúng truyền thông, xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, sẽ khó xảy ra sai phạm. Nhưng khi nhà báo giật tít chỉ vì mục đích để “câu” người đọc thì khó có thể tránh khỏi tình trạng vi phạm đạo đức báo chí, thậm chí, vi phạm pháp luật!

Theo Phan Văn Tú/Tạp Chí Người Làm Báo

 


 

Các tin khác:
  • Bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thông tin chuyên đề trên báo và truyền thông đa phương tiện (28/11/2017-9:02)
  • Nâng cao kỹ năng viết bài về phòng, chống tham nhũng cho phóng viên, biên tập viên (28/11/2017-8:57)
  • Quyền lực báo chí suy giảm vì mạng xã hội, công nghệ (27/11/2017-10:46)
  • Đừng bao giờ đặt cá nhân mình lên trên tờ báo! (23/11/2017-16:31)
  • Đẩy mạnh hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Trung Quốc (22/11/2017-7:43)
  • Trao giải tác phẩm báo chí xuất sắc về quá trình hội nhập của Việt Nam (22/11/2017-7:41)
  • “Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí” (21/11/2017-7:55)
  • 11 bí quyết để trở thành nhà báo giỏi (21/11/2017-7:51)
  • Không có chuyện truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công (18/11/2017-11:59)
  • “Cần đặc biệt đảm bảo an toàn cho phóng viên tác nghiệp vùng lũ (10/11/2017-14:46)