Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Giọt nước mắt mùa thi (10/06/2018-7:05)
    (NLBTH) - Thật khó để quên được những khuôn mặt lo âu, căng thẳng của người lớn trong lúc vạ vật chờ đón con ở cổng trường thi mấy ngày qua.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Lứa “dê vàng” năm nay phải cạnh tranh khốc liệt khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập chỉ có thể đáp ứng chừng hai phần ba số học sinh lớp 9. Những học sinh còn lại rồi sẽ phải vừa học vừa làm ở những trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề bởi không phải hoàn cảnh gia đình nào cũng có thể đáp ứng cho con theo học ở trường dân lập. Trong số đó có những học sinh học lực không hề kém.

Các năm học trước ghi nhận nhiều học sinh ở thành phố Thanh Hóa vì thiếu tính toán đã lao vào nộp hồ sơ thi ở trường học tốt nhất trên địa bàn, rồi trượt. Với số điểm của các em nếu chọn những trường THPT khác đã đậu tốp đầu.

Khát vọng vào trường công lập chất lượng cao, trường chuyên là khát vọng cảm tính không chỉ với nhiều học sinh mà cả người lớn.

Khát vọng quá mức dẫn đến có học sinh tuyên bố cực đoan là sẽ không ra đường, và cũng chẳng học trường nào khác nếu không thi đậu trường chuyên.

Các em đi trong cơn “mộng du” và bố mẹ thụ động đồng hành mà ít lắng nghe tư vấn từ giáo viên trong việc chọn trường, chọn môn chuyên để thi.

Mùa thi trước một học sinh ở thành phố Thanh Hóa thi trượt Chuyên toán Trường THPT chuyên Lam Sơn, mà lẽ ra với học lực của mình em có thể đậu vào Chuyên tin học. Quyết định sai khi nộp hồ sơ đã tước đi khát vọng vào ngôi trường mơ ước của em, dẫn đến cú sốc tâm lý, em không bước ra khỏi nhà và nhịn ăn nhiều ngày.

Trước mỗi mùa thi các trường THCS đều tổ chức thi đánh giá chất lượng để tư vấn chọn trường cho học sinh, nhưng không được chú ý nhiều. Tâm lý thích vào trường chất lượng cao, học trường chuyên không chỉ ở học sinh, mà nhiều học sinh còn bị áp lực từ chính bố mẹ mình. Quyết định sai trong chọn trường có thể chưa là thảm kịch, nhưng sẽ để lại dư chấn tâm lý lứa tuổi.

Những khuôn mặt mà tôi gặp ở cổng trường thi mấy ngày qua, trong số họ ít ngày nữa sẽ có những niềm vui vỡ òa, và cả nỗi buồn sâu thẳm.

Nước mắt mùa thi đã chảy rất nhiều, nhưng như thế vẫn là chưa đủ để cảnh tỉnh sự cảm tính, việc theo đuôi. Khi mà các em còn đi thi bằng niềm tin cảm tính, còn bị áp lực che mắt, mà chưa nhìn thẳng vào năng lực học tập của mình, thì nước mắt còn chảy sau mỗi mùa thi.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Khi chỗ ngồi của học sinh lên mạng xã hội… (08/06/2018-7:45)
  • Khi không cùng lợi ích (05/06/2018-2:18)
  • Sẽ không còn “khoảng tối” quyền lực (02/06/2018-21:42)
  • Cần sự đầu tư khôn ngoan và trách nhiệm hơn (31/05/2018-8:24)
  • Đường sữa dành cho người có năng lực (29/05/2018-13:35)
  • “Chiếc bùa” chữ nghĩa (28/05/2018-10:25)
  • Mất mát không nhỏ (25/05/2018-15:29)
  • Nỗi lo từ những người tâm thần trên phố (21/05/2018-21:58)
  • Áp lực từ tình thương (21/05/2018-8:23)
  • Câu hỏi về năng lực quản lý đất đai (18/05/2018-3:29)