Thứ tư, ngày 01/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nhìn từ việc cán bộ đi học (13/08/2018-8:36)
    (NLBTH) - Nhiều trường chính trị sáng đèn, trung tâm giáo dục thường xuyên tấp nập người vào ra. Cán bộ ngày đi làm, đêm đi học, một câu chuyện chả biết nên mừng hay lo!
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Từ khi Trung ương và các tỉnh ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ bầu cử, bổ nhiệm… thì đã có rất nhiều người xin đi học. Có ngươi cùng lúc theo học nhiều lớp. Nhiều cán bộ chưa nằm trong diện quy hoạch hoặc mới được tuyển dụng cũng bằng cách này, cách kia để được đi học, dù là đi học theo hình thức tự nguyện, dẫn đến công việc ở một số cơ quan không có đủ người làm.

Học để nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm đáp ứng công việc tốt hơn là việc khuyến khích, nhưng vì sao nó chỉ diễn ra rầm rộ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng? Đây không còn là câu chuyện bình thường!

Nếu không có những quy định bắt buộc về trình độ chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu chức danh, công việc, thì liệu nhiều cán bộ có tự nguyện gác chuyện nhà, chuyện cơ quan, chuyện đi chơi trong ngày nghỉ, vào ban đêm để đi học đến vậy không?

Sẽ có người không đồng tình với câu hỏi này, bởi đi học với họ đúng là nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng thật sự. Công việc ban ngày bận rộn buộc họ phải theo các lớp học ngoài giờ. Tuy nhiên có nhiều cán bộ chỉ xem việc đi học nhằm hợp thức hóa hồ sơ, để tránh bị rày rà khi được quy hoạch hay bổ nhiệm…

Phải xem việc bồi dưỡng chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước, việc trang bị trình độ ngoại ngữ, tin học là yêu cầu bắt buộc, không chỉ nhằm chuẩn hóa hồ sơ cán bộ, mà hơn thế là để cán bộ đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc đặt ra ngày càng cao. Vì thế cần phải xác lập tâm thế rõ ràng, đi học phải là tự nguyện, một việc làm có tính thường xuyên, chứ đừng xem đó là điều kiện đủ để… giữ “chiếc ghế” mình đang ngồi. Xác định được điều đó sẽ xác lập được tâm thế thật sự của người đi học, mới không lãng phí thời gian, vật chất.

Nhìn vào bức tranh cán bộ ở nhiều cơ quan đua nhau đi học đêm hôm và ngày nghỉ, thấy mừng, nhưng cũng khó nói là không lo lắng.

Mừng vì nhiều người đi học được nâng cao nhận thức, có thêm kiến thức, kỹ năng để đáp ứng công việc ngày càng tốt hơn. Còn lo bởi sẽ khó tránh khỏi tình trạng có những cán bộ có suy nghĩ thực dụng, cơ hội. Họ chỉ xem việc đi học cốt lấy chứng chỉ nhằm thỏa mãn yêu cầu về mặt hồ sơ. Những cán bộ này nếu được đề bạt, bổ nhiệm e rằng sẽ làm việc một cách tùy tiện gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị…

Lam Vũ


 

Các tin khác:
  • Nhập học trong lặng lẽ (12/08/2018-11:18)
  • Không lẽ người dân nói dối? (11/08/2018-10:29)
  • Tấm pano và vòi nước (08/08/2018-7:28)
  • Chuyện không hề vặt! (07/08/2018-8:10)
  • Phải dẹp “loạn báo chí” gấp (05/08/2018-7:35)
  • Không để tái diễn việc… cấm trên giấy! (03/08/2018-9:43)
  • Lo lắng gia tăng bạo lực (02/08/2018-10:57)
  • Từ bức ảnh ở bảo tàng (31/07/2018-13:48)
  • Ứng xử với Slogan (31/07/2018-13:46)
  • Bài toán nhận thức (30/07/2018-21:20)