Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Ngô Tất Tố với vấn đề chống tham nhũng, hối lộ (07/11/2018-7:42)
    Trong gần 20 năm làm báo (1926-1945), Ngô Tất Tố đã dành một số lượng đáng kể những tản văn báo chí của mình để lên án, vạch trần nạn tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu của các tầng lớp quan lại trong chính quyền thực dân trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời, ông cũng đề ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đó với mong muốn làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Nhiều bài báo của Ngô Tất Tố như những bản cáo trạng, chứng cứ rất cụ thể và
 hơn cả cáo trạng là sức khái quát cao, tác dụng bao trùm đến tận hôm nay

Năm 1942, trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, trong phần giới thiệu về Ngô Tất Tố, Vũ Ngọc Phan đã cho rằng, một trong bốn loại tác phẩm báo chí mà Ngô Tất Tố thường viết là “những bài đả kích những tệ tục, thói tham ô, dởm đời của bọn quan lại, cường hào tư sản, những chuyện chướng tai gai mắt, những chuyện bất công ngang trái trong xã hội cũ”(1) .

Tệ nạn tham nhũng trong chính quyền thực dân, phong kiến

Ngay từ những năm đầu tiên bước chân vào làng báo, Ngô Tất Tố đã viết bài “Trừ tệ tham nhũng - tăng lương quan lại và kiểm soát quan lại - hai phương pháp ấy đằng nào hiệu quả hơn?”. Trong đầu đề bài báo, Ngô Tất Tố đã khẳng định, tham nhũng như một tệ nạn đương nhiên trong đám quan lại, điều quan trọng nhất là phải bài trừ tệ nạn đó bằng phương pháp nào và phương pháp nào hiệu quả hơn.

Là tệ nạn “đương nhiên”, Ngô Tất Tố đã dùng những hình ảnh của loài “chuột bọ”, bọn “sâu bọ”, là “những con mọt già đục khoét dân quê, bất kỳ việc gì, họ cũng nhũng lạm được cả” (2)... để chỉ thẳng mặt lũ quan tham, bọn cướp ngày, công khai bóc lột người dân. Lối viết ví von thâm thúy, đả kích trực diện như vậy của Ngô Tất Tố thể hiện thái độ ghê tởm, khinh bỉ của ông đối với những kẻ mang danh quan “phụ mẫu” trước Cách mạng tháng Tám.

Ngô Tất Tố đã điểm mặt, chỉ tên: “đám sai nha ở phủ huyện, kết giao với đám chức việc ở làng tìm kế xui nguyên dục bị, dùng những mánh khóe quỷ quyệt để bóc lột dân, vu hãm kẻ vô tội vào vòng pháp luật... Bọn thầy cò là bọn lái buôn lẽ phải, lại là bọn thợ chế ra tội ác nữa”(3) ; là bọn “cướp ngày, không ai ngờ lại còn có một sự lo sợ nữa, đó là sợ người nhà nước”(4) ; là những tên tuổi chức danh cụ thể, như “Nguyễn Khắc Khôi, lý trưởng xã Hương Ngải... Hắn phạm tội khai gian khung cửi, lấy bông mua sợi để bán lại với giá thật cao”(5) .

Ngô Tất Tố gọi hạng cò mồi việc quan ở cửa huyện là bọn “Nho” chuyên “bới móc những việc trong hương thôn, xui bên nọ, giục bên kia, để dắt mối thưa kiện cho quan thầy kiếm lời, càng bới được nhiều việc, quan thầy càng yêu, sự mơ tưởng hàng ngày của chúng là được quan thầy tặng cho cái tên là đầy tớ chân tay là hả lắm rồi”(6) .

Trong bài “Người nhà nước” (Thời vụ, 1938), Ngô Tất Tố đã nhận định, những người làm ở công đường, dù lớn dù nhỏ cũng là người nhà nước, “ai dám chống cự thì sẽ bị khép vào tội bất tuân thượng lệnh hoặc ngăn trở công chức nhà nước! Chối cãi vào đâu, chỉ một lời khai của “người nhà nước” cũng đủ bằng chứng cho quan tòa buộc tội rồi”(7). Với oai quyền như thế, trong xã hội đã phát sinh đủ các hạng nhân viên giả hiệu, từ quan tham, quan phán, đến lính nhà đoan, lính mật thám... tất cả đều tìm hết cách dọa nạt, bóc lột những người khờ dại ở thôn quê.

Trong bài “Biểu tình ở Thanh Hóa” trên tờ Thời vụnăm 1938, Ngô Tất Tố viết: “lòng tham là thiên tính của loài người, cũng như sự dữ tợn là thiên tính của giống hùm beo sư tử”(8) . Ngô Tất Tố cho rằng, cái lòng tham nó bành trướng được ở trong quan trường, chẳng qua là dân đã xử với quan nhã quá. Nếu gặp một việc gì ám muội, không thèm kiện cáo lôi thôi, người dân cứ việc rủ nhau thật đông, đến tận cửa quan mà hỏi thì lần sau dẫu đem tiền nấu súp mà đổ vào miệng, các ông ấy cũng không dám ăn. Hùm beo sư tử ở rạp xiếc có dữ tợn đâu. Tinh thần và thái độ của Ngô Tất Tố rất rõ ràng.

Nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố - Ảnh: TL

Sự cần thiết phải điều tra cách làm giàu của đám quan lại

Trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo”, Vũ Bằng đã kể lại chuyện ông cùng Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và Phùng Bảo Thạch rủ nhau làm tờ Tương lai thành một tờ tuần báo tranh đấu được người ta lưu ý, đó là một tờ báo chuyên hướng ngòi bút vào việc “đả kích quan trường, lên án chế độ thực dân”(9) .

Trên tờ báo này, Ngô Tất Tố đã đặt ra vấn đề phải điều tra cách làm giàu của giới quan lại, qua đó làm rõ sự giàu có ấy từ đâu mà ra. Ông từng viết: “Đối với chính phủ, quan lại chỉ là kẻ thừa hành mệnh lệnh nhưng về phương diện khác quan lại lại là một nghề làm giàu rất mau chóng! Một ông hậu bổ kiết xác, thường qua quan trường một vòng độ ít lâu tức thì có ô tô, có nhà lầu, có đồn điền, có tiền gửi ngân hàng, nghiễm nhiên là một nhà triệu phú. Trong thời kỳ ấy vợ rong chơi, con lêu lổng gia đình suốt năm không kiếm ra xu nào, cách ăn tiêu thì xa xỉ gấp trăm người khác”(10) .

Nhũng nhiễu, hối lộ, nhận hối lộ... cái vòng luẩn quẩn ấy chính là nguyên nhân của những nỗi thống khổ của dân nghèo. Từ đó, Ngô Tất Tố đã thẳng thắn chỉ ra rằng, sự giàu có của bọn quan lại thực chất “là mồ hôi nước mắt của dân chúng. Một ông quan lại đạt được mục đích làm giàu, mấy nghìn dân chúng mất cơ, mất nghiệp; là một phần nguyên nhân trong cảnh thống khổ của dân chúng. Quan lại giàu có bao nhiêu, dân chúng thấy khổ bấy nhiêu”.

Trong một bài báo khác, Ngô Tất Tố đã dẫn những số liệu chi tiết liên quan đến mức lương và giá trị của đồng lương, để bàn về việc có người cho rằng, lương của quan lại không đủ chi tiêu cho nên mới sinh tham nhũng. Theo ông, nói như vậy là sự bao biện, bởi phần lớn người dân có thu nhập thấp hơn nhiều mà họ vẫn sống được. Vấn đề là do người dân “gặp việc khó khăn đến mình thì muốn đút lót cho nhanh việc, cho khỏi tội cho nên quan lại mới dễ lấy tiền; cái hồn liêm sỉ đã không còn, cái tệ tham nhũng mới bành trướng”(11).

Với tinh thần đấu tranh trực diện, thẳng thắn, ngòi bút Ngô Tất Tố đã dũng cảm giáng vào đầu bọn quan lại những đòn chí tử. Trong một bài đăng trên báo Tương lai, Ngô Tất Tố viết: “Quan lại tham nhũng chẳng là những kẻ bóp dân như bà cô bóp cháu à? Thủ đoạn của họ cực kỳ màu nhiệm, họ đã bóp người nào thì người ấy không thể không lè lưỡi ra, lè lưỡi cho đến khi có đồ cúng họ... Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề vẫn là những thứ kẻ quê rất sợ, song chưa nguy hiểm cho dân bằng họ”(12) .

Trong bài “Cái lối ấy ông Tổng lý khó tránh lắm”, Ngô Tất Tố cho rằng, xưa nay chính phủ chỉ định cách đánh thuế mà không định phương pháp thu thuế, nên bọn tổng lý có thể tự đặt ra luật lệ đặc biệt cho phép tuần phiên lùng bắt người, bắt trâu bò gà lợn, hoặc đồ đạc của người thiếu thuế. “Cái lối làm việc trái phép ấy chính phủ địa phương tuy cũng biết, nhưng có ảnh hưởng tốt cho sự thu thuế cho nên cũng ngơ cho bọn tổng lý tha hồ nhũng lạm và lương dân không biết cáo tố vào đâu cho được”(13) .

Ngô Tất Tố sử dụng giọng văn hài hước, rất sắc, đôi lúc ông khen để mà lên án, ủng hộ để mà đả phá, mát mẻ trào lộng để mà ẩn giấu phẫn nộ, căm giận - Ảnh: TL

Báo chí tham gia phòng, chống nạn tham nhũng

Trong những bài viết về tệ nạn nhũng nhiễu của các tầng lớp quan lại, Ngô Tất Tố thường xuất phát từ những vụ việc cụ thể và điển hình. Cái tài của ông là ở giữa đống bộn bề thật giả, lẫn lộn chân ngụy ông đã nhận ra rất nhanh, rất nhạy cái tiến bộ để ủng hộ, cái phản động để đả phá. Ông có cách chứng minh, biện luận đầy thuyết phục bằng cách vạch ra cái nghịch lý, cái mâu thuẫn ẩn giấu trong sự việc, bằng cách so sánh với việc xưa, việc ở xứ sở khác, suy luận chắc chắn gắn với cách suy nghĩ của quảng đại nhân dân.

Phê phán tệ nạn tham nhũng của bọn quan lại, Ngô Tất Tố đã sử dụng nhiều cách viết khác nhau, nhưng phải thể hiện được tinh thần: tham nhũng phải bị chỉ tay thẳng mặt, nói rõ cho mọi người biết. Tuy nhiên, điều đó không phải dễ dàng, vì “khi chuyện chưa vỡ lở, những người ngoài cuộc có ai đụng đến bọn đó không... Ở đời ai ưa nói thật bao giờ”(14), từ những hạn chế ấy, Ngô Tất Tố cho rằng, “lý dịch mà nhũng lạm được, là tại dân quê không hiểu quyền lợi của mình. Nay muốn trong lũy tre xanh, ai hiểu quyền lợi của nấy, thì việc giảng dụ cho họ vẫn là một việc rất cần”(15) .

Ngô Tất Tố sử dụng giọng văn hài hước, rất sắc, đôi lúc ông khen để mà lên án, ủng hộ để mà đả phá, mát mẻ trào lộng để mà ẩn giấu phẫn nộ, căm giận. Trong tác phẩm “Chỉ có Tề thiên đại thánh mới trị được họ”, Ngô Tất Tố cho rằng, “muốn trừ tiệt nạn đó, chỉ còn một cách. Nhờ các bác sĩ tìm thứ thuốc gì tiêm cho sạch máu ăn bẩn của bọn quen ăn bẩn đó... mời Tề Thiên Đại Thánh chui vào bụng họ thấy họ ăn bẩn tức thì bóp cho đau bụng bão. Như thế họa chăng họ sợ”(16) .

Ngô Tất Tố đã đặt vấn đề chính phủ cần điều tra và trừng phạt nghiêm những kẻ tham lại. Trước tình trạng khốn đốn của người dân quê, cần quan tâm điều chỉnh việc thu thuế cho thỏa đáng, phân định quyền hạn lý dịch và hương hồi cho rõ ràng(17) . Từ đó, Ngô Tất Tố đề xuất chính phủ phải nghiên cứu đặt cho một phương pháp gì có thể ngăn ngừa được những sự nhũng lạm của các viên chức một khi có việc giao thiệp với dân quê, cần “định đoạt rõ ràng cái quyền hạn và trách nhiệm của một bên thừa hành là các viên chức, một bên phải ứng tiếp là hương lý, những khi các viên chức tới một địa phương nào để thừa hành chức vụ, phải đưa ra đủ giấy má tờ chữ của quan trên cấp cho, lại nên có một thứ dấu hiệu gì đặc biệt để phân biệt thực giả”(18).

Ngô Tất Tố cho rằng, sự giàu có của bọn quan lại thực chất “là mồ hôi nước mắt của dân chúng - Ảnh: TL

Do công khai đả kích và phê phán những mặt trái của tầng lớp quan lại chính quyền thực dân phong kiến trên báo Tương lai, hẳn nhiên bọn quan lại thù ghét tờ báo đó. Ngô Tất Tố đã trả lời chúng: “Từ ngày Tương lai ra đời, tội ác của họ (tức bọn quan lại) luôn luôn bị công kích dưới ngòi bút nghiêm nghị... Hỡi những ông quan lại có máu phàm ăn đã làm những thủ đoạn đê hèn lén lút! Chúng tôi không ghét gì các ông, rất mong các ông cải tà quy chính. Có muốn cho mình khỏi bị Tương lai khui trừ, tốt hơn hết là các ông hãy rửa cho sạch lòng ruột, từ nay đừng bóp nặn dân đen như ngày trước nữa”(19) .

Từ nhận thức rõ bản chất của nạn tham nhũng, Ngô Tất Tố cho rằng, thu nhập hay lương bổng không liên quan đến bản tính tham nhũng của quan lại, cho nên không cần phải tăng lương, vấn đề quan trọng là phải giao cho người dân có quyền giám sát hoạt động của quan lại và phải có một cơ quan làm công tác thanh tra riêng về công tác này. Quan điểm này rất tích cực trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, đến nay quan điểm tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, lập cơ quan chuyên trách làm công tác phòng - chống tham nhũng vẫn nguyên giá trị.

Đọc các bài báo này, người đọc không thể không nghĩ đến những vấn đề tham nhũng hiện nay. Lấy ích dân lợi nước làm mục đích cho nghề bút mực, Ngô Tất Tố đã dành nhiều tâm lực để điều tra, tìm hiểu và phản ánh đúng bản chất của từng sự việc để viết, nhiều bài báo như những bản cáo trạng, chứng cứ rất cụ thể và hơn cả cáo trạng là sức khái quát cao, tác dụng bao trùm đến tận hôm nay.

Trong cuộc đấu tranh xã hội, chỗ đứng và cái nhìn của Ngô Tất Tố cũng rõ rệt. Ông đứng về phía nhân dân bị áp bức, chủ yếu là đứng về phía nông dân đối lập với giai cấp địa chủ phong kiến quan lại. Rất nhiều bài báo của Ngô Tất Tố đến nay vẫn thời sự, như viết ra để nói việc bây giờ, cho người đọc hiện nay./

 

Theo: Nguyễn Bùi Khiêm/ Tạp Chí người làm báo

(1) Vũ Ngọc Phan (2008), Tuyển tập, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.540.
(2) Cao Đắc Điểm, Ngô Thị Thanh Lịch (2011), Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, tr. 967.
(3,4) Sđd, tr. 365,479.
(5,6,7,8) Sđd, tr 883,490,479,403.
(9) Vũ Bằng (2008), Bốn mươi năm nói láo, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.112.
(10,11,12) Sđd, tr 299,50,349,463
(13,14,15,16,17,18,19) Sđd, tr 479, 821, 1007,883, 463, 479, 349

 

Các tin khác:
  • Gian nan không làm chùn bước người làm báo (02/11/2018-10:30)
  • Vị “thuyền trưởng” có duyên với giải thưởng báo chí về dân tộc (01/11/2018-9:16)
  • "Một đời làm báo" của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (31/10/2018-10:20)
  • 4 xu thế ảnh hưởng đến các đài phát thanh, truyền hình truyền thống (31/10/2018-10:17)
  • Nhà báo Dân Huyền - Lửa nghề cháy mãi (26/10/2018-14:55)
  • Nhà báo Dương Linh: Một cây bút có đủ đức và tài (25/10/2018-9:32)
  • Việc càng khó, khi làm được, sự hứng thú với nghề càng được bồi đắp (23/10/2018-12:14)
  • Nghề dạy nghề như "thước dạy thầy, cây dạy thợ" (21/10/2018-10:48)
  • Sức mạnh của truyền thông trong bảo vệ bản quyền báo chí (17/10/2018-9:28)
  • Phát động cuộc thi “Khoảnh khắc báo chí 2018” (18/10/2018-9:26)