Thứ bảy, ngày 04/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Mường Lát trước khi mùa xuân đến! (31/01/2019-7:50)
    Khi ngồi viết những dòng này, trong tôi vẫn đau đáu câu hỏi: Bao giờ Mường Lát sẽ hồi sinh?! Có thể là dăm năm, mươi năm, thật khó để có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi như thế. Cơn cuồng nộ của trời đất trút vào miền Tây của xứ Thanh hồi cuối tháng 8/2018 khiến Mường Lát vốn đã khó khăn càng trở nên điêu đứng, xác xơ. Sau nhiều tháng dồn toàn lực dọn dẹp, khắc phục, mọi thứ vẫn ùn lên, bề bộn đến tức mắt…! Nhưng giữa bộn bề, khó khăn ấy, những con người chân chất ở đây đã cho tôi thấy, họ phi thường như thế nào trong nỗ lực tái thiết lại quê hương sau lũ.
Những thung lũng trồng lúa của người dân Mường Lát bị vùi lấp

1. Rướn mãi rồi chiếc xe 7 chỗ cũng ọt ẹt đưa chúng tôi chạm đỉnh Cổng trời giữa một ngày cuối năm hanh buốt. Từ đây dõi mắt trông lên, Quốc lộ 15C như sợi dây thừng, mới được nhuộm lại một màu nâu vàng, rồi mất hút sau những ngọn núi. Bên đường, những núi bùn đất lẫn với đá mồ côi được máy múc đổ tràn sang phía ta luy âm rồi theo triền dốc, chảy tuột xuống mãi tận bình nguyên. Sau gần 4 tháng huy động hết sức người, sức máy, cuối cùng con đường cũng đã được dọn dẹp, thông tuyến đúng nghĩa.

Dọc đường về trung tâm huyện, dầu tôi đã cố tìm lại những hình ảnh bình yên như vốn có của Mường Lát nhưng không thể. Bên những ngôi nhà, những điểm trường xiêu vẹo, đổ nát là những khuôn mặt hốc hác và những ánh mắt màu bàng bạc, chất chứa lo âu của người dân. Vài đám trẻ tím tái, co ro trong những đôi ủng quá khổ, ngồi đốt lửa sưởi ấm trong các hõm đất, ngơ ngác đưa mắt dõi theo những người khách lạ… Dường như, lũ đi qua đã lấy đi tất cả.

Vàng Thị Seo – trú tại bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, vừa cầm con dao rừng day day vào bờ đất, vừa kể với tôi bằng chất giọng lơ lớ, bâng quơ: Mấy tháng nay, Seo cùng chồng chả buồn đi nương nữa vì lên đấy rồi thì cũng chỉ biết cắm dao vào đá rồi ngồi nhìn nhau, đất đâu nữa mà gieo với trỉa. Đất của mấy vạt nương bị lũ cuốn trôi hết, giờ trơ toàn đá mồ côi. “Nhà mình có 2 vạt nương nhưng cũng bị nước lũ cuốn trôi mất cả. Giờ chỉ lo sao có đủ lương thực để đi qua mùa giáp hạt rồi qua năm mới sẽ tính tiếp!” – Seo lo lắng nói! Bên cạnh, hai đứa con “trứng gà, trứng vịt” của Seo, bám chặt lấy chân mẹ.

2. Đã hơn 2 tháng nay, Lò Quốc Tính - Trưởng bản Pọong không lên nương, mặc dù đây đang là thời điểm trỉa ngô, đậu để đón những cơn mưa xuân đầu mùa. Việc duy nhất trong ngần ấy thời gian là Tính dùng để cùng bà con dân bản thu dọn lại những đổ nát. Những lo lắng chất chứa sau lũ đã biến anh từ một trưởng bản ngoài ba mươi sức vóc, sôi nổi trở thành một gã trung niên trầm tư và kiệm lời. “Không lo sao được khi gần như toàn bộ nhà của, ruộng vườn của dân bản đã bị nước lũ cướp đi hết. Nhà có thể được làm lại trong nay mai nhưng ruộng nương – thứ duy nhất để nuôi sống người dân thì chưa thể hồi sinh. Có sống đời kiếp ở đây mới hiểu được vì sao bà con mình lại quý đất đến thế!” – Tính trải lòng. Hơn ba mươi năm có mặt trong cuộc đời này, có lẽ chưa bao giờ Tính phải chứng kiến một cơn thịnh nộ nào của trời đất ghớm ghê đến thế! Nên dẫu là 2 tháng chứ có đến 20 năm nữa, ký ức kinh hoàng về một trận thiên tai trong anh vẫn còn vẹn như vết dao rừng, chém vào đá núi.

Trưởng bản Poọng - Lò Quốc Tính trò truyện cùng tác giả
Cuối tháng 8, những cơn mưa lớn bất thường, dài dẳng bắt đầu đổ về vùng thượng nguồn sông Mã. Nhưng khác với mọi năm, năm nay những cơn mưa gần như không có hồi kết. Nước trên các con suối lớn chỉ sau ít ngày đã bắt đầu dềnh lên nhấn chìm những thung lũng hẹp. Đất đồi ngậm no nước, nhễu ra hòa vào thành dòng bùn sền sệt màu nâu quánh trôi tuột xuống, biến con sông Mã hiền hòa trở nên hung tợn. 4h sáng ngày 30 tháng 8, Tính choàng dậy, lòng bồn chồn bất an. Ngoài trời đêm mịt mùng, hòa trong tiếng mưa gió ầm ào, nghe có cả tiếng đá mồ côi trôi, rồi đất dưới chân giường cựa mình. Tính vớ vội chiếc đèn pin lao ra khỏi nhà. “Dây đi, chạy nhanh đi Phạ sắp sập rồi bà con ơi!” – anh cuống cuồng lao đến đập cửa, hối thúc những hộ dân sống cạnh con suối Chiệng. Ngơ ngác chưa hiểu điều gì xảy ra và rồi hoảng loạn, hơn chục hộ dân để mặc nhà cửa, trâu bò dắt díu nhau chạy bổ về phía ngọn đồi.

12h trưa ngày 30/8,  mưa lớn vẫn ầm ào trút xuống, phía đỉnh đồi bản Pọong phát ra nhiều tiếng nổ lớn, âm trong lòng đất, đá mồ côi cựa mình rồi cùng với đất đá tạo thành một dòng lũ ống, theo suối Chiệng, lao thẳng từ phía đỉnh đồi, quét xuống bản. Chỉ trong chớp mắt, gần chục căn nhà sàn của đồng bào dựng ven suối đã bị cơn lũ nuốt chửng. Đứng bên này suối, Tính hò hét như điên dại. Tiếng kêu khóc, tiếng trâu bò kêu rống bị nuốt chìm nghỉm vào tiếng mưa, tiếng đá trôi, cành cây đổ gãy. Còn vài người dân nữa đang chới với phía bờ bên kia, Tính lao đi nhưng một bàn tay đã níu anh lại. Vợ Tính mặt tái nhợt, nói không thành tiếng: “Đừng đi, đi là chết đấy!”. Tính nhìn vợ không nói rồi vằng khỏi tay vợ, lao vào màn mưa. Đưa được mấy người dân chạy đến chỗ cao, quay đầu nhìn lại, căn nhà của Tính, nhà của bố mẹ và nhiều căn nhà nữa của bà con đã biến mất trong. Tính đổ sụp xuống như cây chuối rừng mất gốc. Nước mắt hòa với bùn đất, nước mưa ngẹn chát trong cổ họng… nhưng còn bao nhiêu con người nữa cần cứu trợ, Tính lại bật dậy lao vào màn mưa.

7h tối ngày 30/8, Lò Quốc Tính mới gom được phân nửa số dân bản, tập hợp mọi người, lần mò trong đêm đi vòng phía đỉnh đồi để sang bên kia suối Chiệng. Qua được suối đã nghe thấy tiếng kêu khóc ai oán của một số người cũng vừa thoát khỏi dòng lũ. Lẫn trong số ấy, vợ Tính lao đến ôm chầm lấy anh, nghẹn ngào, nói không nên lời. Đến lúc ấy, Tính và vợ mới biết cả nhà còn sống. 2h sáng ngày 31/8, sau khi gom và kiểm lại thấy không thiếu một ai, anh mừng đến phát khóc.

Trời tảng sáng, Tính tập hợp bà con lại, động viên dắt díu nhau đi về phía thị trấn huyện. Sau 2 ngày không lương thực, không sóng điện thoại, Tính và hơn 400 người dân bản Pọong trong tình cảnh tuyệt vọng đã lần mò ra đến bản Lát (thị trấn Mường Lát). Đến lúc này, nhiều người mới biết, Tam Chung vừa trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng chưa từng có. “Trong cơn lũ này, toàn bản có 34 căn nhà bị xóa sổ hoàn toàn, 17 căn nhà bị vùi lấp. Toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi và đồng ruộng cũng bị cuốn trôi và bồi lấp. Ngay cả căn nhà mà vợ chồng mình tích cóp lâu nay mới làm được cũng bị Phạ lấy đi mất rồi! Cũng may không mất ai trong lũ!” – Tính buồn bã thống kê!

3. Tôi gặp anh khi nắng chiều đã tắt hẳn, Chủ tịch huyện Mường Lát Nguyễn Cao Cường không dấu được những ưu tư sâu trong ánh mắt. Mường Lát vốn đã nhiều khó khăn nay lại càng thêm chồng chất. Đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua, toàn huyện có 112 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở tái định cư và ổn định đời sống nhân dân là hết sức cần thiết và cấp bách.  Tại các bản bị thiệt hại nặng về nhà ở như: bản Pọong, xã Tam Chung, Na Chừa xã Mường Chanh, bản Qua, xã Quang Chiểu, huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát quỹ đất, quy hoạch, tranh thủ sự giúp đỡ của các doanh nghiệp hảo tâm như: C.ty Miền Tây, Tập đoàn Miền Trung… để xây dựng khu tái định cư, phấn đấu đến trước Tết Nguyên Đán sẽ hoàn thành việc xây nhà tái định cư cho người dân.

Cái lo lắng nhất hiện nay với đồng bào Mường Lát không chỉ riêng vấn đề nhà ở mà ở đó còn là vấn đề sinh kế, tạo nguồn lương thực tại chỗ lâu dài. Sau lũ, gần như toàn bộ hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng của huyện đã bị xóa sổ. Cùng với đó  là 192ha đất hoa màu, 850ha đất sản xuất lúa nước bị vùi lấp và cuốn trôi hoàn toàn. Trước mắt, huyện sẽ xin tỉnh cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích nói trên. Đây không chỉ là vấn đề sản xuất lương thực tại chỗ mà nó còn góp phần hồi sinh những cánh đồng chết sau lũ.

Trên khu mặt bằng tái định cư rộng hơn 3ha cho bà con vùng lũ bản Pọong, xã Tam Chung, niềm vui đã nhen trong mắt trưởng bản Lò Quốc Tính. Anh cho biết:  Đến thời điểm hiện tại, tiến độ xây dựng mặt bằng tái định cư đã được C.ty Miền Tây hoàn tất. Dự kiến, các khu nhà này sẽ được xây dựng xong trước Tết Nguyên đán.“Vui lắm chứ! Có an cư thì mới có thể yên tâm để bắt tay vào xây dựng lại bản làng. Vậy là người dân bản mình lại sẽ có nhà mới để kịp đón Tết rồi!”

Tôi rời Mường Lát khi cơn mưa phùn đã phủ mờ những ngọn núi. Qua ô của kính xe, mầu xanh của những vạt ngô, đậu đã bắt đầu mọc lại ven những triền dốc, dẫu vẫn còn thưa thớt, èo uột. Bao giờ Mường Lát mới lấy lại được thăng bằng?! Dăm năm, mươi năm hay lâu hơn nữa…! Nhưng duy có một điều khiến tôi tin rằng, với nỗ lực của chính quyền, người dân và sự chung tay giúp đỡ của Đảng và nhà nước, những tấm lòng hảo tâm đã và đang hướng về, Mường Lát sẽ sớm hồi sinh!


Nguyễn Chung

 

Các tin khác:
  • Rong chơi cùng tết (29/01/2019-22:50)
  • Chống tham nhũng, khoan nhượng là thất bại (26/01/2019-21:48)
  • Khúc vĩ thanh… (24/01/2019-10:46)
  • Để không đơn giản là phép trừ vô nghĩa (22/01/2019-7:24)
  • Lo quà tết! (17/01/2019-12:04)
  • Văn hóa công vụ: Phải dẹp được nạn cấp trên, cấp dưới “nịnh bợ” nhau! (15/01/2019-10:25)
  • Không nhân nhượng với tham nhũng vặt (10/01/2019-11:17)
  • Dễ "vỡ trận" khi học tự chọn bậc THPT (08/01/2019-17:47)
  • Thị trường tiền tệ khép lại một năm ‘vượt thác’ thành công (07/01/2019-1:18)
  • Những trường hợp nào có nguy cơ bị tinh giản biên chế năm 2019? (18/12/2018-14:02)