Thứ tư, ngày 15/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nhận thức rõ trách nhiệm để làm tốt hơn (04/04/2019-23:26)
    (NLBTH) - Nhiều trường học đang “lên dây cót” kỷ luật sau hàng loạt vi phạm nghiêm trọng diễn ra tại Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian gần đây.

Câu hỏi đặt ra là nếu như không có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tào, thì liệu các trường học có đôn đáo đến như vậy?

Thêm một câu hỏi nữa là, nếu như công tác quản lý học sinh thể hiện được đúng tầm trách nhiệm, sớm phát hiện vi phạm để chủ động “tháo ngòi nổ”, thì có đến mức xảy ra những vụ việc đau lòng thế không?

Siết lại kỷ luật trong trường học là điều hết sức cần thiết lúc này nhưng đang cho chúng ta thấy bóng dáng của việc “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhiều người làm công tác quản lý giáo dục đang được ví như là những người: “Xây nhà từ nóc”.

Tại Hội thảo công tác đảm bảo an ninh - trật tự trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cách đây gần 5 năm, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên Ngũ Duy Anh đã thông tin là chỉ trong 4 năm (từ 2010 đến 2014) có tới 7.735 học sinh, sinh viên đánh nhau đến mức bị xử lý kỷ luật.

Tưởng rằng con số giật mình ấy sẽ thôi thúc cơ quan quản lý giáo dục và các trường học tăng cường ứng phó hơn, nhưng tiếc là tình trạng bạo lực trong học đường không những không giảm mà còn gia tăng với mức độ nguy hiểm hơn.

Chúng ta có nhiều quy định liên quan đến nề nếp, kỷ cương học đường như Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường hay Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các bộ, ngành cũng đã ban hành tới 11 thông tư liên quan vấn đề này, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 thì việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm, còn nặng tính hình thức.

Chắc chắn nhiều người làm công tác quản lý trường học và giáo viên chủ nhiệm không phải là không biết điều này, nhưng bởi việc phải chạy theo thành tích khiến họ phải lâm vào cảnh “mũ ni che tai”. Điển hình trong số đó phải kể đến vụ việc 5 học sinh đánh bạn mới đây ở Hưng Yên. Những nữ sinh này đã vi phạm có tính hệ thống, giáo viên chủ nhiệm biết nhưng đã không có biện pháp ngăn cản, khi vụ việc vỡ lở nhà trường còn xử lý hết sức xuê xoa.

Trường học hãy lắng nghe đầy đủ phản hồi từ xã hội, hợp tác tốt nhất với gia đình học sinh để xây dựng một môi trường giáo dục tốt nhất.

Hy vọng các cơ sở giáo dục “lên dây cót” kỷ luật, kỷ cương học đường lần này không còn là chuyện đối phó nữa, mà là bởi họ đã thấy rõ trách nhiệm phải làm nhằm đảm bảo sự lành mạnh cho những thế hệ của tương lai đất nước.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Chung sống với dung tục (02/04/2019-11:09)
  • Tăng trưởng niềm tin (31/03/2019-20:44)
  • Tránh “bắt nhái bỏ đĩa” (29/03/2019-15:25)
  • Đừng vì cảm xúc của người lớn (28/03/2019-11:04)
  • Không u mê, tiếp tay (25/03/2019-8:55)
  • Đừng để việc thanh niên tình nguyện nhặt rác chỉ tồn tại như một trào lưu (21/03/2019-22:10)
  • Giải quyết xung đột lợi ích trong tiêu dùng (21/03/2019-10:49)
  • Đừng nhìn vào bữa ăn như cơ hội để kiếm chác (20/03/2019-8:11)
  • Kiểm soát cảm xúc (19/03/2019-8:47)
  • Mị mị hối lộ bề trên (16/03/2019-22:23)