Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Để pháp luật về quảng cáo không trở nên lạc lõng (23/04/2019-17:16)
    (NLBTH) - Nhiều lái xe bị gõ cửa làm phiền khi dừng ở ngã tư có tín hiệu giao thông hoặc nơi nào đó trên đường phố. Bên ngoài cửa kính là nhân viên phát tờ rơi quảng cáo với khuôn mặt lạnh lùng, động tác cơ học.

Hiện đang là thời gian cao điểm của đợt mua sắm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nên các cửa hàng, nhãn hàng gia tăng quảng cáo, nhân viên phát tờ rơi đông đúc hơn trên đường phố, khiến cho sự mất mỹ quan và trật tự đô thị thêm gia tăng.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 5/5/2017 quy định mức phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó.

Một quy định rõ về định lượng và cần thiết trong cuộc sống đô thị, nhưng dường như trong gần 2 năm qua chưa có cơ quan nào thống kế xem đã có bao nhiêu người, bao nhiêu nhãn hàng bị xử phạt vì vi phạm để có sự điều chỉnh?

Với chừng ấy thời gian đi vào cuộc sống, đang cho ta thấy ít nhiều sự “cô đơn” của quy định này trên bàn cơ quan thực thi pháp luật về quảng cáo.

Sẽ rất khó để phát huy được sức mạnh của chế tài này khi mà phạm vi, đối tượng áp dụng của việc phạt là rất khó khăn, nhất là trong việc xác định vi phạm, vì phần lỗi này vừa thuộc về người trực tiếp thực hiện quảng cáo, vừa thuộc về cả đối tượng tiếp cận quảng cáo là những người đi đường.

Thông thường khi được phát những mặt hàng dùng thử như các loại xà phòng, sữa tắm, dầu gội đầu, nhiều người đi đường sẽ nhận ngay, nhưng rất ít người hứng thú với tờ rơi quảng cáo. Họ thường lắc đầu, xua tay, chỉ có số ít người miễn cưỡng liếc qua rồi vứt ngay tờ quảng cáo xuống chân mình.

Có lẽ các đơn vị quảng cáo cần có quy định nghiêm túc hơn, tập huấn đầy đủ, bài bản cho nhân viên phát tờ rơi về kỹ năng, thái độ ứng xử sao cho thuyết phục hơn, để có thêm nhiều cánh tay đưa ra nhận những tờ rơi quảng cáo thay cho hình ảnh thường thấy. Những hình ảnh không chỉ xấu xí, lãng phí, mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường.

Đặc biệt các nhà tổ chức quảng cáo cần thể hiện được tính chuyên nghiệp trong hoạt động, đó là cần dọn dẹp hiện trường mà mình đã tham gia quảng cáo bằng việc thu gom lại những tờ rơi dưới đường sau khi kết thúc buổi làm việc. Không nên biến lợi ích của mình thành gánh nặng công việc cho lao công đường phố.

Sự nhận thức đúng của cả người quảng cáo và người nhận quảng cáo chính là môi trường tốt để quy định của pháp luật về lĩnh vực này không trở nên lạc lõng trong cuộc sống.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Xây dựng cơ chế giám sát phường, họ (17/04/2019-6:30)
  • Kiếm tiền tử tế (16/04/2019-10:15)
  • Từ mức tăng trưởng GRDP quý 1 và yêu cầu về giữ “lửa” tăng trưởng năm 2019 (11/04/2019-22:35)
  • Hướng tới sự hài lòng của người dân (08/04/2019-11:19)
  • Cần biện pháp căn cơ (08/04/2019-11:17)
  • Nhận thức rõ trách nhiệm để làm tốt hơn (04/04/2019-23:26)
  • Chung sống với dung tục (02/04/2019-11:09)
  • Tăng trưởng niềm tin (31/03/2019-20:44)
  • Tránh “bắt nhái bỏ đĩa” (29/03/2019-15:25)
  • Đừng vì cảm xúc của người lớn (28/03/2019-11:04)