Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Những chiếc “đầu” rác (02/05/2019-22:35)
    (NLBTH) - Rác thải luôn là nỗi ám ảnh sau mỗi kỳ nghỉ dù chúng ta đã đề cập rất nhiều.
Rác thải tràn ngập ở bãi biển Hải Tiến (ảnh: Báo Thanh niên)

Khi mà khách du lịch chấp nhận hòa mình vào một cuộc “hành xác” tập thể, cũng là lúc lối sống vô kỷ luật ở nhiều người lên ngôi, sự tùy tiện trong ứng xử với môi trường ở mỗi con người gần như không thể kiểm soát được.

Ở bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) qua ghi nhận của phóng viên cho thấy một lượng chất thải rắn lớn không chỉ tồn tại trên bãi cát, rừng phi lao, đường đi, sân, vườn khách sạn, mà cả trên mặt nước, trôi theo sóng va đập vào người tắm biển.

Một bãi tắm thơ mộng bị rác bẩn tấn công thô bạo cũng là tình trạng chung của nhiều bãi tắm trong dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vừa qua.

Đây là hệ quả tất yếu của tình trạng quá tải khách du lịch cũng như thiếu biện pháp kiểm soát, ngăn chặn hữu hiệu từ cơ quan quản lý.

Sau mỗi kỳ nghỉ lễ câu hỏi về ý thức lại được đặt ra, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có đủ sự can thiệp hữu hiệu và quyết liệt trong xử lý vi phạm để có thể thay đổi căn bản căn bệnh này.

Mọi sự kêu gọi, khuyến cáo, mạnh hơn là biện pháp phạt tiền từ cơ quan chức năng chỉ đem lại chút quan tâm nho nhỏ đối với người xả rác.

Họ biết rằng, dù có đề cao xử phạt, thì cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để làm khó họ. Nhiều người sử dụng dịch vụ du lịch thường suy nghĩ khi họ đã bỏ ra đồng tiền để mua dịch vụ, thì họ có quyền làm theo theo ý thích. Dọn dẹp, khắc phục cảnh quan, môi trường là việc của người cung cấp dịch vụ.

Nhưng khi mà việc thuê mặt bằng kinh doanh ở các khu, điểm du lịch thường có mức giá khá cao, người cung cấp dịch vụ không còn nhiều thời gian để nghĩ đến điều đó. Họ thường chỉ quan tâm nhiều đến việc làm sao để bán được nhiều hàng hóa nhằm có lợi nhuận bù vào chi phí thuê mặt bằng và các loại thuế, phí. Chiều lòng, chấp nhận sự tùy tiện cũng là một cách để thu hút khách.

Những lợi ích là khác nhau, nhưng điều giống nhau là gần như ai cũng vô trách nhiệm với môi trường. Cả người sử dụng dịch vụ lẫn cung cấp dịch vụ đều cho rằng quyền của mình được làm như vậy, trong khi sự khắc phục môi trường của cơ quan chức năng là hữu hạn.

Rác thải từ khách du lịch ngày một nhiều hơn không chỉ làm xấu đi cảnh quan, mà còn ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Tổ chức văn hóa, du lịch Liên hợp quốc đã đưa ra khuyến cáo về sự biến mất của một số khu du lịch biển nếu tiếp tục để xảy ra những vi phạm về môi trường. Sự lo sợ mang tính toàn cầu dường như vẫn là chuyện ở đâu đó, xa lạ với nhiều người đang hưởng lợi từ du lịch biển.

Câu chuyện rác thải ở các khu, điểm du lịch, nhất là du lịch biển vẫn sẽ còn là câu chuyện lâu dài đầy lo lắng, trở thành gánh nặng môi trường nguy hại.

Khi mà cái đầu của một bộ phận khách du lịch chưa được “dọn dẹp” sạch “rác”, thì rác thải thực thể vẫn bị họ xả ra môi trường một cách vô tội vạ.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Tinh thần làm việc (01/05/2019-10:30)
  • Dụng pháp chính trực (29/04/2019-21:00)
  • Hiệu quả kiểm soát tham nhũng (26/04/2019-21:16)
  • Tăng sức hút cho thiết chế văn hóa (25/04/2019-11:46)
  • Cùng ươm gieo mầm thiện (24/04/2019-11:05)
  • Để pháp luật về quảng cáo không trở nên lạc lõng (23/04/2019-17:16)
  • Xây dựng cơ chế giám sát phường, họ (17/04/2019-6:30)
  • Kiếm tiền tử tế (16/04/2019-10:15)
  • Từ mức tăng trưởng GRDP quý 1 và yêu cầu về giữ “lửa” tăng trưởng năm 2019 (11/04/2019-22:35)
  • Hướng tới sự hài lòng của người dân (08/04/2019-11:19)