Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo đón tết nơi xa xứ (17/01/2020-15:48)
    Tết là dấu ấn văn hóa trường tồn trong tâm hồn người Việt. Tết để đoàn viên, sum vầy. Những ngày này khi màu của Tết, mùi của Tết đã tràn ngập mọi nẻo đường Việt Nam, khi quê nhà mọi người đang tíu tít chuẩn bị đón năm mới cũng là lúc những người làm báo khắp nơi trên thế giới chuẩn bị cho một cái Tết xa nhà. Tạp chí Người Làm Báo ghi lại những chia sẻ của họ trước dịp Tết đến xuân về.

Phạm Mạnh Hùng, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Hàn Quốc

Đây là năm thứ hai tôi và gia đình nhỏ của mình đón Tết tại Hàn Quốc. Mặc dù là dịp Tết, song chúng tôi vẫn hoạt động như những ngày làm việc bình thường, vẫn làm tin khi có sự kiện nóng diễn ra trên địa bàn Bán đảo Triều Tiên. Ngoài việc theo dõi tin tức, tôi cũng tranh thủ gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ và đại gia đình ở Việt Nam. Một hoạt động tác nghiệp vui vẻ trong dịp Tết là tới một số gia đình người Việt sinh sống ở đây để ghi lại không khí đón Tết xa quê của bà con. Vì có rất nhiều người Việt đang ở Hàn Quốc nên ở đây có đủ nguyên liệu để làm các món ăn truyền thống ngày Tết như ở Việt Nam, cũng có bánh chưng, dưa hành, giò chả, canh măng, nem, xôi gấc… Các gia đình người Việt ở đây cũng làm cơm cúng giao thừa như ở nhà.… Tất nhiên, cảm giác và không khí đón Tết ở đây không thể vui như ở Việt Nam, chúng tôi vẫn có những cảm giác buồn man mác vì phải xa nhà trong những ngày đầu năm mới. Chúng tôi vừa ăn Tết vừa làm việc chứ không được nghỉ hẳn như ở Việt Nam.

Nhân dịp Tết đến xuân về, thay mặt Cơ quan thường trú TTXVN tại Hàn Quốc, tôi xin chúc anh chị em nhà báo một năm mới dồi dào sức khỏe, chân cứng đá mềm, có nhiều sản phẩm báo chí hay, mới lạ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc trong và ngoài nước. Xin chúc anh chị em cùng gia đình một năm mới nhiều hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống!

Nhà báo Đỗ Việt Nga, Trưởng Đại diện Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Australia

Tôi làm báo tính đến nay được hơn 18 năm, hầu hết trong khoảng thời gian đó là làm thời sự. Vì vậy, cứ mỗi đợt lễ, Tết, khi mọi người được nghỉ, tôi vẫn phải đi làm theo ca. Nếp công việc như vậy cũng dần quen cho đến khi sang làm tại cơ quan thường trú Đài TNVN Australia tôi cũng vẫn xác định Tết là dịp bận rộn và cần làm các sản phẩm đặc trưng thể hiện được không khí đón Tết ở nước ngoài, cảm xúc và sự chuẩn bị của bà con, để cho mọi người thấy rằng dù sống xa quê nhưng người Việt vẫn luôn nhớ về ngày Tết truyền thống, bởi đây không chỉ là cơ hội để duy trì văn hóa truyền thống mà còn là dịp để gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng.

Trong quá trình đi tác nghiệp, tôi thấy rất ấm áp khi bà con cố gắng sắp xếp công việc để chuẩn bị mang đến một cái Tết nhiều hương vị Việt nhất có thể. Có lần đi quay phóng sự về một gia đình chuẩn bị bữa cơm tất niên, tôi thực sự xúc động khi bố mẹ đưa hai người con đang ở độ tuổi thanh niên đi chợ để chọn mua đồ và người mẹ cố gắng giải thích cho con về các món ăn truyền thống và các phong tục Tết cổ truyền của người Việt. Tôi nghĩ rằng gia đình nào cũng kiên trì hướng dẫn các con như vậy thì các thế hệ sau dù sống xa quê hương nhưng vẫn sẽ luôn mang trong mình trái tim, tâm hồn người Việt.

Tôi luôn nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ không khí bận rộn ở cơ quan những ngày giáp Tết. Do đó, tôi đã chuyển tất cả nỗi nhớ ấy, tình cảm ấy vào trong các bài viết, phóng sự của mình với mong muốn ở nhà sẽ thấy được “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”, về quê hương, về cội nguồn.

Ngọc Thạch, phóng viên thường trú VOV tại Ai Cập

Là phóng viên thường trú, nhất là thường trú ở nước ngoài việc đón Tết xa nhà là điều mà hầu hết chúng tôi đều phải trải qua. Tôi đã có hai nhiệm kỳ công tác tại nước ngoài và đón nhiều Tết xa nhà, làm việc và sống tại đất nước Trung Đông mà đa phần là người Hồi giáo, văn hóa Hồi giáo nên có rất nhiều nét khác biệt. Người Hồi giáo và các nước Hồi giáo không đón Tết cổ truyền như Việt Nam hay Á Đông và cũng không đón Giáng sinh hay Tết dương lịch. Những ngày đầu năm dương lịch hay những ngày Tết cổ truyền Việt Nam mọi công việc và cuộc sống ở đây vẫn như ngày thường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng tìm kiếm các đề tài liên quan tới năm mới, nét văn hóa đặc sắc của ngày Tết hoặc phản ánh tình hình của cộng đồng bà con, để lấy không khí, để cảm nhận Tết Việt đang tới gần. Thực sự càng gần những ngày Tết, chúng tôi càng thấy nhớ nhà hơn, nhớ không khí Tết hơn và muốn được về đoàn tụ, được quây quần bên gia đình sau cả năm trời xa cách. Giây phút xúc động và nhớ nhất chính là thời khắc giao thừa, lúc gọi điện chúc Tết bố mẹ, gia đình bên nội, bên ngoại và anh em bạn bè. Cảm xúc lúc đó thật khó tả, dù đã lớn tuổi, đã nhiều năm xa nhà nhưng những giây phút đó cảm xúc vẫn bâng khuâng. Mặc dù xa nhà nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian để trang trí nhà cửa, mua hoa, quả, bánh kẹo và chuẩn bị mâm cỗ thắp hương ngày Tết để tạo cảm giác ấm cúng và cũng khiến cho Tết xa nhà như gần hơn, như vơi đi nỗi nhớ.

Nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến, Đại diện thường trú báo Văn nghệ tại CH Áo, EU, LHQ tại Vienna

Gần mười năm tôi đón Tết xa nhà, tưởng lâu dần, mình sẽ nguôi ngoai nhớ quê nhưng không phải như vậy. Có lẽ nào càng lớn tuổi người ta càng nhớ về cố hương chăng?. Không chỉ riêng tôi, mà khi tác nghiệp với bà con kiều bào, tôi cũng nhận thấy những người già, họ thường nhớ quê lắm. Mỗi dịp cuối năm họ thường tụ họp con cháu, để gói bánh chưng, làm cỗ cúng Tất niên, và đón năm mới. Tụi trẻ con tuy ít kí ức về không khí Tết cổ truyền nhưng rõ ràng là chúng cũng hồi hộp, mong chờ vào những dịp đó. Hàng năm, tôi vẫn thường đưa tin cảnh bà con đón Tết nơi xa xứ hoặc các sinh hoạt cộng đồng nhân dịp Tết lễ về đài VTC10, VTV4 khiến bà con và tụi nhỏ cũng vui. Ở Áo có khoảng hơn 5.000 người Việt sinh sống, và chỉ có vài ba siêu thị nhỏ bán thực phẩm châu Á, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan (rất ít đồ nhập khẩu từ Việt Nam). Nhiều gia đình mà tôi biết, họ cũng thường sang Séc, Hungary để mua sắm đồ vào dịp cuối năm.

Nhân dịp năm mới xin kính chúc các đồng nghiệp nhà báo cùng bà con trong và ngoài nước đón một năm mới hạnh phúc, tràn đầy năng lượng, đoàn kết và cùng nhau trở thành những vị ‘‘đại sứ thiện chí`` để kết nối bạn bè quốc tế với Việt Nam.  

Phạm Huân, Phóng viên VOV tại Mỹ

Đây là năm thứ 4 tôi và gia đình không được đón Tết âm lịch ở Việt Nam. Đối với tôi, việc đón Tết cổ truyền ở nước ngoài cũng đã thành một thói quen do trước đây tôi từng du học ở Cuba rồi sau đó cũng đã có một nhiệm kỳ ở Ai Cập và hiện nay đang công tác tại Mỹ được hơn 3 năm. Tôi thường về Việt Nam họp tổng kết dịp cuối năm rồi quay lại Mỹ ngay vì mỗi dịp gần Tết công việc của chúng tôi rất bận, để đáp ứng nhu cầu tin bài theo yêu cầu như phản ánh không khí chuẩn bị đón Tết của cộng đồng người Việt hay tâm tư, tình cảm của người Việt Nam tại Mỹ đối với quê hương trong thời khắc giao thừa... Có tiếp cận với cộng đồng mới thấy người Việt nào cũng coi trọng Tết cổ truyền dân tộc khi hầu như nhà nào cũng đều chuẩn bị mâm cơm cúng, gói bánh chưng, đi chùa đầu năm, hay thăm hỏi lẫn nhau. Những lúc như vậy, bản thân tôi cũng có nhiều cảm xúc lẫn lộn, vừa thấy nhớ không khí Tết ở Việt Nam được quay quần với người thân, tụ tập với bạn bè, đồng nghiệp, vừa cảm thấy các hoạt động của cộng đồng đã giúp mình gần gũi với quê hương hơn. Sau khi lo xong chuyện bài vở là lúc tôi cùng gia đình cũng đi chuẩn bị cho Tết. Chợ người Việt bên này tương đối đầy đủ mọi thứ như ở Việt Nam nên không khó để kiếm được các nguyên liệu cần thiết. Gia đình tôi cũng có mâm cơm cúng giao thừa, thường là theo giờ Việt Nam, rồi cũng cố gắng có các hoạt động như lì xì năm mới, đi chùa cầu may nếu Tết rơi đúng vào ngày nghỉ. Ở Mỹ các hoạt động vẫn diễn ra bình thường trong dịp Tết của Việt Nam nên các phóng viên như tôi không có ngày nghỉ, vẫn luôn phải trực tin trong khi con cái vẫn đi học bình thường. Các gia đình người Việt trong cùng tòa nhà thường tổ chức một buổi liên hoan nhỏ đón năm mới, vừa ăn vừa xem các kênh truyền hình của Việt Nam để cùng nhau chia sẻ cảm giác xa nhà. Báo điện tử cũng là kênh tin tức mà chúng tôi cập nhật không khí Tết ở Việt Nam, rồi qua các kênh xã hội như Facebook để liên lạc và chúc Tết với người thân và bạn bè.

Theo: Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn với "cuộc chiến chống giặc nội xâm" đầy cam go trên báo chí (17/01/2020-15:44)
  • Báo chí chính thống không được phép thua (16/01/2020-14:52)
  • “Cây gậy” pháp lý thừa sức làm trong sạch tình hình (14/01/2020-10:24)
  • Thước ngắm về trách nhiệm (31/12/2019-21:51)
  • Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh và câu chuyện "Thời của tạp chí" (30/12/2019-16:33)
  • Nhà báo Lục Hương Thu – Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Lào Cai: “Vị ngọt” của nghề là được cống hiến cho vùng đất mình đang sống (27/12/2019-15:21)
  • Nỗ lực bồi dưỡng đào tạo bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại (26/12/2019-14:56)
  • Báo chí cũng là nạn nhân của tin giả (25/12/2019-19:31)
  • Phóng viên ảnh Tuấn Mark và những “khoảnh khắc đáng giá” (25/12/2019-18:54)
  • Giao diện mới Báo điện tử Xây dựng: Công cụ hữu hiệu trong tuyên truyền chính sách của Ngành (23/12/2019-12:47)