Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và dân chủ trong báo giới (22/07/2016-7:44)
    (NLBTH) - Hội Nhà báo Việt Nam đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp hội góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam song song với việc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016.
 Hình ảnh tại Hội nghị quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định
đạo đức Người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương
và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ảnh: Lê Thắng 

Theo Điều 8 Luật Báo chí 2016 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam, trong 8 nhiệm vụ lớn, Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ cho hội viên.

Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành từ Đại hội lần thứ VIII, đến nay đã hơn 10 năm, hầu hết các điều mang tính vận động, định tính và kêu gọi nhà báo thực hiện tác nghiệp theo lương tâm và trách nhiệm, vì vậy không còn phù hợp với thực tế đời sống báo chí trong nước.

Việc góp ý sửa đổi để xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp đối với người làm báo Việt Nam phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí 2016 là hết sức cần thiết, tránh sự chồng chéo, bất cập trong việc quản lý và xử lý vi phạm trong tác nghiệp, trong ứng xử của người làm báo.

Tại Hội nghị quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trung tuần tháng 7/2016 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đều khẳng định, đây là việc làm hết sức cần thiết, phù hợp với pháp luật và yêu cầu đặt ra trong đời sống báo chí hiện nay.

Một đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi để người làm báo cùng nhau thảo luận, đề xuất, để xây dựng nên quy định có tính mực thước cho chính mình, và có nghĩa vụ phải thực hiện nghiêm túc.

Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam chính là bộ quy tắc mẹ, trên cơ sở đó các cơ quan báo chí căn cứ vào tôn chỉ, mục đích, đặc thù của mình để xây dựng thêm những quy định “con”, trong đó hết sức chú ý đến việc phát ngôn của nhà báo, người làm báo trên mạng xã hội.

Người làm báo ngoài việc tuân thủ Quy định đạo đức nghề nghiệp, còn cần phải có quy định cho riêng mình gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo.

Những người có trách nhiệm ở Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam cũng dẫn ra những bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp có tính ràng buộc cao, hiệu quả lớn như Bộ Quy tắc của Hãng thống tấn BBC, của một số cơ quan báo chí nước ngoài, mà ở đó sự vi phạm bị xử lý rất mạnh, rất nghiêm, và gần như phóng viên của các hãng thông tấn, cơ quan báo chí này không dám vi phạm.

Theo kế hoạch, đợt góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam diễn ra hết tháng 8 tại các chi hội, liên chi hội nhà báo ở các cơ quan báo chí Trung ương và các Hội Nhà báo địa phương, sau đó Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tập hợp góp ý, tổ chức hội thảo để đi đến thống nhất ban hành và triển khai học tập trong toàn thể hội viên, bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2017 cùng với Luật Báo chí 2016.

Quy đinh đạo đức Người làm báo Việt Nam hiện tại gồm 9 điều. Việc góp ý sửa đổi, bổ sung có thể tăng hoặc bớt điều, Hội Nhà báo Việt Nam hoan nghênh những sáng kiến, đề xuất mới của các cá nhân, đơn vị.

Anh Vũ

 

Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam hiện tại

 

Quy định hiện nay

Đề nghị sửa mới

Điều 1: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Điều 2: Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.

 

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan tôn trọng sự thật.

 

Điều 4: Sống lành mạnh, trong sáng không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.

 

Điều 5: Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.

 

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.

 

Điều 7: Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn.

 

Điều 8: Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.

 

Điều 9: Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.

 

Nội dung góp ý xin gửi về Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa

Địa chỉ: Tòa nhà Hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đường Lý Nam Đế, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa

Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com

Điện thoại: 0373.752456

 

Các tin khác:
  • Bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành (21/07/2016-22:28)
  • Xây dựng bộ quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật và hoạt động báo chí (21/07/2016-22:18)