Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam (13/12/2021-14:16)
    Tháng 4/1950, tại ATK Chiến khu Việt Bắc đã diễn ra Đại hội thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” - năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch Hội và được Tổ chức quốc tế Các nhà báo (OIJ) cử vào Đoàn Chủ tịch OIJ, cho tới tháng 9/1962.

 Nhà báo Xuân Thủy (người quàng khăn ngồi giữa) và đồng nghiệp tại Chiến khu Việt Bắc - Ảnh: Tư liệu.

Vị Chủ tịch Hội Nhà báo đầu tiên 

Khi nhắc đến Xuân Thủy, báo chí quốc tế và nhiều người Việt Nam đương thời thường nhớ đến một nhà cách mạng, nhà ngoại giao tên tuổi, bởi ông từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968-1973). Thế nhưng, bên cạnh vai trò nổi bật đó, ông còn là một nhà báo và ông chính là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam. 

Nhà báo Xuân Thủy là một trong những nhân vật chủ chốt, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Trong hồi ký, nhà báo Xuân Thủy viết: “Tình hình đất nước đang diễn biến cực kỳ phức tạp... Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức. Tôi đã xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất hoan nghênh và nói: Người làm báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm cùng đoàn kết trong một mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc”.

Tháng 4/1950, tại ATK Chiến khu Việt Bắc, nhà báo Xuân Thủy khi ấy đang là Chủ nhiệm báo Cứu Quốc đã đứng ra triệu tập các đồng nghiệp, mở Đại hội thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” - năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 21/4/1950, tại hội trường báo Cứu Quốc ở xóm Roòng Khoa (xã Điềm Mặc - huyện Định Hóa - tỉnh Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam chính thức ra mắt. Ðại hội đại diện 185 hội viên cả nước thống nhất thông qua Ðiều lệ, bầu Ban Chấp hành Hội gồm 10 nhà báo, do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng; các đồng chí: Hoàng Tùng, Ðỗ Ðức Dục làm Phó Hội trưởng. Ðến ngày 2/6/1950, Chính phủ có quyết định chính thức công nhận Hội những người viết báo Việt Nam và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt.

Tháng 7/1950, Ðại hội lần thứ III Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ) họp tại Phần Lan đã quyết định công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là một thành viên chính thức của tổ chức này.

Cuộc đời cách mạng vẻ vang

Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị - tổng Phương Canh - phủ Hoài Đức - tỉnh Hà Đông (nay là phường Phương Canh - quận Nam Từ Liêm - Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình truyền thống Nho giáo, nhưng từ nhỏ ông được giáo dục trong môi trường văn hóa Công giáo tại quê nhà, sau đó được đưa về Hà Nội học.

Thời gian học tại Hà Nội, ông bắt đầu tham gia sinh hoạt trong một số tổ chức yêu nước, chủ trương chống thực dân. Ông bắt đầu viết báo từ thập niên 1930 và hoạt động cách mạng từ năm 1932 thông qua báo chí. Bút danh Xuân Thủy của ông ra đời trong thời kỳ này và trở thành tên gọi của ông suốt nhiều năm cho đến khi ông qua đời.

Trưởng đoàn Xuân Thủy (đứng giữa) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Paris về Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Hoạt động của ông sớm bị chính quyền thực dân Pháp chú ý. Từ năm 1938 đến 1943, ông nhiều lần bị bắt giam, bị đưa đi lưu đày, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực báo chí cách mạng chống thực dân. Ngay trong thời kỳ bị giam tại nhà tù Sơn La, ông cùng ông Trần Huy Liệu vẫn ra một tờ báo bí mật 2 tháng 1 kỳ có tên gọi là Suối Reo. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941. Đầu năm 1944, ông được trả tự do và sau đó, trở lại hoạt động cách mạng trong phòng trào Việt Minh, làm Chủ nhiệm tờ Cứu Quốc - tờ báo của Tổng bộ Việt Minh từ thời kỳ bí mật khi tờ báo còn đặt ở Núi Thầy (1944). Lúc này ông phụ trách tờ báo trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Trường Chinh. 

Vừa phụ trách báo vừa trực tiếp viết bài với bút danh Ngô Tất Thắng, Tất Thắng, Chu Lang, những bài báo của nhà báo Xuân Thủy mang hơi thở nóng hổi của thời cuộc, có tác dụng to lớn động viên nhân dân đứng lên chống phát xít Nhật - Pháp: “Hết thảy đồng bào hãy gom tiền vào quỹ mua súng của Việt Minh, hãy sốt sắng ủng hộ các chiến sĩ cứu quốc đang hoạt động, hãy hăng hái tham gia phong trào chống Nhật đang lan rộng. Quân thù đang yếu, cơ hội tốt đang đến. Với quyết tâm chiến đấu, thắng lợi nhất định về ta” (Báo Cứu quốc, ngày 21/10/1944).

Ngày 19/8/1945, Hà Nội tưng bừng khởi nghĩa. Từ thôn Thu Quế, nhà báo Xuân Thủy về trung tâm thành phố. Ngay tối 19/8, tại Bắc bộ Phủ, ông được phân công phụ trách công tác Thông tin - Tuyên truyền - báo chí của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ; ngay sau đó ông đề nghị thành lập Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tờ báo Cứu quốc ra công khai, phát hành hàng ngày. Ông vẫn tiếp tục tích cực tham gia hoạt động cho tờ báo lúc này có trụ sở ở Bờ Hồ (trụ sở báo Hà Nội mới ngày này). Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I đầu năm 1946, đại biểu tỉnh Hà Đông. 

Khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lại theo tờ báo Cứu quốc lên Chiến khu Việt Bắc. Năm 1948, ông được bầu làm Ủy viên thường trực Thường vụ Tổng bộ Việt Minh và giữ cương vị này cho đến năm 1950. 

Năm 1949, ông tổ chức lớp đào tạo cán bộ làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, được xem như người đặt nền móng trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho Kháng chiến. Năm 1950, ông được bầu làm Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam khóa I. Năm 1951, ông giữ chức Trưởng ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt.

Nhà báo Xuân Thủy là một nhà tổ chức tài năng trong báo giới. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã kêu gọi và quy tụ được nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ tên tuổi như Văn Cao, Như Phong, Đỗ Phồn, Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Tô Hoài, Trần Đình Thọ… làm biên tập viên, cộng tác viên của tờ Cứu quốc Trung ương và báo Cứu quốc Khu, Liên Khu.

Năm 1955, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản quyền kiểm soát hoàn toàn miền Bắc Việt Nam, ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam

Ông chuyển sang công tác ngoại giao từ năm 1963 và giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm tháng 4/1963 đến tháng 4/1965. Ông là người góp phần tích cực vào thành công của Hiệp định Hòa bình Paris với vai trò là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ông giữ vai trò này từ năm 1968 cho đến khi hiệp định được ký kết năm 1973 với hàm Bộ trưởng) tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Theo S.A (TH)/ Cổng TTĐT HNB VN

http://hoinhabaovietnam.vn/Vi-Chu-tich-dau-tien-cua-Hoi-Nha-bao-Viet-Nam_n86862.html

 

Các tin khác:
  • Hội viên nhà báo Gia Lai: Những “thư ký” trong phòng, chống dịch COVID-19 (09/12/2021-12:31)
  • Tiếp tục đổi mới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong kỷ nguyên số (02/12/2021-18:02)
  • Phát triển Câu lạc bộ chuyên ngành sẽ thu hút được hội viên (19/11/2021-16:49)
  • Báo chí với vai trò tuyên truyền chính sách Bảo hiểm tiền gửi tới người dân (09/11/2021-8:49)
  • Công tác cấp đổi thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2021-2026: Khẩn trương, tích cực, trách nhiệm (04/11/2021-13:44)
  • Khám phá trưng bày số hóa tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (02/11/2021-13:50)
  • Linh hoạt ứng phó đại dịch COVID-19 trong hoạt động nghiệp vụ (07/10/2021-14:52)
  • Giáo dục đạo đức hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội: Chuyện dài vẫn phải nói mãi... Bài 9: Không chỉ thực hiện nghĩa vụ công dân mà còn là trách nhiệm của người làm báo (18/09/2021-12:10)
  • “Thông tin hàng trăm trẻ thơ không có người chăm nom, mẹ là F0, không tã, không có sữa…” là sai sự thật (13/09/2021-9:06)
  • Báo chí truyền thông với cuộc chiến chống dịch tin giả Bài 2: Báo chí có trách nhiệm nắn dòng thông tin sai lệch, lấn át tin giả, lấy lại niềm tin độc giả (11/09/2021-14:17)