Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi: Chuyển đổi số để báo chí tiếp tục tồn tại, phát triển (29/12/2021-7:44)
    Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, báo chí tất nhiên phải là lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số. Thậm chí, để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, chuyển đổi số phải là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay.

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Ảnh: NVCC

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không nằm ngoài xu hướng chung, báo chí với tư cách là ngành nghề tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. 

Câu hỏi được đặt ra là: Báo chí thực hiện việc chuyển đổi số như thế nào để vừa có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh với các thông tin của mạng xã hội, vừa kịp thời đưa thông tin chân thực, đa dạng, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc? Trước thềm Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (diễn ra từ ngày 29-31/12), PV Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam để hiểu rõ hơn vấn đề này.

 

Báo chí chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Thưa ông, tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhắc đến chuyển đổi số trong báo chí, vậy ông nhìn nhận gì về câu chuyện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí hiện nay?

- Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có thể nhận thấy, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đó là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật… Đây là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay và là một chủ trương lớn của Việt Nam.

Không nằm ngoài xu thế chung, báo chí với tư cách là ngành nghề tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Vì thế, báo chí tất nhiên phải là lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số. Thậm chí, để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, chuyển đổi số phải là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay.

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta thấy ngày càng xuất hiện những dạng thức báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ như: Longform, E-magazine, Mega-story, Infographics… thậm chí nhiều cơ quan báo chí đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong quá trình làm báo và chắc chắn trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều dạng thức báo chí hơn nữa.

Bên cạnh đó, trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí hiện nay đang tập trung phát triển báo mạng điện tử, xây dựng các Fanpage trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… để tạo ra những đường dẫn giúp người đọc có thông tin nhanh, đúng và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, các xu hướng báo chí đang và tiếp tục thịnh hành trên thế giới đều gắn một phần hay hoàn toàn với hoạt động chuyển đổi số. Cụ thể như xu hướng cá nhân hóa nội dung, báo chí đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo…

Song cũng như các ngành nghề khác, chuyển đổi số trong báo chí không đơn thuần là đưa thông tin lên mạng Internet, mà nó còn phải thể hiện ở cả các hoạt động mang tính cốt lõi. Đó là sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí. 

Xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm. Có sự thống nhất và phân chia nhiệm vụ giữa các bộ phận xuất bản in, phát thanh, truyền hình, điện tử để làm sao thông tin đến với công chúng hiệu quả nhất. Đáng chú ý, cùng với hình thành cơ sở dữ liệu, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến năng lực xử lý dữ liệu của đơn vị mình.

Sẵn sàng cho mô hình thu phí của báo điện tử

Như ông đã nêu, chuyển đổi số không phải là một trào lưu mà là xu hướng tất yếu của thời đại và báo chí không thể nằm ngoài cuộc. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí cũng đang chuyển sang phát triển đa phương tiện, đa nền tảng nhưng lại chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của loại hình này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Các cơ quan báo chí Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc chuyển đổi số. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, xác định 6 quan điểm, 6 nhiệm vụ, giải pháp nền móng chuyển đổi số, 9 nhiệm vụ phát triển chính phủ số, 5 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số, 7 nhiệm vụ phát triển xã hội số... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để báo chí thực hiện chuyển đổi số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng các nền tảng để hỗ trợ báo chí chuyển đổi số. Cụ thể, nền tảng quản lý tòa soạn điện tử cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, trong đó sẵn sàng cho mô hình thu phí của báo điện tử.

Nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội giúp cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời xu hướng thông tin, dư luận xã hội, để từ đó có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc. Nền tảng phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm bảo vệ các cơ quan trong hoạt động trên môi trường số.

Thực tế, hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí của ta, chuyển đổi số rõ nhất là ở bộ phận tòa soạn trong công việc chuyên môn. Một số tờ báo đã tiên phong hình thành các tòa soạn hội tụ (như Vnexpress, báo Nhà báo và Công luận, báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt…) để chủ yếu phục vụ phần nội dung. Ở các bộ phận còn lại như công tác bạn đọc, hành chính quản trị thường được số hóa một phần.

Chuyển đổi số phải toàn diện ở tất cả các khâu trong hoạt động báo chí, từ hoạt động tác nghiệp của phóng viên cho đến các khâu kết nối để sản xuất ra tác phẩm báo chí, cũng như khâu lan toả tác phẩm đến công chúng và sự tương tác với công chúng, kể cả vấn đề thu phí đều phải nằm liên hoàn trong quá trình chuyển đổi số.

Trong số hơn 45.000 người lao động trong lĩnh vực báo chí, có khoảng hơn 21.000 người được cấp thẻ nhà báo. Một tín hiệu đáng mừng là số đông những người làm báo chuyên nghiệp đều sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Bởi họ nhìn thấy lợi ích của chuyển đổi số tạo thuận lợi cho quá trình tác nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả của tác phẩm báo chí. Chính lực lượng này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các tòa soạn.

 

Về việc nhiều cơ quan báo chí chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh sau khi chuyển đổi số, phải chăng vẫn còn nhiều thách thức mà báo chí phải đương đầu trong quá trình chuyển đổi số, thưa ông?

- Nói đến thách thức, không chỉ Việt Nam mà báo chí nước ngoài cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức. Để có thể chuyển đổi số một cách đồng bộ và thống nhất thì kinh phí đầu tư chính là nỗi trăn trở lớn đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn thu chính từ quảng cáo, truyền thông không những vơi đi mà còn thêm khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngoài các nguồn thu vốn có, việc thu phí nội dung tác phẩm báo chí trên báo điện tử cần phải được các cơ quan báo chí tính đến. Câu chuyện này không mới vì trên thực tế, hình thức bán tin tức này đã được một số cơ quan báo chí thực hiện như TTXVN và Vietnamplus... Chính vì thế, chất lượng nội dung của tờ báo càng cần phải được coi trọng hơn bao giờ hết.

Không ít cơ quan báo chí hiện nay vẫn coi các biên tập viên báo điện tử chỉ là những người "cắt – dán" nội dung từ báo in chuyển sang báo điện tử. Đáng chú ý, nhiều cơ quan báo chí nghĩ rằng làm báo điện tử chỉ cần đầu tư một hệ thống quản trị nội dung (CMS) vừa vừa, thêm vài thiết bị phần cứng như máy tính, máy ảnh hay máy quay video, vậy là yên tâm có nội dung số.

Cũng có báo trăn trở với chuyện lượng truy cập (view), thuê hẳn chuyên gia SEO về hướng dẫn phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn… và cũng có những đơn vị khá tích cực, áp dụng từ việc tăng nội dung video đến tính năng live-stream trên Facebook, YouTube vốn rộ lên một thời gian.

Nhưng chừng đó là chưa đủ, báo chí ở nước ta cũng như trên thế giới liên tục chuyển đổi từ phương thức này sang phương thức khác, từ chiến lược ưu tiên website (web-first) đến thiết bị di động (mobi-first) rồi tới ưu tiên cho thông tin lên mạng xã hội (social-first), chuyển từ chiến lược tăng lượng truy cập sang tăng mức độ tương tác rồi đến thu hút sự trung thành của độc giả để biến sự trung thành đó thành việc đăng ký thuê bao trả phí lâu dài. Rồi các xu hướng báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo…

Mở ra chân trời phát triển mới

Thưa ông hiện có ý kiến rằng việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư đổi mới công nghệ mà quan trọng hơn là sự đổi mới về tư duy, hành động của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

- Chuyển đổi số là vấn đề thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức chứ không chỉ là vấn đề tài chính hay công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người đứng đầu, mà cụ thể ở đây là Tổng Biên tập của tờ báo. Bên cạnh nhiều Tổng Biên tập năng động, sáng tạo, thì vẫn còn một số Tổng biên tập chưa trong tâm thế sẵn sàng.

Đó là do họ còn giữ thói quen, tư duy làm báo kiểu truyền thống, chưa sử dụng thành thạo công nghệ mới, hoặc vì lý do khách quan như cơ quan của họ chưa dồi dào về mặt tài chính, còn gặp khó khăn về nguồn thu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được với yêu cầu chuyển đổi số. Hoặc do một số người làm báo ở cơ quan đó chưa chuyển động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Đặc biệt, hiện nay, nhiều cơ quan báo in nhận thấy phải chuyển dần sang nền tảng số, nhưng lại không coi trong bộ phận báo điện tử và không có chiến lược rõ ràng để phát triển loại hình báo chí này.

Vậy trước những thách thức và tồn tại bất cập hiện nay của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số như ông đề cập đến, con đường nào "mở lối" mang lại hiệu quả cho báo chí tương lai và khi chuyển đổi số, thưa ông?

- Chuyển đổi số đang và sẽ mang lại cơ hội chưa từng có, mở ra chân trời phát triển mới cho hoạt động báo chí. Nhờ có chuyển đổi số, các sản phẩm báo chí sẽ ngày một đa dạng, phong phú và chất lượng hơn. Hiệu quả thông tin sẽ được đo bằng việc các cơ quan báo chí hình thành tòa soạn hội tụ, sử dụng mạng xã hội như một công cụ để lan tỏa thông tin thế nào.

Chuyển đổi số còn giúp tăng tính tương tác mạnh mẽ giữa người làm báo với công chúng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Ngoài ra, chuyển đổi số sẽ giúp công tác điều hành cơ quan báo chí cũng như ở các cấp Hội Nhà báo sẽ nhanh, trực tiếp và hiệu quả hơn.

Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đang xây dựng Đề án công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động điều hành hệ thống hội nhà báo từ trung ương đến cơ sở. Đề án đó sẽ hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số.

Hội Nhà báo Việt Nam rất khuyến khích các cơ quan báo chí chủ động bắt nhịp, xây dựng các đề án để mau chóng đưa công cuộc chuyển đổi số vào hoạt động nghiệp vụ của cơ quan mình. Cách đây 3 năm, bản thân tôi đã dẫn đầu đoàn công tác gồm 10 Tổng Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đi thăm và học hỏi kinh nghiệm xây dựng toà soạn hội tụ ở một số tập đoàn báo chí lớn ở Vương quốc Anh.

Sau chuyến đi đó, các Tổng Biên tập này đã triển khai khá có hiệu quả xây dựng toà soạn hội tụ ở các cơ quan của họ. Điều đó cho thấy mong muốn đưa hoạt động báo chí ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại là mong muốn chung của các cơ quan báo chí hiện nay mà chuyển đổi số là con đường nhanh nhất, thực tế nhất để biến mong muốn đó trở thành hiện thực.

Sắp tới, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, trong đó có việc tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số.

Theo danviet.vn

https://congluan.vn/pho-chu-tich-thuong-truc-hoi-nha-bao-vn-ho-quang-loi-chuyen-doi-so-de-bao-chi-tiep-tuc-ton-tai-phat-trien-post174634.html

 

Các tin khác:
  • Báo chí cần tập trung cho các nội dung chuyên sâu, tăng cường tính chuyên nghiệp (27/12/2021-9:39)
  • Chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền (24/12/2021-8:52)
  • Khẳng định sống động, thuyết phục nhất về hình ảnh Hội Nhà báo Việt Nam trong trái tim hội viên, nhà báo (24/12/2021-8:45)
  • Nhà báo Nguyễn Nam Thắng giữ chức tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn (24/12/2021-8:24)
  • Nhà báo Đình Thắng – Báo Tiền Phong: Nước mắt rừng và lương tri người có trách nhiệm (23/12/2021-14:00)
  • Giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, 31 cơ quan báo thuộc các địa phương (22/12/2021-13:48)
  • Cơ quan báo chí phải có sự độc lập, trung thực trong thông tin về thị trường bất động sản (20/12/2021-10:02)
  • Ra mắt cuốn sách Báo chí với nhiệm vụ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (19/12/2021-8:23)
  • Mỗi tác phẩm về công tác dân số đều thấm đẫm tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn cao cả (19/12/2021-8:19)
  • Nhiều tác phẩm báo chí đầu tư công phu, có sự dấn thân được trao giải VIEWS Awards 2021 (17/12/2021-15:27)