Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Khi Quốc hội “xắn tay” chống dịch (03/01/2022-16:48)
    Có thể nói, chưa bao giờ, hình ảnh về một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết, được thể hiện rõ nét đến thế như trong hai kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.

 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết đã giúp Chính phủ chủ động, kịp thời thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội đã “xắn tay” cùng đồng hành với Chính phủ trong công cuộc chống dịch COVID-19 thông qua việc ban hành một loạt quyết sách đúng đắn, kịp thời. Đây thực sự là những quyết sách “chưa từng có tiền lệ”, tạo ấn tượng mạnh mẽ về một Quốc hội đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới.

1. Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến cả thế giới lao đao, Việt Nam cũng không là quốc gia ngoại lệ. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 kéo dài trong suốt những tháng cuối năm 2021 đã khiến nền kinh tế suy giảm trầm trọng, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Trước đại dịch, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã nhất quán quan điểm “lấy bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Từ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được Quốc hội đặc biệt quan tâm với việc thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15 (NQ 30) nhằm tập trung xử lý những vướng mắc về mặt pháp lý trong phòng, chống dịch, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, thậm chí có việc chưa được quy định trong luật, nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.

Để vực dậy doanh nghiệp, cần khẩn trương quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua, đây được ví như là nguồn oxy cho doanh nghiệp đang “hấp hối” trong đại dịch. (ĐBQH Nguyễn Như So phát biểu tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XV)

Một Quốc hội trách nhiệm, đổi mới qua Kỳ họp thứ hai tiếp tục được thể hiện ngay từ công tác chuẩn bị kỳ họp từ sớm, từ xa với việc kết hợp họp trực tuyến và trực tiếp. Việc bố trí chương trình Kỳ họp một cách linh hoạt đã được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao trong bối cảnh thích ứng, an toàn với dịch bệnh.

Trên nghị trường hay trong những phiên thảo luận tổ, những nội dung “nóng”, bức thiết liên quan đến công tác phòng, chống dịch, an sinh xã hội trong trong và sau đại dịch… đã được các ĐBQH đưa ra với những góc nhìn sâu sắc. Đặc biệt, Quốc hội cũng chính thức đưa 4 nhóm vấn đề thiết thực nhất, được cử tri quan tâm nhất vào phần chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp, đó là: lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo. Những câu hỏi thẳng thắn, tâm huyết của ĐBQH cùng những trả lời đi thẳng vào vấn đề của 4 Bộ trưởng được các ĐBQH, cử tri đánh giá rất cao.

Đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ hai, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng Kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra với dấu ấn của một Quốc hội đổi mới, đoàn kết, trách nhiệm. Trong thời gian qua, Quốc hội đã rất quan tâm cải thiện hệ thống pháp luật, luôn đồng hành cùng Chính phủ để tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Kỳ họp này, Quốc hội đưa nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết chung đã thể hiện sự đồng hành cùng với Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc thích ứng an toàn với đại dịch, duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

“Quốc hội đưa vào nhiều vấn đề để thảo luận chất vấn nhất là công tác an sinh xã hội, về nhu cầu việc làm, nguồn lao động… nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau đại dịch. Chính sự đồng hành này sẽ giúp cho Chính phủ chủ động trong điều hành để giải quyết những khó khăn, bất cập sau dịch COVID-19 cũng như những giải pháp lâu dài nhằm ổn định việc làm, nguồn lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

2. Ngay kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã thống nhất về một “quyết sách đặc biệt” với 100% ĐBQH tán thành, quyết sách ấy là sự ra đời của Nghị quyết (NQ) 30. Có thể nói, đây chính là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để Chính phủ triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống COVID-19; là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân.

 

khi quoc hoi xan tay chong dich hinh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần triệu tập cuộc họp bất thường của UBTVQH để bàn về các giải pháp, đưa ra các quyết sách kịp thời trong phòng chống dịch. Ảnh: quochoi.vn

 

Cũng ngay sau khi Chính phủ có Tờ trình, ngày 6/8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 (NQ 268) “Về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19”.

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đánh giá, trong một thời gian ngắn, Quốc hội và UBTVQH đã ban hành 2 NQ 30 và NQ 268. Có thể nói, đây là việc làm rất kịp thời, thể hiện vai trò của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất đang rất quan tâm, theo dõi rất sát sao công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của đất nước.

“Những nội dung trong 2 NQ đã mở đường, tạo điều kiện cho Chính phủ cùng các địa phương chủ động triển khai hiệu quả, kịp thời hơn trong giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện đang diễn biến vô cùng phức tạp. Cùng với đó, việc Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động trong chỉ đạo, điều tiết công tác khám chữa bệnh, tiêm phòng vaccine, lưu hành thuốc điều trị… sẽ giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được tốt hơn”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Còn ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) cho rằng, việc Quốc hội đồng thuận, cho phép Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng hiệu quả các biện pháp chống dịch bệnh được đưa được vào NQ 30 và cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 tại NQ 268 của UBTVQH đã thể hiện sự chủ động trong điều hành, chỉ đạo của Quốc hội.

 

khi quoc hoi xan tay chong dich hinh 3

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

 

Các biện pháp phòng, chống dịch thời gian qua, mặc dù có những việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn bảo đảm yêu cầu chung, với những nỗ lực cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng nhất trí của người dân đã giúp nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới.
(ĐBQH Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XV)

Cũng theo ĐBQH đoàn Hải Phòng, trong công tác phòng, chống dịch, công tác quản lý giá thuốc cổ truyền, lưu hành thuốc điều trị và vaccine cũng vô cùng quan trọng. Khi Nghị quyết của Quốc hội giao quyền chủ động cho Chính phủ chỉ đạo, đưa ra các giải pháp thì cũng có nghĩa là các Bộ, ngành không chỉ cấp phép khám chữa bệnh, lưu hành, cấp phát thuốc và vaccine một cách dễ dàng mà phải có sự kiểm soát kỹ lưỡng những việc làm này nhằm tránh những bất cập có thể phát sinh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Quốc hội đã giao quyền chủ động cho Chính phủ áp dụng linh hoạt việc phòng chống dịch bệnh phù hợp với từng điều kiện, trường hợp, từng địa phương, từng vùng cụ thể. Đây là quyết định hết sức đúng đắn, kịp thời. “Chúng ta có thể dừng sản xuất kinh doanh trong một thời gian để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì tiếp tục thực hiện ổn định, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Cũng ngay sau khi NQ 30 ra đời, tiếp tục phát huy tinh thần làm việc của Quốc hội và UBTVQH “chủ động, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, đồng lòng” với Chính phủ, UBTVQH đã lập Tổ công tác của UBTVQH thực hiện NQ 30 liên quan tới công tác phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 30/8).

Tổ Công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng; Ủy ban Xã hội là cơ quan Thường trực của Tổ công tác này. Đây được coi là “Tổ công tác làm việc không kể ngày đêm, là Tổ công tác 24/7 của UBTVQH” đã tham mưu, góp ý các cơ chế, chính sách phù hợp để sớm kiểm soát dịch bệnh, kể cả chiến lược sản xuất vaccine trong nước, vận động, tìm kiếm, tiếp cận sớm nhất các nguồn vaccine, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế từ bên ngoài.

Đặc biệt, trước việc chuyển hướng chiến lược sang “sống chung với dịch bệnh”, Tổ công tác đã đi sâu, làm rõ một số nội dung liên quan đến vaccine phòng COVID-19 và thuốc điều trị COVID-19 trong triển vọng “sống chung với đại dịch COVID-19” tại Việt Nam, từ đó có những thông tin, luận cứ xác đáng phục vụ cho công tác tham mưu cho UBTVQH, đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch.

3. Cùng với việc ban hành NQ 30, để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp; ngoài hai kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã triệu tập nhiều phiên họp bất thường của UBTVQH để xem xét các đề xuất của Chính phủ; đã ban hành 6 nghị quyết với hàng loạt quyết sách đặc biệt chưa từng có tiền lệ, với số tiền lên đến gần 100.000 tỷ đồng.

 

khi quoc hoi xan tay chong dich hinh 4

Nghị quyết số 30/2021/QH15 được các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành tuyệt đối. Ảnh: quochoi.vn

 

Đặc biệt, Tổ công tác của UBTVQH đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để xem xét, thảo luận về các đề xuất của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp đó, Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này và UBTVQH họp bất thường để xem xét ban hành chính sách hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp, người lao động. Từ đó, Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 (Nghị quyết 03) ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời.

Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 (NQ 116) về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng từ Quỹ này. Theo đó, người lao động thất nghiệp do COVID-19 (khoảng 13 triệu lao động) được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ. Còn người sử dụng lao động (ước tính có khoảng 390.000 doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách này) được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đánh giá gói 30.000 tỷ đồng kết dư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là chính sách kịp thời, dễ triển khai thực hiện; Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc UBTVQH ban hành Nghị quyết 03, sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 đã góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động. Đây là sự vận dụng mang tính nhân văn, kịp thời, giúp người lao động và doanh nghiệp sớm vượt qua hậu quả của đại dịch.

4. Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, vào ngày 19/10/2021, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 (NQ 406) về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Tại phiên thảo luận ngày 8/11 thuộc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đánh giá, NQ 406 như chiếc “bình oxy” kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân đang đuối sức vì dịch bệnh. Tính thiết thực của Nghị quyết được thể hiện ở chỗ, là rõ ràng về tiêu chí đối tượng, để vừa không mất thời gian trong triển khai và vừa thuận lợi cho công tác giám sát sau này.

Bà Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay, thì chính sách này thực sự là một sự chia sẻ rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Từ các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất kịp thời, có tác động tích cực đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để doanh nghiệp trụ vững trong đợt dịch vừa qua và phục hồi sản xuất.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ ra đời bất kể ngày đêm là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, UBTVQH, đáp ứng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”. Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 không phải là một quy trình chuẩn tắc, mà là một hành trình đầy thách thức khắc nghiệt và khó lường. Đòi hỏi phải quyết liệt từng hành động, sự cầu thị trong học hỏi, sự quả cảm trong thay đổi nhận thức và tư duy. (ĐBQH Trần Văn Khải phát biểu tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XV)

Theo Quốc Trần/Báo NB&CL

https://congluan.vn/khi-quoc-hoi-xan-tay-chong-dich-post174211.html

 

Các tin khác:
  • Tiếp tục triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (01/01/2022-16:41)
  • Tăng cường quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (01/01/2022-16:29)
  • Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa Liềm vàng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 (01/01/2022-16:24)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới 2022 (01/01/2022-15:57)
  • Toàn văn phát biểu chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng tại Đại hội lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam (31/12/2021-20:02)
  • Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI: Nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đổi mới hoạt động (31/12/2021-19:48)
  • Đối tượng xuyên tạc thông tin về biến chủng Omicron sẽ bị xử lý như thế nào? (31/12/2021-19:34)
  • Công bố và trao các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác cán bộ (29/12/2021-7:36)
  • 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của năm 2021 (28/12/2021-10:41)
  • Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao, tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19 (26/12/2021-18:58)