Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tăng lương tối thiểu vùng: Điều chỉnh để bảo vệ nhóm lao động yếu thế (04/04/2022-13:05)
    Tiền lương tối thiểu vùng hiện không còn bảo vệ được người lao động yếu thế và có nguy cơ trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trả lương lao động thấp hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết.

 Chiều 28/3, kết thúc phiên họp về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết phiên họp mang tính chất thăm dò, các bên chưa chốt phương án cụ thể, song cơ quan này tiếp tục đề xuất tăng từ ngày 1/7. Các chuyên gia cũng cho rằng việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết.

Lương “chạy” không kịp mức chi phí cuộc sống của người lao động

Đánh giá chung để chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2026, các cơ quan Trung ương thống nhất nhận định, sau hơn 20 năm, tính từ 1993, qua 2 lần cải cách tiền lương (năm 1993 và năm 2004), dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh song đời sống người hưởng lương ít được cải thiện.

Theo Bộ LĐ-TB&XH với mức lương hiện nay, người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu, trong khi giá cả sinh hoạt ngày càng leo thang. Con số này ở khu vực sản xuất dù có cao hơn nhưng cũng mới chỉ đạt 80% (tính đến 2020).

Thực tế, từ 2008, khi bắt đầu tách riêng lương khu vực công và khu vực doanh nghiệp (lương cán bộ công chức căn cứ trên lương cơ sở với hệ thống thang, bảng lương rất phức tạp và lương công nhân, người lao động tại doanh nghiệp căn cứ trên lương tối thiểu vùng) tới nay, lương khu vực doanh nghiệp được đánh giá là được cải cách, điều chỉnh tăng nhanh hơn lương khu vực công.Cụ thể, lương tối thiểu vùng có mức tăng trung bình 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (xấp xỉ 4%/năm).

Liên tục hơn 10 năm, Chính phủ không ngừng quan tâm cải cách, điều chỉnh mức lương tối thiểu qua từng năm, góp phần cải thiện đời sống người lao động. Đơn cử, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2013 với mức tăng 16-18% (thấp hơn so với mức tăng 35 -37% đã trình trong Đề án được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI phê duyệt). Từ ngày 1/1/2015, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 14,2%. Năm 2016, lương tối thiểu vùng tiếp tục tăng 12,4%, năm 2017 tăng 7,3%.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: “Tiền lương tối thiểu vùng hiện không còn bảo vệ được người lao động yếu thế và có nguy cơ trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trả lương lao động thấp hơn”.

Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, 2 năm qua, từ 2020, lương tối thiểu vùng vẫn được giữ nguyên, lùi lộ trình tăng như kế hoạch. Trao đổi với PV Dân trí về việc này, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng - thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh lương tối thiểu không được điều chỉnh tương ứng, hiện không đảm bảo được ý nghĩa là để đáp ứng mức sống của người lao động và gia đình.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, mức lương tối thiểu vùng I (cao nhất trong 4 vùng) hiện nay được duy trì từ năm 2020 là mức 4,42 triệu đồng/tháng mới đáp ứng được  hơn 90% mức sống tối thiểu. Khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu đã tăng quá mốc 10% trong năm 2021, do những khó khăn dịch bệnh khiến những chi phí cho y tế, giá cả thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng cao trong khi lương vẫn bị “neo” ở mức cũ.

Tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết

Trong cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về lương tối thiểu vùng, các chuyên gia cho rằng việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Trong phiên họp này, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu.

 

tang luong toi thieu vung dieu chinh de bao ve nhom lao dong yeu the hinh 2

 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, hiện vẫn áp dụng theo mức tiền lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng bắt đầu từ 1/1/2020.

Theo TS. Nguyễn Việt Cường - Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong nghiên cứu gần đây về đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu lên việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam (số liệu từ điều tra lao động việc làm 2012-2020) cho thấy, tác động tích cực của việc tăng lương tối thiểu đối với tiền lương tháng của người lao động có tiền lương dưới mức tối thiểu.

Theo đó, mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng 0,83% tiền lương hằng tháng. Tuy nhiên, tác động của tăng lương tối thiểu đối với tiền lương của lao động nói chung là không đáng kể. Mức lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến tiền lương theo giờ tăng 0,32%, điều này hàm ý rằng năng suất lao động tăng lên do tăng lương tối thiểu.

Ông Cường cho biết, trong giai đoạn 2012 – 2017, lương tối thiểu tăng rất nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây nếu so với mức lương trung bình, tốc độ tăng lương tối thiểu bắt đầu giảm, thậm chí không còn theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội nói chung, do chưa được điều chỉnh, mức lương tối thiểu hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng nên xem xét để tăng lương.

Theo ông Cường, để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã không điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nhưng hiện nay việc tăng này là cần thiết, song sẽ cần thêm các chính sách hỗ trợ hài hòa hơn.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho hay, xét về lý thuyết, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Năm nay, nước ta ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Sau khi kinh tế phục hồi, người lao động có công ăn việc làm thì sẽ tính toán việc tăng lương tối thiểu vùng. Vì vậy, năm nay Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng có thể bàn bạc để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho năm 2023.

Lương tối thiểu để bảo vệ nhóm lao động yếu thế

Thống kê năm 2021 của Viện Công nhân, công đoàn: 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% người lao động phải giảm lượng thịt hằng ngày, 22% người lao động phải chuyển từ việc mua sắm hằng ngày sang sử dụng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% người lao động lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa.

Trong một tương quan khác, 60% người lao động phải tiết kiệm triệt để các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân: 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

“Lương tối thiểu hiện quá thấp và còn nợ mức sống tối thiểu 11% nên dù có tăng qua các năm cũng không đủ để chạy theo chi phí đời sống”, ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nhận xét.

Vấn đề khác, như ông Lê Đình Quảng đề cập, ông Chính chỉ rõ, lương tối thiểu hiện mất đi ý nghĩa để đảm bảo mức sống của người lao động vì thực tế, hằng tháng người lao động hầu hết đã nhận một khoản thu nhập cao hơn nhiều so với lương tối thiểu. “Neo” giữ mức lương này, theo đó, chỉ có ý nghĩa giúp doanh nghiệp kìm chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động.

Mổ xẻ vấn đề đặt ra, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, về bản chất là mức sống tối thiểu và là căn cứ giới hạn tối thiểu cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương, đặc biệt đối với một số ngành, nghề lao động giản đơn.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc công bố mức lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng khoảng từ 10% đến 20% người lao động thuộc nhóm có mức lương thấp nhất, làm việc trong những ngành, nghề yếu thế.

Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên nên hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế tối đa việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý.

“Với nguyên tắc tiền lương là giá cả của sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường với sự thỏa thuận của các bên. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động” - TS. Bùi Sỹ Lợi nhắc lại, Nhà nước xác định lương tối thiểu chính là mức sàn thấp nhất để các bên thương lượng về tiền lương.

Theo Khánh An/Báo NB&CL

https://congluan.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-dieu-chinh-de-bao-ve-nhom-lao-dong-yeu-the-post187934.html

 

Các tin khác:
  • Tâm lý hậu COVID-19 (25/03/2022-15:12)
  • Mỏng manh như cánh phong linh (21/03/2022-12:16)
  • Kích hoạt thị trường du lịch quốc tế: Việt Nam sẽ là thỏi nam châm thu hút đầu tư (18/03/2022-16:24)
  • Câu trả lời rõ ràng cho giá xăng: Không thể lần lữa mãi! (17/03/2022-16:19)
  • Coi COVID-19 là bệnh đặc hữu: Phải chờ thời điểm thích hợp! (11/03/2022-15:07)
  • Gấp rút đưa kiều bào về nước (10/03/2022-14:34)
  • Linh hoạt và không cầu toàn (07/03/2022-9:40)
  • F0 rồi, nào đã xong! (04/03/2022-15:19)
  • Xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cơ hội quý để kiến tạo không gian phát triển quốc gia (04/03/2022-15:08)
  • Lễ hội an toàn trong đại dịch (19/02/2022-8:46)