Thứ sáu, ngày 17/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nước mắt người nghèo và trách nhiệm của nhà báo (27/08/2016-21:15)
    (NLBTH) - Nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả nhất của người làm báo là chuyển tải những thông tin cần thiết đến bạn đọc; là điều tra để tìm ra những khuất tất, tiêu cực, đấu tranh vì sự thật. Tiếc thay, có nhiều người làm báo lại đặt vấn đề thu nhập như là mục tiêu tối thượng, đang tâm “ra giá” cho bài báo của mình với những người đang gặp hoạn nạn, nghèo khổ…
Hình ảnh chỉ có tính minh họa
 
Cách đây ít hôm, một phụ nữ khoảng hơn 50 tuổi, người gầy gò, tên T. từ thị xã Bỉm Sơn nhờ người chở lên T.P Thanh Hóa tìm chúng tôi. Bà mong muốn chúng tôi vào cuộc giúp đỡ gia đình trong một vụ kiện tụng đất đai nhiều năm mà theo bà là chưa được giải quyết thỏa đáng. Bà liên tục đặt vấn đề nhờ giúp đăng bài miễn phí khiến chúng tôi thấy chạnh lòng bởi điều khác thường này. Tìm hiểu mới biết, bà T. mới trở thành nạn nhân của 3 nhà báo được bà nhớ tên tuổi cũng như tên tờ báo cụ thể. Trong đôi mắt ngấn lệ, bà kể cách đây ít tháng, gia đình gửi đơn cho một tờ báo thường trú tại Thanh Hóa, người đại diện tờ này đưa thêm 2 nhà báo của 2 báo khác nữa cùng đi trên một ô tô cá nhân tìm đến tận gia đình bà. Trước khi thu thập thông tin, các nhà báo có “ngã giá”: Nếu đăng vấn đề này lên báo, mỗi bài báo gia đình phải trả 3 triệu đồng tiền công phóng viên và chi phí in. Ngoài ra, phải hỗ trợ 1 triệu đồng để chi cho việc đổ xăng xe và… ăn cơm trưa.
 
“Gia đình có ngỏ lời mời 3 nhà báo ăn cơm do gia đình nấu nhưng họ không nghe, nói ăn không tiện. Họ phải chủ động ăn quán” - bà T. chua chát tâm sự trong nước mắt. Tiếp lời, bà cho biết khi đó gia đình không gom đủ 4 triệu đồng nên đành mang chiếc ti vi cũ ra hiệu cầm đồ cắm tạm để có đủ tiền đưa cho các nhà báo. Khi bài báo ra, một trong 3 người này gọi điện ra báo với gia đình là đã được đăng, nhưng phải viết nhiều kỳ thì mới có tác dụng. Những bài sau cũng phải mất “phí” 3 triệu đồng nên gia đình không hợp tác nữa. Cũng theo bà T. tìm hiểu sau đó, tại thị xã Bỉm Sơn đã có nhiều gia đình bị “ông” nhà báo này về đòi tiền mới viết bài. Đáng nói, có trường hợp “ăn” 2 mang, những người làm sai “lót” nhiều tiền lại không viết bài nữa.
 
Đây chỉ là trường hợp gần nhất trong hàng chục trường hợp chúng tôi biết được từ cơ sở trong quá trình tác nghiệp. Một số nhà báo, phóng viên chuyên đi theo những vụ việc kiện tụng, đơn thư. Khi làm việc với những người gửi đơn, họ thường đặt vấn đề phải trả công số tiền nhất định cho phóng viên viết bài. Vô hình chung, những “con sâu” này đang đánh đồng nghề báo với việc làm thuê lấy công theo ngày, theo vụ việc cụ thể. Có chăng, điểm khác là những nghề nêu trên được người thuê trả công tự nguyện, thoải mái, và ngược lại… Nhiều người cũng bị “mị dân” nên sẵn sàng móc hầu bao bởi họ không hiểu rằng, phóng viên viết bài có tòa soạn và cơ quan chủ quản trả nhuận bút, có lương chứ không phải đi “xin” nhuận bút từ cơ sở.
 
Ai cũng biết rằng, những người phải nhờ, “cầu cứu” đến báo chí đa phần đều trong tình trạng bị o ép, bị phán xử oan sai một vấn đề gì đó. Phần lớn họ là những người nghèo, người đang vướng vào rắc rối… rất cần được chia sẻ. Nỡ nào ép buộc người dân nghèo lấy tiền kiểu táng tận lương tâm? Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo đâu rồi?
 
Rồi nữa, gần đây một số tờ báo ít độc giả luôn tạo áp lực và giao định mức để phóng viên phát hành được nhiều ấn phẩm của mình. Một số phóng viên luôn ra điều kiện với cơ sở khi báo ra phải đặt mua hàng trăm tờ. Nhiều người dân phải “cắn răng” bỏ tiền triệu để “mua” những chồng báo cao chất ngất một cách vô bổ. Nhu cầu đọc hay cho tặng cũng vài chục tờ, còn lại trở thành giấy lộn với họ mà thôi. Cổ nhân có câu: “Những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Xin đừng cố làm những điều người khác không thích chỉ vì chút tư lợi trước mắt.
 
Biết rằng, sự thật đôi khi mất lòng, song tác giả mong được sự thông cảm, sẻ chia quan điểm. Tác giả cũng chẳng được gì, không thù oán ai, chỉ đau đáu một ước mong: Các nhà báo cần cống hiến hết mình, phát huy hết trách nhiệm của người làm báo để giúp đời. Một vài "con sâu" có thể làm rầu nồi canh. Xin hãy chung tay xây dựng hình ảnh tốt đẹp của nhà báo, nghề báo trong lòng công chúng!
Thanh An


 

Các tin khác:
  • Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình trong tác nghiệp (26/08/2016-10:42)
  • Hành trình khám phá dòng sông Chu trên đất Lào (26/08/2016-10:21)
  • Sống động khi đồng hành cùng thính giả (26/08/2016-8:18)
  • Cần nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp (20/08/2016-7:20)
  • Nắm vững Luật Báo chí và pháp luật khi viết báo (20/08/2016-8:18)
  • Trách nhiệm của báo chí đối với chính trị (16/08/2016-9:47)
  • Phóng viên bị chỉ trích vì phỏng vấn người đang gặp nạn (16/08/2016-9:41)
  • Kết nối giữa nhà khoa học và nhà báo (14/08/2016-18:07)
  • Phụ nữ làm báo: Gian truân và cạm bẫy (10/08/2016-16:13)
  • Tôi đã bắt đầu làm báo như thế! (10/08/2016-16:10)