Chủ nhật, ngày 05/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Ngồi Gác Trịnh bên dòng Như Ý (23/09/2016-14:24)
    Gió từ dòng Như Ý phảng phất đùa vào mặt chúng tôi trong những giờ phút đắm mình ở Gác Trịnh. Văn đàn xứ Huế vẫn luôn coi Gác Trịnh là chốn đi về, là căn nhà của những gã lang thang. Dám yêu, dám nếm trải ngọt bùi cho thi ca và cho nhiều thứ na ná như thế.

Gác Trịnh nay mang hồn Gác Trịnh xưa. Ảnh: Hữu Phương.

Căn nhà của những gã lang thang

Chúng tôi cũng chỉ là những gã lang thang may mắn ngồi ở Gác Trịnh trong một buổi chiều mà nắng thủy tinh ngập tràn xứ Huế. Cũng không phải nhiều người hiểu hết về nắng thủy tinh, và có lẽ chỉ có Trịnh Công Sơn mới thấm hết được. Ở Huế, mùa hạ thường có những cơn mưa bất chợt. Có khi vào buổi sáng, thường là vào buổi chiều, một thứ chiều chưa chiều lắm. Mưa chưa kịp tạnh hẳn, nắng đã đột ngột bừng lên, sáng bằng một thứ ánh sáng trong vắt như pha lê, như những mảng thủy tinh long lanh trong vườn qua những kẽ lá, qua những khoảng cách hẹp giữa những hàng cây.

Không biết ai đã đặt tên cho cái màu nắng ấy. Cả tôi cũng vậy. Chính bản thân nắng ấy tự có tên là nắng thủy tinh. Cái tên cúng cơm của một thứ tinh thể vô nhiễm ở một phút giây màu nhiệm khi được lọt lòng từ thiên nhiên. Nắng chiều lên cao để nắng tắt. Và trong phút chốc lạ thường kia, những đốm nắng thủy tinh lung linh chập chờn trên đầu những vòm lá long não xanh mướt để hai hàng cây long não dài suốt một con đường biến thành những ngọn nến thiên nhiên được thắp lên cho một ngày sắp hết.

Hôm nay, tôi ngồi ở Gác Trịnh nhưng không được ngắm hàng long não đẹp lung linh và tôn thêm bởi những tà áo dài thướt tha trên đường Nguyễn Trường Tộ. Căn Gác đi vào thi ca, đi vào ký ức của những người yêu nhạc Trịnh giờ chỉ còn là một hoài niệm xa xăm. Căn gác đó giờ cửa đóng then cài, là bụi của thời gian, của cái lạnh lùng thời cuộc đã phủ lên đó. Nhưng may mắn sao, bên dòng Như Ý trên đường Hàn Mặc Tử có một Gác Trịnh được phục dựng, lãng mạn và đậm nét Huế. Cái nét thong dong của những tà áo dài nữ sinh dạo bước bên dòng Hương, để mặc tóc mình tung bay trong những chiều trở gió. Ở Gác Trịnh có một gã lang thang dốc tất thảy cái gì mình có để phục dựng một chốn đi về cho những người còn yêu, còn mê đắm những ca khúc vượt cả thời gian và không gian của nhạc Trịnh.

Tôi gặp Nguyễn Hà Tuyên, gã lang thang đến từ Quảng Trị trong cái lần Gác Trịnh khai trương đón khách, chúng tôi cùng trò chuyện bên ly cà phê, cùng đắm mình vào những tình khúc. Để rồi mỗi người lại có một ký ức của riêng mình ùa về. Lần này gặp nhau, hắn vẫn vậy. Vẫn cứ quên tất thảy nhịp đời để dành cho Gác Trịnh. Cây đàn ghi ta dựng góc quán để cùng nhau đàn và nghêu ngao nhạc Trịnh. Chỉ thế thôi cũng đủ say lòng bao lữ khách tìm về xứ Huế để trải lòng. Tôi nghĩ hắn sẽ vẫn vậy, vẫn coi trần gian là cõi tạm và rồi dâng hiến hết mình cho tình yêu, cho một gác Trịnh lung linh dưới nắng thủy tinh.

Bây giờ em nói có kịp không…

Tháng 6/2015, ca sĩ Khánh Ly trong lần trở lại Huế đã viết đôi dòng trong cuốn “Đằng sau những nụ cười” tại Gác Trịnh: “Hình như chưa bao giờ mình nói yêu nhau. Nếu bây giờ em nói. Có kịp không?”. Khánh Ly viết vậy nhưng dường như đó là sự tiếc nuối của tuổi trẻ, của cái thuở hồng hoang về tình yêu mà cuộc sống đã đẩy lùi nhiều lý tưởng.

1

Nguyễn Hà Tuyên, gã lang thang đến từ Quảng Trị, người phục dựng lại Gác Trịnh nay.

Trịnh Công Sơn đã từng trách người con gái của mình trong ca khúc Yêu dấu tàn phai: “Em theo đời cơm áo. Mai ra cùng phố xôn xao”. Nguyễn Thị Lệ Mai là tên thật của ca sĩ Khánh Ly, người mà Trịnh Công Sơn không biết gọi như thế nào cho đúng nghĩa. Cuộc đời là như thế, không phải cái gì muốn, cái gì ao ước chúng ta cũng đều làm được. Nhưng biết trân trọng những giây phút hiếm hoi bên nhau thì chút tình mới chớm cũng đã viên thành. Khánh Ly vậy, Trịnh Công Sơn vậy và cả tôi cũng vậy.

Huế lạ lắm, có những nét riêng mà không đâu ở Việt Nam có được. Nếu đến Huế mà ào vào nhịp sống cố đô, không một lần ngắm hoàng hôn tím trên Phá Tam Giang thì dường như đó là một thiệt thòi của du khách. Huế lạ lắm, bao năm vẫn vậy, vẫn giữ nguyên nếp xưa mộc mạc nhưng quá đỗi chân tình. Chắc không ai có thể vẽ Huế bằng những ca từ như Trịnh Công Sơn, trước, nay và cả sau này nữa. Đã yêu thì phải nói, phải dám hiến dâng để rồi ở thời điểm nào đó của tương lai chúng ta không thốt lên: “Bây giờ em nói có kịp không?”.

Lúc này, Huế đang chuyển mùa. Nắng nhạt trải dài trên những con đường, trên những tâm hồn của những gã lang thang. Gác Trịnh cũng vậy, đón những làn gió mát từ dòng Như Ý thi thoảng ùa về cùng những hoài niệm. Gần trọn buổi chiều ngồi ở Gác Trịnh, trong khuôn viên mà ngó đâu cũng thấy bóng dáng của Trịnh Công Sơn, chúng tôi chờ nắng hoàng hôn tím. Đó là hạnh phúc của những gã lang thang lỡ độ đường trong một chiều xứ Huế bất chợt chuyển mùa. Giữa không gian nhiều xúc cảm ấy, khi những câu hát bật lên:

“Cuộc đời đó

Có bao lâu 

Mà hững hờ..”

Những kẻ lang thang như chúng tôi chợt thấy lòng ấm lại, giữa nhọc nhằn của đời sống thường nhật, vẫn thấy, thực sự: cuộc đời vấn đáng sống, đáng để ta trân trọng lắm thay.

Nhưng ngồi đây, ngồi ở Gác Trịnh này mà vẫn da diết nhớ Gác Trịnh xưa…

"Gác Trịnh nằm ở tầng 2, số nhà 203/19, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ, TP. Huế từng là “một chốn đi về” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Tại đây ông đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình. Nơi đây còn lưu giữ lại những kỷ vật của ông, cùng tranh ảnh lưu niệm bạn bè, gia đình ông tặng lại. Chính những kỷ vật ấy đã làm nên một “không gian văn hóa Trịnh” có một không hai. Trong đó có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, hay lá thư tình ông viết cho Dao Ánh… Đúng ngày mất Trịnh Công Sơn 1/4/2013, Gác Trịnh mở cửa đón khách, trở thành địa điểm quen thuộc của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn ở Huế

Học giả Bửu Ý, người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể lại trong một lần đến đây: Những năm cuối thế kỷ XX, trở về Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần mở lòng mình về một ngôi nhà lưu niệm và gọi đó là “nhà nguyện tình yêu”. Đó không là nhà của riêng ai, của Trịnh Công Sơn cũng không nốt, đó là nhà của mọi người, của tuổi trẻ, của tình yêu. Vị nhân sĩ đáng kính này cũng đã mơ ước: “Ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn sẽ là nơi lui tới thường xuyên, hằng ngày, suốt năm, không riêng của thanh niên, bởi không chỉ thanh niên mới yêu thích nhạc Trịnh, mà là mọi người, từ già xuống trẻ, từ trong đến ngoài nước, không những đến nơi này chỉ vì nhạc, còn vì những tư liệu khác, để đọc, để ngắm, để nhớ và nhất là để nuôi dưỡng tâm hồn…”.

Theo Hồng Quang/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nghệ thuật sân khấu truyền thống: Tiếng nói người trong cuộc (19/09/2016-14:15)
  • Bảo tàng cổ vật Hoàng Long đầu tư hướng vào công chúng (10/09/2016-21:30)
  • Đổi mới đột phá của du lịch xứ Thanh (06/09/2016-14:56)
  • Hoài niệm ngày khai trường (05/09/2016-15:10)
  • Thiên nhiên, con người Bắc Trung Bộ qua triển lãm ảnh (30/08/2016-21:48)
  • Mùa thu cảm xúc (30/08/2016-21:42)
  • Xúc cảm trong mùa vu lan (17/08/2016-13:18)
  • Một lần đến miền Tây xứ Thanh (16/08/2016-10:52)
  • Bông hồng, đồ mã, và sự liên hệ trong mùa vu lan (10/08/2016-22:09)
  • Những khuôn hình góp phần quảng bá xứ Thanh (10/08/2016-16:39)